Cấp thiết giảm gánh nặng chi phí tuân thủ
Còn khó hiểu về hoàn thuế
Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc liên quan đến thực tiễn hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT). “Chúng tôi rất mong nhận được hồi đáp bằng văn bản hoặc có một cuộc họp trao đổi với đầu mối phụ trách của Bộ Tài chính”, Chủ tịch JCCI Shiro Muto viết trong thư gửi Bộ trưởng.
Thực ra, đây không phải là những vướng mắc mới. Cuối tháng 12/2023, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM có kiến nghị tương tự tới Tổng cục Thuế, như trường hợp doanh nghiệp không được phép khấu trừ thuế VAT do bên bán không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, đối tác thanh toán muộn hơn ngày được thỏa thuận trong hợp đồng...
“Doanh nghiệp miễn là thực hiện giao dịch kinh doanh, kê khai và nộp thuế một cách thích hợp thì không có trách nhiệm phải xác nhận doanh nghiệp đối tác thực tế có đang hoạt động tại địa chỉ đăng ký hay không. Vì lý do bên bán không hoạt động tại địa chỉ đăng ký mà sau đó doanh nghiệp không được cho phép khấu trừ thuế VAT, hoặc làm kéo dài thời gian kiểm tra hoàn thuế VAT, kiểm tra thuế là điều bất hợp lý”, JCCI làm rõ đề xuất trong thư gửi Bộ trưởng Hồ Đức Phớc.
Đặc biệt, những phức tạp trong thực hiện quy định về hoàn thuế đối với giao dịch xuất nhập khẩu tại chỗ cũng khiến các doanh nghiệp Nhật Bản cảm thấy khó hiểu, đến mức phải lên tiếng đề nghị ban hành công văn cho phép hoàn thuế VAT đối với giao dịch xuất khẩu tại chỗ đã hoàn thành giao dịch và thủ tục thông quan.
Doanh nghiệp thủy sản đang mệt mỏi với việc cấp Giấy xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C) tại cảng cá. Ảnh: Đức Thanh |
“Đối với giao dịch xuất khẩu tại chỗ, bên bán là doanh nghiệp Việt Nam không thể có thông tin chính xác về việc bên mua trên hợp đồng là doanh nghiệp nước ngoài có trực tiếp đầu tư vào Việt Nam hay không, có chi nhánh hay văn phòng đại diện ở Việt Nam hay không. Hơn nữa, một khi việc thông quan liên quan đến giao dịch xuất khẩu tại chỗ này thực tế được diễn ra, tờ khai thông quan được chấp thuận, thì doanh nghiệp tất yếu sẽ tin tưởng vào việc đã thực hiện đúng theo quy định. Việc không cho bên thứ 3 ngay tình là doanh nghiệp Việt Nam hoàn thuế VAT đầu vào là rất bất hợp lý”, JCCI viết trong kiến nghị tới Bộ Tài chính.
Cũng phải nhắc lại, trong các báo cáo tổng hợp ý kiến doanh nghiệp vài năm trở lại đây, việc chậm hoàn thuế VAT đối với hàng xuất khẩu liên tục được nhắc tới bởi gánh nặng về vốn đối với doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh thị trường nhiều bất ổn và khó khăn, chi phí vốn tăng cao. Có doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tồn thuế chưa được hoàn lên tới vài chục tỷ đồng...
Bối rối từ cách thực thi khác nhau
Kiến nghị về những khó khăn trong thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ không chỉ từ phía doanh nghiệp Nhật Bản. Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng đang đề nghị làm rõ việc thực hiện thủ tục này, vì hiện tại, một số nhà cung ứng cho biết, có địa phương cho phép thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ, có nơi không, dừng thực hiện.
Từ khi Nghị định 08/2015/NĐ-CP (quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan) có hiệu lực đến nay, các nhà cung ứng đang thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ theo đúng quy định bằng việc cam kết và cung cấp thông tin đầy đủ về khách hàng.
