Quay lại

Xu hướng đa dạng của quần áo thông minh

Vận động viên Keely Hodgkinson mới đây đã trở thành niềm tự hào của thể thao Anh khi giành được tấm huy chương vàng trong nội dung chạy 800 mét nữ tại Thế vận hội Paris. Bên cạnh nhan sắc và thành tích đáng nể, Hodgkinson còn thu hút sự chú ý với bộ đồ lạ mắt, khiến nhiều người còn nói đùa rằng chúng khiến cô trông giống như một "iron man".

Trong một tiết lộ mới đây trên trang cá nhân, Hodgkinson cho biết các công nghệ đến từ thương hiệu Nike thực sự giúp cô đạt thể trạng tốt nhất, từ đó hướng đến chinh phục các danh hiệu. Đáng chú ý nhất là chiếc áo gile giữ nhiệt Nike x Hyperice được Hodgkinson sử dụng sau khi tắm nước đá, nhằm ổn định thân nhiệt và hỗ trợ quá trình hồi phục giữa các vòng đấu ở Paris.

Chiếc áo này được trang bị bộ phận điều chỉnh nhiệt độ dưới hình dạng 2 vòng tròn màu đen ở phần thân trên, cũng như 2 cảm biến thông minh khác nữa ở phần dưới bụng với chức năng theo dõi nhiệt độ cơ thể. "Áo có chức năng sưởi ấm và làm mát. Bạn chỉ cần nhấn một nút để làm ấm, nhấn một nút để làm lạnh", Hodgkinson chia sẻ. "Sau khi tắm nước đá, tôi thường bị lạnh cóng nên đã sử dụng chức năng sưởi ấm để đảm bảo sức khỏe".

Xu hướng đa dạng của quần áo thông minh - Ảnh 1

Xu hướng đa dạng của quần áo thông minh - Ảnh 2

 

Xu hướng đa dạng của quần áo thông minh - Ảnh 3

Xu hướng đa dạng của quần áo thông minh - Ảnh 4

 

Chức năng làm mát của chiếc áo cũng đặc biệt hữu ích trong một số trường hợp. Điển hình là khi vận động viên cần hạ nhiệt cơ thể sau khi thi đấu hoặc luyện tập cường độ cao để nhịp tim và huyết áp phục hồi về mức bình thường. Đôi giày thể thao nằm trong cùng bộ sưu tập này cũng mang đến một số chức năng thú vị. Trong đó, nổi bật nhất là bộ massage nhiệt, nén khí cho bàn chân và mắt cá chân của vận động viên.

Chiếc giày còn được tích hợp các túi khí kép gắn với bộ phận làm ấm, nhằm truyền nhiệt sâu vào các cơ và mô ở bàn chân, mắt cá chân, cổ chân… giúp các vận động viên di chuyển, thực hiện và phục hồi nhanh hơn. Quá trình này nhằm giúp vận động viên phục hồi các cơ bàn chân và ngón chân một cách hiệu quả sau khi vận động mạnh. Đối với một vận động viên điền kinh như Hodgkinson, việc được tài trợ đôi giày này trong quá trình tham dự Thế vận hội Paris được xem là một lợi thế lớn.

Thực tế, quần áo thông minh đã bước vào giai đoạn “bùng nổ”. Những lần giới thiệu thiết kế tích hợp công nghệ tiên tiến của Coperni là một trong những minh chứng. đang đưa nghệ thuật cổ điển vào hàng dệt may thông minh hiện đại, tăng khả năng tương tác của tủ quần áo hơn bao giờ hết. Từ những chiếc váy được gắn đèn LED trong các bữa tiệc đến trang phục thể dục theo dõi số liệu sức khỏe, thời trang đang kết hợp với chức năng công nghệ theo những cách sáng tạo vượt bậc nhất. 

Mới đây, các nhà nghiên cứu của Trường Đại học North Carolina State đang phát triển sản phẩm áo thun có gắn các cảm biến để theo dõi hoạt động của tim. Sản phẩm sẽ giúp theo dõi chức năng của tim cho những người tham gia vào các hoạt động như chạy bộ. Cảm biến là một thiết bị tự cung cấp năng lượng, có thể nhận biết điện tâm đồ của người mặc, nói cách khác là nó sẽ đo điện thế hoạt động của tim. 

Nghiên cứu được dẫn dắt bởi Jesse Jur, Giám đốc Chương trình Công nghệ Dệt may, Nano-EXtended Textiles (viết tắt là NEXT) là một nhóm nghiên cứu của Trường Đại học North Carolina State chuyên nghiên cứu cấu trúc của hàng dệt may thông minh.

Áo thun có gắn các cảm biến để theo dõi hoạt động của tim.

Áo thun có gắn các cảm biến để theo dõi hoạt động của tim.

