Quay lại

Mỹ vỡ nợ sẽ ảnh hưởng thế nào tới Nhật và Trung Quốc?

Theo CNN, giữa lúc hai chính đảng của Mỹ vẫn đang bế tắc trong đàm phán về việc tăng trần nợ công trong khi chỉ còn ít ngày tới hạn chót, Trung Quốc và Nhật Bản đang theo dõi sát sao tình hình trong lo ngại.

MỐI LO CỦA HAI CHỦ NỢ LỚN NHẤT
Trung Quốc và Nhật Bản là hai nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ nhiều trái phiếu Chính phủ Mỹ nhất với 2.000 tỷ USD, chiếm hơn 25% trong tổng số 7.600 tỷ trái phiếu kho bạc Mỹ đang nằm trong tay nước ngoài.

Bắc Kinh bắt đầu tăng cường mua trái phiếu kho bạc Mỹ vào năm 2000, khi Washington ủng hộ nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và tạo ra cơn sốt xuất khẩu. Xuất khẩu bùng nổ đã mang về cho Bắc Kinh lượng USD khổng lồ và nước này cần một nơi an toàn để cất giữ.

Trái phiếu kho bạc Mỹ được xem là một trong những kênh đầu tư an toàn nhất thế giới. Và lượng trái phiếu kho bạc Mỹ trong tay Trung Quốc đã tăng vọt từ mức chỉ 101 tỷ USD vào năm 2000 lên mức đỉnh 1.300 tỷ USD vào năm 2013.

Trong hơn một thập kỷ qua, Trung Quốc là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ. Tuy nhiên, căng thẳng leo thang dưới thời Tổng thống Donald Trump vào năm 2019 đã khiến Bắc Kinh giảm tỷ lệ nắm giữ nợ Chính phủ Mỹ, nhường ngôi “chủ nợ lớn nhất” cho Nhật Bản trong năm đó.

Nhật Bản hiện nắm giữ 1.100 tỷ USD nợ Chính phủ Mỹ, trong khi Trung Quốc nắm giữ 870 tỷ USD. Con số khổng lồ này khiến nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới dễ bị tổn thương nếu Chính phủ Mỹ vỡ nợ và khiến trái phiếu kho bạc Mỹ lao dốc.

Tài sản nào "lên ngôi" nếu Mỹ vỡ nợ?

Mỹ vỡ nợ sẽ ảnh hưởng thế nào tới Nhật và Trung Quốc? - Ảnh 1

“Việc Nhật Bản và Trung Quốc nắm giữ lượng trái phiếu kho bạc Mỹ lớn có thể tác động tiêu cực đến họ nếu giá trị trái phiếu giảm mạnh”, ông Josh Lipsky và Phillip Meng, hai nhà phân tích của Trung tâm Địa kinh tế của Hội đồng Đại Tây Dương, nhận xét. “Bởi giá trị trái phiếu kho bạc Mỹ giảm có thể khiến dự trữ nước ngoài của hai nước này sụt giảm, đồng nghĩa họ có ít tiền hơn để trả cho nhập khẩu hàng hóa, trả nợ nước ngoài hoặc hỗ trợ đồng nội tệ của mình”.

Tuy nhiên, theo hai nhà phân tích, “rủi ro thực sự” đến từ sự suy thoái kinh tế toàn cầu và khả năng Mỹ xảy ra suy thoái kinh tế do vỡ nợ.

“Đây là mối lo lớn đối với tất cả các quốc gia nhưng là rủi ro đặc biệt đối với sự phục hồi kinh tế vốn đang rất mong manh của Trung Quốc”, ông Lipsky và Meng nói.

