Chứng khoán Hàn Quốc nỗ lực nâng hạng: "Hoạ" hay "phúc"?
Nỗ lực nâng hạng
Trong những năm vừa qua, thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế Hàn Quốc nói chung đã có những dấu mốc đáng ghi nhận, nhất là khi quy mô thị trường chứng khoán đã đạt 1.800 tỷ USD. Vậy nhưng, MSCI - tổ chức xếp hạng toàn cầu vẫn đang xếp thị trường chứng khoán Hàn Quốc vào nhóm thị trường mới nổi, khiến dòng vốn quốc tế chảy vào đây bị hạn chế.
Hàn Quốc đã “chán ngấy” tình trạng này. Trong thời gian gần đây, trước kỳ review vào tháng 6/2023 của MSCI, chính quyền Hàn Quốc thực hiện một loạt chương trình với mục tiêu thuyết phục MSCI đưa thị trường chứng khoán Hàn Quốc vào nhóm thị trường phát triển, nằm cùng danh sách 23 thị trường phát triển khác trên thế giới.
Tính tới thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán Hàn Quốc có vốn hoá 1.800 tỷ USD, là thị trường lớn thứ 4 của châu Á.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết, một trong những mục tiêu được ưu tiên của ông trong nhiệm kỳ này là việc cải tổ các quy định lỗi thời của thị trường tài chính, bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số, mở rộng cánh cửa gia nhập thị trường, cũng như gỡ bỏ quy định liên quan tới cấm bán khống… Tất cả các nỗ lực này nhắm tới mục tiêu nâng hạng thị trường.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đang thúc đẩy nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán. |
Theo Goldman Sachs Group Inc và Bank of Singapore, nếu được nâng hạng lên nhóm thị trường phát triển, thị trường chứng khoán Hàn Quốc có thể thu hút thêm 50 tỷ USD từ các nhà đầu tư. Giám đốc các quỹ đầu tư cũng đánh giá tích cực việc được nâng hạng, bởi đây sẽ là cơ hội lớn để chứng khoán Hàn Quốc thoát khỏi “định kiến” thị trường khu vực, trở thành thị trường toàn cầu với sức hấp dẫn lớn hơn. Đồng thời tạo động lực để chỉ số Kospi tăng trưởng, bước vào thị trường giá lên (bull market).
Tương lai không toàn màu hồng
Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào cũng có cái nhìn lạc quan. Nếu Hàn Quốc đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường, những điều chờ đợi phía trước không phải toàn màu hồng.
“Nếu được nâng hạng lên thị trường phát triển, chứng khoán Hàn Quốc trở thành con cá nhỏ trong chiếc bể lớn hơn, sẽ có ít cổ phiếu Hàn Quốc nằm trong các chỉ số của MSCI”, Chang Hwan Sung, Giám đốc danh mục đầu tư tại Invesco Ltd (Hồng Kông) cho biết.
Hiện tại, các cổ phiếu Hàn Quốc chiếm khoảng 12% trong danh mục chỉ số MSCI các thị trường mới nổi. Nếu nâng hạng lên nhóm phát triển, cổ phiếu Hàn Quốc chỉ có khả năng chiếm khoảng 1-2% tại chỉ số MSCI thị trường phát triển.
Lee Young Jae, giám đốc đầu tư cấp cao tại Pictet Asset Management Ltd (London) cho biết, điều này đồng nghĩa với việc Công ty sẽ phải bán 10 cổ phiếu Hàn Quốc đang nắm giữ, với giá trị khoảng 800 triệu USD tại quỹ đầu tư tập trung vào thị trường mới nổi, và mua 1 cổ phiếu tại quỹ dành cho thị trường phát triển, nhiều khả năng đó là cổ phiếu Samsung Electronics Co, bởi số lượng cổ phiếu Hàn Quốc đáp ứng tiêu chuẩn mới là rất ít.
FTSE Russell và S&P Dow Jones Indices đã xếp Hàn Quốc vào nhóm thị trường phát triển lần lượt vào năm 2009 và 2001, phản ánh quy mô và tính chất thị trường. Tuy nhiên, việc MSCI nâng hạng được xem là quan trọng nhất đối với dòng chảy của các quỹ đầu tư toàn cầu, bởi đây là tổ chức chiếm thị phần lớn nhất.
Hiện tại, các quỹ đầu tư theo chỉ số tập trung vào chỉ số MSCI các thị trường mới nổi có quy mô 1.810 tỷ USD. Con số này với chỉ số MSCI các thị trường phát triển là 3.490 tỷ USD, theo ước tính của Goldman Sachs.
