Kinh tế TP.HCM tăng trưởng khá, vượt cùng kỳ năm ngoái
Cục Thống kê TP.HCM vừa có báo cáo sơ kết tình hình kinh tế xã hội quý 2 và 6 tháng đầu năm 2024, trong đó ghi nhận rõ nét những dấu hiệu hồi phục trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang tiếp tục diễn biến phức tạp.
IIP TĂNG CAO NHẤT TRONG 3 NĂM
Sáu tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ghi nhận tăng 5,6% và là mức tăng cao nhất kể từ năm 2022. Tính riêng trong tháng 6, IIP ước tính tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 7,8% so cùng kỳ năm 2023.
Nếu phân loại theo các ngành cụ thể, ngành khai khoáng có mức tăng cao nhất, 42,9%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng chỉ 5,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,5%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 0,8%.
Riêng các ngành công nghiệp cấp II, có 17 trên tổng số 30 ngành có chỉ số IIP 6 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ. Một số ngành có mức tăng cao như sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic tăng 29,1%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 21,1%; sản xuất giường tủ, bàn, ghế tăng 14,1%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 14,0%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 13,2%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 11,7%.
Trong khi đó, chỉ số sản xuất 3 ngành công nghiệp truyền thống (dệt, may, da giày…) 6 tháng giảm 2,3% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp của Thành phố có sự phục hồi nhưng chưa bền vững.
Trong mức tăng trưởng chung GRDP 6,46% của kinh tế Thành phố, ghi nhận khu vực thương mại dịch vụ đóng góp nhiều nhất với 4,34 điểm phần trăm và là khu vực có mức tăng trưởng cao nhất 7,26%. Kế đến là khu vực công nghiệp - xây dựng đóng góp 1,2 điểm phần trăm với mức tăng trưởng 5,55%; trong đó công nghiệp đóng góp 1,05 điểm phần trăm và xây dựng đóng góp 0,15 điểm phần trăm. Khu vực nông nghiệp đóng góp 0,38 điểm phần trăm và tăng 0,18%.
Về cơ cấu nền kinh tế, xét theo giá hiện hành thì khu vực thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng nhất với 65,6%; kế đến là khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 21,0%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 12,9%. Khu vực nông lâm thuỷ sản chiếm tỷ trọng thấp nhất 0,5%.
THƯƠNG MẠI, DỊCH VỤ TĂNG TRƯỞNG KHÁ
Xét tỷ trọng đóng góp của 9 ngành dịch vụ trọng yếu trong tăng trưởng GRDP của TP.HCM 6 tháng đầu năm 2024 thì giá trị tăng thêm của 9 ngành này chiếm 59,9% trong GRDP và chiếm 91,3% trong khu vực dịch vụ. Có 4/9 ngành có tỷ trọng tăng trưởng cao và chiếm 63,1% nội bộ khu vực dịch vụ gồm thương nghiệp (16,4%), vận tải kho bãi (10,5%), tài chính ngân hàng (9,1%), hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ (5,4%).
Có 73,6% doanh nghiệp FDI cho rằng hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý II tốt lên và ổn định so với quý I.
Tổng thể thì tất cả 9 ngành dịch vụ trọng yếu của Thành phố đều có mức tăng trưởng dương và tăng cao nhất là ngành vận tải, kho bãi với tỷ lệ tăng 18,47%; tăng thấp nhất là ngành bất động sản với tỷ lệ tăng 2,94%.
Về thương mại và dịch vụ, ghi nhận tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn ước tăng trưởng khá với mức tăng 10,0% so cùng kỳ năm 2023; trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 10,2%, lưu trú và ăn uống tăng 8,1%, dịch vụ lữ hành tăng 63,3% và dịch vụ khác tăng 7,2%.
Cục Thống kê TP.HCM đã tiến hành cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Kết quả cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh quý II-2024 so với quý I-2024 đã có tín hiệu khởi sắc. Có 37% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên, trong khi 36,6% giữ ổn định và 26,4% nhận định khó khăn hơn. Trong số đó, 80% doanh nghiệp nhà nước nhận định hoạt động quý II-2024 tốt lên và giữ ổn định so với quý I-2024. Tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI lần lượt là 72,7% và 73,6%.
Nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, trong quý 3 và từ nay đến cuối năm, TP.HCM tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư; đồng thời ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Thành phố đã và đang tiếp tục chuyển đổi mô hình sản xuất, tăng cường ứng dụng công nghệ số gắn với định hướng sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên trường quốc tế.
Nguồn: TBKTVN