Sau những bùng nổ ban đầu nhờ Bắc Kinh bất ngờ gỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch vào cuối năm ngoái, kinh tế Trung Quốc đang đối mặt nhiều khó khăn khăn khi tăng trưởng tiêu dùng, đầu tư và sản lượng công nghiệp đều có dấu hiệu chững lại. Áp lực giảm phát ngày càng lớn khi giá tiêu dùng tại Trung Quốc hầu như không đổi trong vài tháng qua. Một mối quan tâm lớn khác là tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ Trung Quốc tăng mạnh, đạt kỷ lục 20,4% trong tháng 4.

Trong khi đó, kinh tế Nhật mới chỉ có dấu hiệu thoát khỏi tình trạng trì trệ và giảm phát kéo dài nhiều thập kỷ qua.

MỐI QUAN NGẠI SÂU SẮC
Khi thời hạn chót 1/6 ngày càng tới gần, một số nhà làm luật của Mỹ đã đề xuất ưu tiên thanh toán lãi trái phiếu cho các trái chủ lớn nhất.

“Việc này có thể được thực hiện bằng cách tạm trì hoãn các nghĩa vụ khác của Chính phủ Mỹ như thanh toán lương hưu, trả lương cho nhân viên Chính phủ, nhưng sẽ ngăn chặn được các vụ vỡ nợ lớn đối với những nước như Nhật Bản và Trung Quốc”, ông Alex Capri, giảng viên cao cấp tại Trường Kinh doanh NUS, nhận xét.

Theo hai nhà phân tích Lipsky và Meng của Hội đồng Đại Tây Dương, nếu không có giải pháp thay thế rõ ràng để ứng phó với những biến động ngày càng gia tăng trên thị trường, các nhà đầu tư nước ngoài có thể hoán đổi trái phiếu kỳ hạn ngắn để chuyển sang trái phiếu kỳ hạn dài hơn.

“Điều này sẽ làm lợi cho Trung Quốc và Nhật Bản bởi họ chủ yếu đang nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn dài”, hai nhà phân tích nhận định.

Theo ông Marcus Noland, phó chủ tịch kiêm giám đốc nghiên cứu tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Mỹ vỡ nợ sẽ khiến giá trái phiếu kho bạc Mỹ giảm, lãi suất tăng, giá trị đồng Đôla sụt giảm và biến động gia tăng. Việc này cũng có thể khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc, tăng áp lực đối với ngành ngân hàng cũng như ngành bất động sản Mỹ. Kéo theo đó là những tác động tiêu cực tới nền kinh tế và các thị trường tài chính toàn cầu.

Trung Quốc và Nhật Bản đang phụ thuộc vào nền kinh tế lớn nhất thế giới để hỗ trợ các doanh nghiệp và việc làm trong nước. Lĩnh vực xuất khẩu đóng vai trò đặc biệt quan trọng với Trung Quốc, trong bối cảnh các trụ cột khác của nền kinh tế - như bất động sản - đang chững lại. Xuất khẩu đóng góp 1/5 GDP của Trung Quốc và mang lại việc làm cho khoảng 180 triệu người lao động.

Bất chấp căng thẳng địa chính trị leo thang, Mỹ hiện vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc và là đối tác thương mại lớn thứ hai của Nhật Bản. Năm 2022, kim ngạch thương mại Mỹ - Trung đạt kỷ lục 691 tỷ USD. Trong khi đó, xuất khẩu của Nhật sang Mỹ tăng 10%.

“Do nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại, tác động sẽ lan truyền qua hoạt động thương mại, ví dụng làm giảm xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, và góp phần gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu”, ông Noland nói.

Thứ Sáu tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Kazuo Ueda bày tỏ sự quan ngại sâu sắc và cảnh báo rằng việc Mỹ vỡ nợ có thể ra ra chấn động trên nhiều thị trường và gây hậu quả nghiêm trọng với nền kinh tế toàn cầu.

