Quay lại

Sau khủng hoảng năng lượng, châu Âu hứng cú sốc giá thực phẩm

Vừa chân ướt chân ráo thoát khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng, người châu Âu lại đang đối mặt với sự bùng nổ giá thực phẩm khiến họ phải thay đổi thói quen ăn uống và thắt lưng buộc bụng. Cơn sốt giá thực phẩm xảy ra ở châu Âu ngay cả khi lạm phát toàn phần ở khu vực này giảm xuống nhờ giá năng lượng hạ nhiệt.

Đây được xem là một thách thức chính sách mới đối với các chính phủ, hộ gia đình và doanh nghiệp trong khu vực, khi tất cả còn chưa kịp “hồi sức” sau khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất nhiều thập kỷ.

Dữ liệu công bố tuần vừa qua cho thấy lạm phát ở Anh giảm mạnh, xuống dưới ngưỡng 10% lần đầu tiên kể từ tháng 8 năm ngoái, do giá năng lượng tiếp tục dịu đi - một xu hướng cũng thể hiện rõ ở châu Âu và Mỹ thời gian qua. Tuy nhiên, giá lương thực, thực phẩm ở Anh trong tháng 4 đã tăng 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

GIAI ĐOẠN MỚI CỦA KHỦNG HOẢNG SINH HOẠT PHÍ
Giá thực phẩm liên tục tăng cao đã khiến các ngân hàng trung ương rơi vào thế bị động và đặt ra sức ép lên các chính phủ vẫn còn đang mệt mỏi vì chi phí của các gói trợ giá năng lượng trị giá  hàng tỷ USD trong năm ngoái, đòi hỏi họ phải cân nhắc các biện pháp hỗ trợ mới để người dân chống lại “bão giá” thực phẩm. Đối với các hộ gia đình, ngân sách càng trở nên eo hẹp hơn, bởi họ vốn dĩ đã đương đầu với áp lực từ lãi suất tăng cao.

Theo tờ Wall Street Journal, tại Pháp các hộ gia đình đã phải giảm mua thực phẩm hơn 10% kể từ khi chiến tranh nổ ra giữa Nga và Ukraine, bên cạnh giảm tiêu thụ năng lượng 4,8%. Tại Đức, doanh số thực phẩm giảm 1,1% trong tháng 3 so với tháng 2 và giảm 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái - mức giảm mạnh nhất kể từ khi số liệu này bắt đầu được thống kê vào năm 1994.

Theo Trung tâm Thông tin nông nghiệp Liên bang Đức, tiêu thụ thịt ở nước này trong năm 2022 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1989, dù điều này có thể một phần phản ánh xu hướng dịch chuyển sang tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc thực vật.

Trong bối cảnh như vậy, tỷ suất lợi nhuận của các nhà bán lẻ thực phẩm ở châu Âu suy giảm vì họ không thể đẩy toàn bộ chi phí gia tăng từ nhà cung ứng về phía người tiêu dùng. CEO Markus Mosa của chuỗi siêu thị Edeka nói rằng công ty đã dừng đặt hàng từ một số nhà cung cấp lớn vì giá tăng quá mạnh.

Một cuộc khảo sát của cơ quan thống kê Anh hồi đầu tháng 5 cho thấy khoảng 3/5 trong số 20% hộ gia đình nghèo nhất Anh đã phải cắt giảm việc mua thực phẩm.  “Đây là một vấn đề về khả năng tiếp cận. Tổng sản lượng thực phẩm không hề giảm. Đây là một cuộc khủng hoảng quyền lợi”, chuyên gia kinh tế trưởng Ludovic Subran của công ty bảo hiểm Allianz, một người từng công tác tại Chương trình Nông lương (FAO) của Liên hợp quốc, phát biểu.

Do thực phẩm chiếm một tỷ trọng lớn hơn nhiều trong chi tiêu của người tiêu dùng so với năng lượng, chỉ cần giá thực phẩm tăng một chút là đã có ảnh hưởng lớn hơn đến ngân sách của các hộ gia đình. 

Tổ chức nghiên cứu Resolution Foundation của Anh ước tính rằng đến mùa hè năm nay, giá thực phẩm tăng sẽ khiến tổng chi tiêu cho thực phẩm ở nước này từ năm 2020 tăng thêm 28 tỷ Bảng, tương đương gần 35 tỷ USD, vượt xa mức tăng của hóa đơn năng lượng ước tính khoảng 25 tỷ USD.  “Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt vẫn chưa kết thúc, mà chỉ bước vào một giai đoạn mới”, ông Torsten Bell - Giám đốc nghiên cứu của Resolution Foundation - nhận định trong một báo cáo.

Thực phẩm không phải là nhóm mặt hàng duy nhất khiến lạm phát ở châu Âu dù giảm vẫn cao dai dẳng. Ở Anh, tỷ lệ lạm phát lõi - chỉ số không bao gồm thực phẩm và năng lượng - là 6,8% trong tháng 4, tăng tốc từ mức 6,2% trong tháng 3 và là mức cao nhất kể từ năm 1992. Cũng trong tháng 4, lạm phát lõi ở khu vực Eurozone là 7,3%, gần mức cao kỷ lục.

Dù vậy, vào hôm thứ Ba tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) Andrew Bailey nói với các nghị sỹ nước này rằng giá thực phẩm đang gây ra một “cú sốc thứ tư” đối với lạm phát sau các nút thắt chuỗi cung ứng trong đại dịch Covid-19; giá năng lượng bùng nổ do chiến tranh Nga-Ukraine và thị trường lao động thắt chặt quá mức.

KHÓ XÁC ĐỊNH NGUYÊN NHÂN SỐT GIÁ THỰC PHẨM
Các chính phủ ở châu Âu đã chi mạnh tay để hỗ trợ các hộ gia đình khi giá năng lượng leo thang chóng mặt. Giờ đây, họ không còn nhiều dư địa để vay nợ xét tới khối nợ công đã tăng mạnh kể từ khi đại dịch ập đến vào năm 2020.

Một số nước châu Âu gồm Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã cắt giảm thuế tiêu thụ đối với các sản phẩm thực phẩm để giảm bớt gánh nặng đối với người tiêu dùng. Một số khác dựa vào các nhà bán lẻ thực phẩm để giữ giá cả trong tầm kiểm soát. Hồi tháng 3, Chính phủ Pháp đàm phán một thỏa thuận với các nhà bán lẻ hàng đầu để hạn chế tăng giá nếu có thể.

Tại Ireland và một số nước châu Âu khác, các nhà bán lẻ thực phẩm cũng bị nhà chức trách tăng cường giám sát. Ở Anh, Quốc hội đã mở một cuộc điều tra nhằm vào toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm “từ nông trại tới bàn ăn”...

Nguồn: TBKTVN