Hàn Quốc: Triển vọng tăng trưởng tích cực nhờ động lực xuất khẩu
Xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 8 đã tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu do Cơ quan hải quan Hàn Quốc công bố sáng nay 1/9. Nếu không điều chỉnh, kim ngạch xuất khẩu chính của Hàn Quốc đã tăng 11,4% trong tháng 8, trong khi kim ngạch nhập khẩu cùng tháng tăng 6%. Với kết quả này, Hàn Quốc đạt thặng dư thương mại 3,8 tỷ USD.
Xuất khẩu là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc, với chất bán dẫn, ô tô và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế là những sản phẩm chủ lực thúc đẩy hiệu suất chung. Các nhà chức trách nước này kỳ vọng tăng trưởng kinh tế sẽ đạt khoảng 2,5% trong năm nay, một phần nhờ vào sự hồi sinh của thương mại toàn cầu.
Đặc biệt, cơn sốt toàn cầu về phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) đã mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất chip của Hàn Quốc, bao gồm hai "ông lớn" Samsung Electronics và SK Hynix.
Theo dữ liệu tháng 8, xuất khẩu chất bán dẫn đã tăng 38,8% so với cùng kỳ năm trước, giúp Hàn Quốc nắm thị phần lớn nhất trong doanh số chip nhớ toàn cầu.
"Sự gia tăng theo chu kỳ trong nhu cầu chất bán dẫn toàn cầu sẽ giúp bù đắp cho tình trạng trì trệ trong nước của nền kinh tế Hàn Quốc trong năm tới", bà Madhavi Bokil, Phó chủ tịch cấp cao về chiến lược và nghiên cứu tại Moody's Ratings, nhìn nhận
Đại diện Moody's Ratings cho biết: "Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu bên ngoài đối với chip liên quan đến AI cũng như đầu tư do Mỹ và EU nhằm thúc đẩy các lĩnh vực mới như xe điện và năng lượng tái tạo sẽ bù đắp cho sự yếu kém trong nước và hỗ trợ sự phục hồi tăng trưởng (của Hàn Quốc - BTV) lên mức 2,5% vào năm 2024 và 2,3% vào năm 2025".
Nhu cầu chip AI toàn cầu được dẫn dắt bởi các nền kinh tế lớn như Mỹ, nơi Nvidia tiên phong trong việc phát triển chip AI; đồng thời Mỹ cũng là nơi chứng kiến nhu cầu bùng nổ đối với xe điện và điều này có lợi cho các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là đối tác nhập khẩu mua lượng lớn các sản phẩm điện tử và chip bán dẫn của Hàn Quốc.
Kể từ cuối năm ngoái, Mỹ đã nhiều lần vượt qua Trung Quốc về nhu cầu đối với các sản phẩm của Hàn Quốc, đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ của Seoul với hai đối tác thương mại lớn nhất của mình.
Hàn Quốc đã khuyến khích các nhà xuất khẩu đa dạng hóa các thị trường để giảm thiểu rủi ro địa chính trị phát sinh từ căng thẳng thương mại âm ỉ giữa Washington và Bắc Kinh.
Ông Je Heon Kim, quyền giám đốc Viện Kinh tế Hàn Quốc tại Mỹ, lưu ý: "Có những rủi ro khi gia tăng sự phụ thuộc vào thương mại vào Mỹ, chẳng hạn như những cú sốc có thể xảy ra đối với môi trường tài chính, tài khóa và kinh doanh".
"Hàn Quốc phải chuẩn bị và quản lý những rủi ro này bằng cách tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng và thương mại của mình", ông Kim khuyến nghị.
Các nhà sản xuất của Hàn Quốc tham gia vào nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu và do đó, hiệu suất của họ đóng vai trò là thước đo “sức sống” của thương mại thế giới.
Hàn Quốc cũng là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất từ sự hồi sinh thương mại toàn cầu trong năm nay, cùng với các thị trường mới nổi, bao gồm Brazil, Indonesia và Ba Lan.
Tuy nhiên, hiệu suất xuất khẩu mạnh mẽ của Hàn Quốc là yếu tố ngăn cản ngân hàng trung ương nước này điều chỉnh chính sách sớm. Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được kỳ vọng sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong tháng này, các nhà kinh tế vẫn thận trọng dự báo rằng Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc sẽ đợi đến tháng sau hoặc muộn hơn để hạ lãi suất nhằm khắc phục tình trạng tiêu dùng chững lại.
Nguồn: Báo Đầu tư