Xuất khẩu 2024 có thể vượt mục tiêu
Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại tháng 6, với chủ đề “Sơ kết hoạt động xúc tiến xuất khẩu 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2024”, ngày 2/7, Bộ Công Thương đánh giá năm 2024 có nhiều cơ hội hơn cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
NHIỀU ĐIỂM SÁNG DÙ VẪN KHÓ KHĂN
Theo số liệu ước của liên Bộ Công Thương - Tài chính, hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 369,6 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu ước đạt 189,5 tỷ USD, tăng 14,2%; nhập khẩu ước đạt 180,2 tỷ USD, tăng 18,1%.
Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng. Cụ thể, xuất khẩu nhóm nông, thủy sản đạt kim ngạch tăng trưởng ở mức cao ước đạt 19,9%; các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực tiếp tục phục hồi tốt; kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản ước đạt 2,14 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt 44,4 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường Trung Quốc đạt 22,6 tỷ USD, tăng 9,9%; thị trường EU đạt 20,3 tỷ USD, tăng 14,1% ; Hàn Quốc đạt 10,2 tỷ USD, tăng 10,9%; Nhật Bản đạt 9,4 tỷ USD, tăng 3,2%.
Về nhập khẩu, chiếm 88% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2024 là nhóm hàng cần nhập khẩu, với kim ngạch ước đạt 160,3 tỷ USD, tăng 19,6 % so với cùng kỳ năm 2023.
“Điều này cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực của sản xuất và xuất khẩu khi nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất tăng khá cao”, Bộ Công Thương nhận định.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Thứ trưởng Bộ Công Thương, chủ trì hội nghị giao ban xúc tiến thương mại tháng 6/2024.
Tuy nhiên, tại hội nghị, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng kinh tế toàn cầu năm 2024 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Trái với dự báo trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đưa ra thông điệp chỉ có một lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024 và FED tiếp tục giữ quan điểm thận trọng về vấn đề này.
Bên cạnh đó, xung đột Nga - Ukraine và mới đây là Israel - Hamas tiếp tục leo thang, có dấu hiệu lan rộng ra các quốc gia lân cận. Cuộc chiến chống lạm phát vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, đặc biệt là chính sách tiền tệ của các quốc gia lớn.
Hơn nữa, công suất dư thừa tại Trung Quốc hiện tại cũng sẽ gia tăng áp lực cạnh tranh trên thị trường. Khi nhu cầu tiêu dùng suy giảm, nguồn hàng dư thừa với giá rẻ của Trung Quốc có thể được đẩy mạnh xuất khẩu sang các quốc gia khác.
Trong khi đó, theo ông Hải, nền kinh tế trong nước có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Quy mô nền kinh tế Việt Nam còn khiêm tốn nhưng độ mở lại lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bến ngoài còn hạn chế.
Những yếu tố đột xuất, bất ngờ vẫn tiềm ẩn rủi ro, khó dự báo; dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, ông Hải lưu ý hoạt động ngoại thương trong 6 tháng đầu năm còn có một điểm đáng chú ý, đó là vấn đề cước vận tải biển tăng rất cao dù thời điểm tháng 5-6 chưa được coi là cao điểm, đặc biệt đối với các tuyến từ châu Á đi Hoa Kỳ và EU do vấn đề xung đột tại biển Đỏ làm các doanh nghiệp vận tải thay đổi tuyến vận chuyển.
Một số cảng biển tại châu Á gặp tình trạng tắc nghẽn, tàu phải đợi rất lâu để khai thác như cảng Thượng Hải, đặc biệt là cảng Singapore, lượng hàng xuất khẩu tại Trung Quốc tăng vọt trong tháng 5, 6 dẫn tới tình trạng thiếu booking, mất cân bằng container giữa các cảng biển châu Á.
“Dựa trên đánh giá những yếu tố thuận lợi và khó khăn cũng như những kết quả tăng trưởng tích cực của kim ngạch xuất nhập khẩu những tháng đầu năm 2024, Bộ Công Thương đánh giá năm 2024 có nhiều cơ hội hơn cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam được phục hồi”, ông Hải nhấn mạnh.
NỖ LỰC CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU
Để phát triển thị trường xuất khẩu, ông Hải cho biết Bộ Công Thương đang đẩy nhanh tiến độ và nỗ lực để kết thúc sớm đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Đồng thời, để tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định, Bộ triển khai đa đạng các hình thức cả trực tiếp và trực tuyến để giới thiệu các lợi thế, ưu đãi từ các Hiệp định FTA đã thực thi.
Bên cạnh đó, các đơn vị của Bộ Công Thương tiếp tục kịp thời thông tin với các Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường.
Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Cùng với đó, thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến giúp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics; tiếp tục đôn đốc triển khai thực hiện Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.
Thực hiện các giải pháp phát triển hoạt động thương mại biên giới bền vững thông qua thúc đẩy xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới theo hình thức chính ngạch, điều hành, khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), với những kết quả của 6 tháng đầu năm, cả năm 2024 tăng trưởng xuất khẩu sẽ vượt mục tiêu 6% mà Bộ Công Thương đặt ra từ đầu năm. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị xuất khẩu, doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng, quảng bá thương hiệu hàng hoá Việt Nam ở nước ngoài một cách bền bỉ.
Nguồn: TBKTVN