Tuy nhiên, tháng 8/2023, Tổng cục Hải quan có Công văn 4146/TCHQ-GSQL gửi một số hiệp hội trả lời vướng mắc chung liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ, một số địa phương không tiếp tục thực hiện hoạt động này nữa, yêu cầu nhà cung ứng phải làm thủ tục xuất nhập khẩu thông qua kho ngoại quan.
“Chúng tôi đề nghị làm rõ để áp dụng đúng và chính xác. Vì lý do này, các nhà cung ứng phải thông tin về khả năng đơn hàng chậm trễ cho khách, hoặc thông báo chi phí hàng hóa tăng cao hơn so với giá ký kết trước đó”, EuroCham cho biết tình hình.
Vướng mắc trên phát sinh ngay khi Bộ Tài chính lên phương án bỏ khoản c, Điều 35, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, rà soát lại việc thực hiện quy định này. Vấn đề là, theo EuroCham, việc các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa nguyên phụ liệu để sản xuất, xuất khẩu hay gia công hàng xuất khẩu có ý nghĩa rất quan trọng. Cụ thể, các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế lớn về chi phí logistics, chi phí thời gian, từ đó có lợi thế cạnh tranh khi đặt cạnh các nhà cung ứng ở các nước đang phát triển khác.
Bên cạnh đó, việc phải chuyển giao hàng qua kho ngoại quan, thay vì trực tiếp giữa các nhà máy, sẽ tăng chi phí vận hành cho các doanh nghiệp, cũng có nghĩa giảm tính cạnh tranh của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam...
“Các doanh nghiệp, các nhãn hàng luôn có sự nhạy cảm hơn về mặt chi phí sản xuất, nhất là sau thời gian dịch bệnh, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang suy thoái. Chúng tôi lo ngại, việc sửa điểm c, Điều 35, Nghị định 08/2015/NĐ-CP sẽ gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của các nhà cung ứng trong nước cho các đơn hàng đã ký kết...”, EuroCham chia sẻ quan điểm khi đề nghị giữ lại quy định này.
Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đề nghị bổ sung vào đối tượng được thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ... đối với trường hợp các doanh nghiệp sản xuất, gia công tham gia chuỗi cung ứng và trường hợp giao dịch mua bán, giao nhận hàng hóa có sự tham gia của thương nhân nước ngoài đã có hiện diện tại Việt Nam.
Chi phí tuân thủ tăng vì thủ tục hành chính
Ông Phạm Xuân Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam có lẽ không nhớ hết những lần đăng đàn tại các cuộc làm việc để đề xuất giải pháp cho những vướng mắc trong thủ tục đăng ký xe cơ giới kể từ khi Thông tư số 24/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới có hiệu lực. “Hiệp hội đã nhiều lần đề nghị cho phép đăng ký xe cho thuê tài chính theo địa chỉ của bên thuê”, ông Hòe nhắc lại.
Cùng với đó, Hiệp hội đề nghị nghiên cứu các phương án định danh biển số xe theo 2 yếu tố, gồm loại xe và mục đích sử dụng theo ký hiệu; mã địa phương và số của biển số xe tương tự mã tỉnh, thành phố trong số căn cước công dân; thống nhất kết nối phần phềm số hóa với Bộ Giao thông - Vận tải để khi giấy đăng ký xe và biển số được thu hồi, thì phù hiệu vận tải sẽ được hủy tương ứng trên hệ thống của các sở giao thông - vận tải; tạo lập một cửa từ phía cơ quan đăng ký, giảm thủ tục hành chính xác nhận...