Hai chính đảng tại Mỹ vẫn chưa đạt được thỏa thuận về việc nâng trần nợ công - Ảnh: Reuters

Hai chính đảng tại Mỹ vẫn chưa đạt được thỏa thuận về việc nâng trần nợ công - Ảnh: Reuters

“BOJ sẽ cố gắng duy trì sự ổn định của thị trường, cam kết phản ứng linh hoạt và theo dõi sát sao các diễn biến kinh tế, giá cả và tài chính”, ông Ueda phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản.

Trong khi đó, đến nay, phía Trung Quốc tương đối im ắng với vấn đề nà. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đầu tuần này nói rằng Bắc Kinh hy vọng Mỹ sẽ “thực hiện các chính sách tài chính và tiền tệ có trách nhiệm” và “không truyền rủi ro” sang nền kinh tế thế giới.

Đầu tháng này, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã của Trung Quốc đăng tải một bài viết trong đó nhấn mạnh “mối quan hệ mang tính biểu tượng” của các quốc gia trên thị trường trái phiếu Mỹ.

“Nếu Mỹ vỡ nợ, việc này không chỉ làm mất uy tín của Mỹ mà còn gây ra những thiệt hại tài chính thực sự đối với Trung Quốc”, Tân Hoa Xã viết.

Ở thời điểm hiện tại, cả Nhật Bản và Trung Quốc không thể làm gì ngoài việc chờ đợi và hy vọng kịch bản tốt nhất sẽ xảy ra.

Theo ông Capri của Trường Kinh doanh NUS, việc vội vàng bán trái phiếu Mỹ sẽ chỉ “tự chuốc lấy thất bại”, vì việc này sẽ đẩy giá trị đồng Yên hoặc Nhân dân tệ so với USD tăng lên đáng kể,  khiến chi phí xuất khẩu của hai nước này sẽ tăng vọt.

LỢI ÍCH TRONG DÀI HẠN?
Tuy nhiên, xét trong dài hạn hơn, một số nhà phân tích cho rằng việc Mỹ vỡ nợ có thể thúc đẩy Trung Quốc đẩy nhanh hành động để tạo ra một hệ thống tài chính toàn cầu ít phụ thuộc hơn vào đồng USD. Bắc Kinh hiện đã ký một loạt thỏa thuận với Nga, Saudi Arabia, Brazil và Pháp để tăng sử dụng đồng Nhân dân tệ trong thương mại và đầu tư quốc tế.

Một nhà làm luật của Nga năm ngoái nói rằng các quốc gia BRICS, gồm Trung Quốc, Nga, Brazil và Nam Phi, đang hướng đến tạo ra một đồng tiền chung cho hoạt động thương mại xuyên biên giới.

“Việc này (Mỹ vỡ nợ) chắc chắn sẽ như chất xúc tác để Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ và để Bắc Kinh tăng gấp đôi nỗ lực đưa các đối tác thương mại của mình tham gia vào sáng kiến ​​‘Tiền tệ BRICS’ mới được công bố”, ông Capri nói.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đối mặt không ít rào cản lớn, trong đó các biện pháp kiểm soát dòng tiền ra vào nền kinh tế mà nước này đang áp dụng. Theo các nhà phân tích, Bắc Kinh dường như không muốn hội nhập hoàn toàn với thị trường tài chính toàn cầu.

“Việc thúc đẩy phi Đôla hóa một cách nghiêm túc sẽ khiến cho các giao dịch bằng Nhân dân tệ trở nên biến động hơn rất nhiều”, Derek Scissors, thành viên cao cấp tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, nhận định.

Dữ liệu mới nhất từu hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT cho thấy tỷ trọng của đồng Nhân dân tệ trong hoạt động thương mại toàn cầu trong tháng 3 là 4,5%, trong khi tỷ trọng của USD là 83,7%.

“Chặng đường phía trước vẫn còn rất dài trước khi một đồng tiền thay thế đáng tin cậy cho đồn USD có thể xuất hiện”, hai nhà phân tích Lipsky và Meng nói.

Nguồn: TBKTVN