Một lượng khổng lồ các quỹ đầu tư đang tiến hành đầu tư theo chỉ số, với bộ chỉ số chủ yếu do MSCI, FTSE Russell và S&P Dow Jones cung cấp. Theo giới chuyên gia, việc đầu tư theo chỉ số sẽ ngày càng gia tăng khi các quỹ đầu tư sử dụng chỉ số để xây dựng danh mục.
Cổ phiếu Hàn Quốc có tỷ trọng lớn thứ 4 trong chỉ số MSCI các thị trường mới nổi. |
MSCI đang xếp hạng nhóm thị trường phát triển dựa trên 3 trụ cột chính: Mức độ phát triển của nền kinh tế; mức độ thâm nhập thị trường; quy mô và thanh khoản của giao dịch cổ phiếu. Tuy nhiên, việc nâng hạng thị trường không phải lúc nào cũng là một “món quà”. Câu chuyện của Hy Lạp là minh chứng rõ ràng cho vấn đề này.
Năm 2001, thị trường chứng khoán Hy Lạp được nâng hạng lên nhóm thị trường phát triển, bất chấp việc bong bóng trên thị trường mới đổ vỡ trước đó vài năm. Trong 2 năm sau khi được nâng hạng, chứng khoán Hy Lạp giảm khoảng 45%, trong khi giá trị giao dịch bình quân giảm 17%.
Hy Lạp cũng là thị trường đầu tiên bị hạ xuống nhóm thị trường mới nổi sau khủng hoảng nợ năm 2013 và đang cố gắng để quay trở lại nhóm phát triển.
Trong khi Goldman Sachs, Bank of Singapore dự báo dòng vốn đầu tư sẽ chảy vào chứng khoán Hàn Quốc nếu thị trường được nâng hạng, các tổ chức đầu tư khác bao gồm Invesco, Pictet và T. Rowe Price Group dự báo ngược lại. Theo Daishin Securities Co, khoảng 33 tỷ USD từ các quỹ đầu tư sẽ rút khỏi thị trường Hàn Quốc, trong khi Societe Generale Group dự báo con số này là 9,4 tỷ USD.
Câu chuyện riêng của thị trường
Hàn Quốc hiện là quê nhà của không ít tập đoàn khổng lồ với danh tiếng toàn cầu, trong đó phải kể tới Samsung, Huyndai Motor Co, Posco Holdings Inc… Netflix đã có kế hoạch đầu tư 2,5 tỷ USD vào việc sản xuất các phim truyền hình Hàn Quốc trong 4 năm tới. Các ngôi sao K-Pop như Blackpink, BTS… đều là các nghệ sỹ với sản phẩm bán chạy nhất toàn cầu.
Tuy nhiên, thị trường Hàn Quốc cũng tồn tại nhiều vấn đề lâu năm chưa được giải quyết. Các công ty Hàn Quốc lớn đều là các tập đoàn gia đình, dẫn tới câu chuyện quản trị doanh nghiệp thiếu minh bạch, không thân thiện với nhóm cổ đông thiểu số. Hiện tại, chỉ số Kospi đang giao dịch ở mức chỉ bằng 1/3 giá trị sổ sách.
Chỉ số Kospi đã tăng gần 20% kể từ mức thấp nhất vào tháng 9/2022. |
Một số giám đốc quỹ đầu tư kỳ vọng, việc nâng hạng có thể giúp cải thiện câu chuyện quản trị tại Hàn Quốc, thu hẹp khoảng cách với thị trường toàn cầu.
“Một khi xếp chung trong nhóm thị trường phát triển, các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ bị so sánh với các công ty toàn cầu khác. Theo đó, kỳ vọng của nhà đầu tư sẽ khác đi và doanh nghiệp Hàn Quốc buộc phải thay đổi các yếu tố quản trị”, Park Yoo-Kyung, người đứng đầu bộ phận quản trị và đầu tư tại APG Asset Management Asia cho biết.
Một vấn đề khác là về thị trường tiền tệ. Không giống như đồng yên Nhật Bản hay bath Thái Lan, đồng won Hàn Quốc chỉ được giao dịch trong khoảng thời gian nhất định theo giờ Hàn Quốc. MSCI kỳ vọng thị trường tiền tệ có thể mở cửa và nới rộng thời gian giao dịch lên 24 giờ.
Nguồn: Báo Đầu tư