Quay lại

Chứng khoán Mỹ và giá dầu cùng giảm trước cuộc bỏ phiếu thông qua dự luật trần nợ

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (31/5), khi thoả thuận nâng trần nợ chuẩn bị bước vào cuộc bỏ phiếu quan trọng tại Quốc hội nước này và số liệu phản ánh thị trường lao động thắt chặt làm dấy lên mối lo của nhà đầu tư rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6.

Đồng USD tăng giá và số liệu xấu về kinh tế Trung Quốc đồng thời gây áp lực, khiến dầu thô có thêm một phiên giảm giá.

Theo dự kiến, Hạ viện Mỹ sẽ tiến hành bỏ phiếu vào buổi tối ngày thứ Tư, tức là trong buổi sáng ngày thứ Năm (1/6) theo giờ Việt Nam, để thông qua dự luật nâng trần nợ từ mức 31,4 nghìn tỷ USD. Đây là một bước đi quan trọng để tránh một vụ vỡ nợ gây chấn động toàn cầu có thể xảy ra vào tuần tới nếu Bộ Tài chính Mỹ rơi vào cảnh hết tiền mà trần nợ vẫn chưa được nâng.

Sau khi được thông qua ở Hạ viện, dự luật sẽ được chuyển tới Thượng viện, nơi cuộc tranh luận có thể kéo dài đến cuối tuần, ngay trước ngày 5/6 - thời điểm mà Bộ Tài chính Mỹ đã cảnh báo là vỡ nợ có thể xảy ra.

Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia phân tích tin rằng dự luật trần nợ sẽ được phê chuẩn ở cả Hạ viện và Thượng viện. Ngày thứ Tư, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói ông kỳ vọng dự luật sẽ được chuyển tới bàn làm việc của ông để ông đặt bút ký thành luật.

“Thị trường trái phiếu mừng vì sẽ có kỷ luật về tài khoá, còn thị trường chứng khoán mừng vì tăng trưởng sẽ duy trì”, Phó giám đốc đầu tư Brad Conger thuộc công ty Hirtle Callaghan & Co nhận định với hãng tin Reuters. “Tôi không cho là có thể có một kết quả tốt hơn”.

Tuy nhiên, ông Conger cho rằng định giá cổ phiếu đang bị kéo căng xét tới lãi suất đang cao, nền kinh tế giảm tốc và lạm phát còn cao dai dẳng. Điều này có nghĩa là thị trường vẫn còn dư địa để giảm.

“Thực lòng mà nói, nếu nền kinh tế thực sự giảm tốc, thị trường sẽ không mang lại bữa trưa miễn phí nào cả. Sẽ là một cuộc vật lộn nếu lạm phát không xuống”, ông Conger nói.

Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số công việc mới cần tuyển dụng đã tăng lên trong tháng 4, phản ánh thị trường việc làm vẫn vững mạnh, đặt ra sức ép tăng lương và lạm phát.

Trong bối cảnh như vậy, thị trường lãi suất tương lai ngày thứ Tư có lúc đặt cược khả năng 70% Fed sẽ nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày 13-14/6. Tuy nhiên, khả năng này đã giảm xuống còn khoảng 32% sau khi một số quan chức Fed đưa ra phát biểu nghiêng về khả năng “tạm dừng sự cứng rắn”.

Thống đốc Fed Philip Jefferson nói việc tạmdừng tăng lãi suất sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách có thời gian để rà soát thêm các dữ liệu kinh tế trước khi đưa ra quyết định tiếp theo. Chủ tịch Fed chi nhánh Philadelphia, ông Patrick Harker, nói ông nghiêng về ủng hộ tạm dừng tăng lãi suất.

“Các số liệu kinh tế gần đây chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho việc dừng tăng lãi suất. Nhưng chúng ta có một số thống đốc Fed phát biểu ngày hôm nay nói rằng dừng tăng lãi suất là điều có thể”, chiến lược gia trưởng Tim Ghriskey của Inverness Counsel phát biểu.

Báo cáo việc làm tổng thể tháng 5, dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu, có thể quyết định việc tăng lãi suất có xảy ra hay không.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 134,51 điểm, tương đương giảm 0,41%, còn 32.908,27 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,61%, còn 4.179,83 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,63%, còn 12.935,29 điểm.

Cả tháng 5, S&P 500 tăng 0,26%; Dow Jones giảm 3,48% và Nasdaq tăng 5,8%.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 1,11 USD/thùng, còn 72,6 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,37 USD/thùng, tương đương giảm 2%, còn 68,09 USD/thùng.

Trước đó, giá cả hai loại dầu đã giảm hơn 4% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba.

Dầu sụt giá sau khi số liệu từ Trung Quốc cho thấy hoạt động sản xuất trong tháng 5 giảm mạnh hơn dự báo. Nhu cầu suy yếu khiến chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của nước này giảm xuống mức 48,8 điểm, từ mức 49,2 điểm trong tháng 4 và so với mức dự báo là 49,4 điểm.

Đồng USD tăng giá nhờ lạc quan về thoả thuận trần nợ Mỹ và số liệu cho thấy lạm phát dịu đi ở châu Âu, tạo thêm áp lực mất giá lên dầu.

Thị trường đang chờ cuộc họp sản lượng dự kiến diễn ra vào ngày 4/6 của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước đồng minh ngoài khối gồm Nga. Tín hiệu trái chiều gần đây từ các nước sản xuất dầu đã khiến giá dầu biến động mạnh, nhưng nhiều nhà dự báo như ngân hàng HSBC và Goldman Sachs không cho rằng OPEC+ sẽ tuyên bố cắt giảm thêm sản lượng trong lần họp này.

Một báo cáo của HSBC nói rằng nhu cầu dầu của Trung Quốc và các nước phương Tây từ mùa hè trở đi sẽ dẫn tới sự thiếu hụt nguồn cung dầu trong nửa sau của năm nay.

“Động thái có khả năng xảy ra nhất của OPEC+ là không làm gì cả”, nhà phân tích Stephen Brennock của PVM Oil nhận định về cuộc họp sắp tới của OPEC+.

Nguồn: TBKTVN