Vấn đề phát sinh từ quy định “chủ xe là tổ chức, cá nhân có trụ sở, nơi cư trú (nơi đăng ký thường trú, tạm trú) tại địa phương nào, thì đăng ký xe tại cơ quan đăng ký xe thuộc địa phương đó” của Thông tư 24/2023/TT-BCA. Các công ty cho thuê tài chính hầu hết có trụ sở tại Hà Nội hoặc TP.HCM, bên thuê thì ở khắp cả nước, khách hàng phải di chuyển lượng lớn xe từ các địa phương về 2 thành phố trên, phát sinh nhiều chi phí, chờ đợi nhiều ngày, kéo dài thêm từ 3-5 ngày làm việc. Chưa kể, phí biến số xe ở 2 thành phố lớn là 20 triệu đồng/xe, cao hơn rất nhiều so với mức 1-2 triệu đồng/xe ở các tỉnh...
Việc cấp Giấy xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C) tại cảng cá cũng đang khiến doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) mệt mỏi, khi thời gian thực hiện ở nhiều nơi đang kéo dài, nhiều lô hàng cần đến 2-3 tháng. “Điều này ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản”, Phó tổng thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam nói.
Theo ông Nam, VASEP đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, sửa đổi quy định này. Cụ thể, Hiệp hội đề xuất sửa đổi theo hướng cấp giấy S/C ngay cho chủ hàng khi chủ hàng đã hoàn thành việc bốc dỡ nguyên liệu từ tàu có sự giám sát của nhân viên cảng về chủng loại, khối lượng... tại cảng cá, thay vì thực hiện sau khi doanh nghiệp đưa nguyên liệu về nhà máy. Điều này là mấu chốt giải quyết nhiều bất cập, nút thắt hiện nay trong quá trình truy xuất nguồn gốc, kiểm soát IUU.
Một lần nữa, các kiến nghị trên đã được gửi tới Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, để tổng hợp trình Chính phủ. Áp lực chi phí quá lớn khiến sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp bấp bênh hơn.
Kiến nghị cơ chế đặc thù về thủ tục hành chính
Kiến nghị này đang được Hiệp hội Các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam gửi tới Bộ Tài chính. Cụ thể, Hiệp hội đề nghị cấp cơ chế hải quan ưu tiên cho các doanh nghiệp “đặc biệt”. Các doanh nghiệp đặc biệt được xác định theo quy mô vốn đầu tư (ví dụ vốn đầu tư trên 1 tỷ USD), thuộc các nhóm ngành nghề ưu tiên, theo tiêu chuẩn phát triển bền vững, các doanh nghiệp toàn cầu có tính tuân thủ cao... Thời gian áp dụng là trong vòng 0-6 tháng kể từ khi doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, thay vì phải chờ 2 năm như hiện nay.
Đề xuất trên được Hiệp hội Các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đề nghị đưa vào nội dung các văn bản sửa đổi Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và Thông tư số 38/2015/TT-BTC. Theo quy định hiện hành, cơ chế ưu tiên trong thực hiện thủ tục hải quan chỉ được áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trên 2 năm, nhưng chưa có cơ chế ưu đãi đặc biệt áp dụng cho các nhà đầu tư “đại bàng”.
Trong đề xuất của mình, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics đã nhắc tới trường hợp nhà máy gần 1,4 tỷ USD của Tập đoàn Lego tại Bình Dương. Doanh nghiệp này sẽ phải chờ 2 năm sau khi sản xuất, doanh thu xuất khẩu trên 100 triệu USD mới được xem xét có được áp dụng cơ chế ưu tiên hay không.
“Theo tiêu chuẩn của công ty toàn cầu này, từ khi có ý tưởng sản phẩm đến khi sản xuất và ra kệ bán lẻ chỉ 2 tuần. Tuy nhiên, do chưa đủ thời gian hoạt động để được tiếp cận cơ chế ưu tiên trong thực hiện thủ tục thông quan, nên hoạt động xuất nhập khẩu không thuận lợi, ảnh hưởng tới kế hoạch và định hướng kinh doanh của doanh nghiệp ở Việt Nam”, Hiệp hội kiến nghị.
Ngoài ra, Hiệp hội cũng đề nghị xem xét cơ chế ưu tiên tạm thời ngay từ khi cấp phép đầu tư các dự án thuộc loại này.
Nguồn: Báo Đầu tư