Quay lại

Vì sao hơn 40 quốc gia muốn gia nhập nhóm BRICS?

Nhóm BRICS - gồm 5 nền kinh tế mới nổi quy mô lớn là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ 15 tại thủ đô Johannesburg của Nam Phi từ ngày 22-24/8. Nước chủ nhà cho biết hiện có 40 quốc gia bày tỏ mong muốn gia nhập nhóm.

Từ viết tắt BRIC - ban đầu không bao gồm chữ “S” trong tên của Nam Phi (South Africa) - được đưa ra lần đầu vào năm 2001 bởi nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Goldman Sachs khi đó là ông Jim O’Neill, trong một nghiên cứu nói về tiềm năng tăng trưởng kinh tế của 4 nước Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.

Sau đó, nhóm BRIC được thành lập với tư cách một câu lạc bộ không chính thức vào năm 2009, nhằm mở ra một diễn đàn để các nước thành viên thách thức trật tự thế giới dẫn đầu bởi Mỹ và các nước đồng minh phương Tây của Mỹ. Việc thành lập nhóm được khởi xướng bởi Nga.

Cho tới hiện tại, BRICS vẫn chưa phải là một tổ chức đa phương chính thức như Liên hiệp quốc, Ngân hàng Thế giới (WB) hay Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC). Dù vậy, lãnh đạo các nước thành viên BRICS có hội nghị thượng đỉnh hàng năm, và mỗi nước đều giữ vai trò Chủ tịch luân phiên với nhiệm kỳ 1 năm.

Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc là các thành viên sáng lập của BRICS. Nam Phi, thành viên nhỏ nhất xét về ảnh hưởng kinh tế và quy mô dân số, là quốc gia hưởng lợi đầu tiên khi BRIC mở rộng vào năm 2010. Với sự tham gia của Nam Phi, BRIC trở thành BRICS.

Nhóm này hiện chiếm tổng cộng hơn 40% dân số thế giới và 1/4 nền kinh tế toàn cầu. Ngoài vấn đề địa chính trị, nhóm còn tập trung vào các vấn đề khác như hợp tác kinh tế và tăng cường hợp tác thương mại và phát triển đa phương.

Ngoài ra, BRICS hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận. Tất cả các nước trong BRICS đều là thành viên của G20 - nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới.

Theo Nam Phi, nước đang giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của BRICS kiêm chủ nhà hội nghị thượng đỉnh 2023 của nhóm này, có hơn 40 quốc gia đã bày tỏ mong muốn gia nhập diễn đàn. Trong số các nước này có Iran, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Argentina, Algeria, Bolivida, Indonesia, Ai Cập, Ethiopia, Cuba, Cộng hoà Công, Comoros, Gabon và Kazakhstan.

Các quốc gia này xem BRICS là một lựa chọn thay thế cho các thể chế toàn cầu mà họ cho là nằm dưới sự thống trị của các cường quốc phương Tây. Họ hy vọng địa vị thành viên BRICS sẽ giúp họ đạt được nhiều lợi ích gồm nguồn vốn cho phát triển và tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư.

Sự bất mãn của các nước đang phát triển với trật tự toàn cầu đã gia tăng từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, một phần do các nước giàu tích trữ vaccine cần thiết cho việc chống dịch.

Iran, quốc gia sở hữu khoảng 1/4 trữ lượng dầu lửa ở khu vực Trung Đông, đã bày tỏ hy vọng rằng cơ chế kết nạp thành viên của BRICS sẽ được quyết định trong thời gian sớm nhất.

Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu lửa hàng đầu thế giới và là thủ lĩnh không chính thức của OPEC, là một trong số hơn một chục quốc gia tham gia đối thoại “Những người bạn của BRICS” ở Cape Town hồi tháng 6 năm nay. Nước này nhận được sự ủng hộ của các thành viên BRICS để gia nhập câu lạc bộ.

Về phần mình, Argentina vào tháng 7/2022 cho biết đã nhận được sự ủng hộ chính thức của Trung Quốc trong nỗ lực xin gia nhập BRICS.

Ethiopnia, một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Phi, hồi tháng 6 cho biết đã đề nghị được gia nhập BRICS.

Tổng thống Luis Arce của Bolivia đã bày tỏ quan tâm tới địa vị thành viên BRICS và dự kiến sẽ tới dự thượng đỉnh của nhóm. Chính phủ Bolivia hồi tháng 7 cho biết đã hạ quyết tâm giảm phụ thuộc vào đồng USD trong giao dịch thương mại, thay vào đó tăng cường sự dụng đồng Nhân dân tệ - một hướng đi phù hợp với mục tiêu của các nhà lãnh đạo BRICS về giảm phụ thuộc vào đồng tiền của Mỹ.

Cũng trong tháng 7, Algeria cho biết đã nộp đơn xin gia nhập BRICS và trở thành một cổ đông của Ngân hàng Phát triển Mới (NDB), hay còn gọi là BRICS Bank. Quốc gia Bắc Phi này sở hữu nguồn tài nguyên dầu khí dồi dào và có chiến lược đa dạng hoá nền kinh tế, cũng như tăng cường quan hệ đối tác với Trung Quốc và các quốc gia khác.

Nguồn: TBKTVN