Theo một báo cáo trên tờ Technician, ngoài việc tìm cách giúp cho những bộ trang phục có gắn thiết bị thông minh được mặc một cách thoải mái hơn, các nhà nghiên cứu đang xem xét những chức năng khác như việc triển khai các thiết bị vào hàng dệt may có thể thực hiện những chức năng như đo lường, thu năng lượng và lưu trữ năng lượng.

Braden Li, một nghiên cứu sinh trong nhóm nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi tận dụng các quy trình và các thiết kế khác nhau từ quy mô nano cho đến quy mô vĩ mô để xem liệu chúng tôi có thể tích hợp thiết bị điện tử vào hàng dệt may hay không”.

Marissa Noon, sinh viên năm thứ ba đang theo học ngành kỹ thuật dệt tại Trường Đại học North Carolina State cho biết: “Có những loại vải thực sự thông minh quả thật rất tuyệt, nhưng vấn đề hiện nay là người mặc có thể không thoải mái khi mặc những loại vải như vậy, hoặc các thiết bị thông minh tích hợp cũng khó tồn tại được lâu… Vì vậy, điều thực sự quan trọng là phải có một loại vải mềm mại để bạn có thể vận động thoải mái nhưng nó vẫn đo đạc các thông số của cơ thể một cách chính xác”.

Sản phẩm áo thun thông minh không phải là dự án duy nhất mà nhóm thực hiện. Các nhà nghiên cứu như Noon đã nghiên cứu phát triển một loại tất thông minh có khả năng giảm thời gian hồi phục của mắt cá chân bị bong gân từ bốn đến sáu tuần xuống còn hai đến ba tuần, trong khi người dùng vẫn có thể thực hiện một số vận động trong thời gian hồi phục.

Tương tự, một phòng thí nghiệm tại Hong Kong vừa cho ra đời loại vải đổi màu theo sở thích của người mặc thông qua trí tuệ nhân tạo (AI) với mong muốn giảm thiểu chất thải từ quần áo. Theo hãng tin Reuters, Phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo dùng trong thiết kế (AiDLab) đã tạo ra loại vải đổi màu được dệt bằng sợi nhựa quang học polyme (POF) kết hợp với vải may mặc thông thường. Lớp vải có thể phản chiếu nhiều sắc độ khác nhau của màu sắc và được tích hợp một chiếc camera siêu nhỏ giúp hệ thống AI quan sát cử chỉ của người mặc.

Người mặc chỉ cần ra hiệu bằng tay, thuật toán của AI sẽ ngay lập tức giúp camera xác định cử chỉ và thay đổi màu sắc vải theo yêu cầu. Ngoài ra, người mặc cũng có thể tùy chỉnh màu sắc bằng một ứng dụng trên điện thoại. Giáo sư Jeanne Tan, người đứng đầu nhóm nghiên cứu hiện đang làm việc tại Trường đại học Thời trang và Dệt May Hong Kong, nhấn mạnh rằng POF được làm từ polymethyl methacrylate (một loại nhựa dẻo trong suốt có độ bền cao) nên tái chế được.

Loại vải đổi màu theo sở thích của người mặc thông qua trí tuệ nhân tạo (AI).

Loại vải đổi màu theo sở thích của người mặc thông qua trí tuệ nhân tạo (AI).

Thêm vào đó, cấu trúc của loại vải đổi màu cũng cho phép người dùng dễ dàng tách POF ra khỏi sợi vải thông thường để thực hiện việc tái chế. Bà còn cho biết loại vải đổi màu này rất mềm: “Cảm giác cầm trên tay giống hệt các loại vải được may theo cách thông thường”. AiDLab kỳ vọng công nghệ này sẽ được thương mại hóa trong một tương lai không xa. Sản phẩm này hiện đang được trưng bày tại các trung tâm mua sắm cùng nhiều địa điểm khác ở Hong Kong.

Trên khắp thế giới, nhiều công ty đã khám phá tiềm năng của trang phục thông minh, mở rộng các ứng dụng trong thể thao hoặc trang phục hàng ngày. Các thiết bị này bao gồm các công nghệ hỗ trợ và theo dõi sức khỏe như theo dõi sinh lý, kích thích cơ điện (electrical muscle stimulation – EMS) và điều chỉnh nhiệt độ cơ thể (sưởi ấm, làm mát). Tuy nhiên, để tạo ra quần áo thông minh đủ tiêu chuẩn, việc đáp ứng các yêu cầu về chất lượng của ngành dệt may cũng như việc xem xét cẩn thận về chất liệu, cấu trúc và thành phần hóa học để tuân thủ an toàn và thói quen của người tiêu dùng là rất cần thiết.

Nguồn: TBKTVN