Quay lại

Áp lực bủa vây kinh tế châu Âu

Những trở ngại này, cộng thêm cuộc chiến tranh vẫn đang tiếp diễn khó lường ở Ukraine, lạm phát cao dai dẳng và rủi ro về giá năng lượng, đồng nghĩa kinh tế châu Âu sẽ còn đuối so với Mỹ.

Sau khi rơi vào một cuộc suy thoái kỹ thuật, với hai quý suy giảm liên tiếp là quý 4/2022 và quý 1/2023, kinh tế châu Âu đã tăng trở nhẹ trở lại trong quý 2 vừa qua. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của 20 quốc gia trong khối đồng tiền chung đạt mức tăng trưởng cả năm 1,1% trong kỳ 3 tháng kết thúc vào tháng 6. Mức tăng trưởng khiêm tốn này đồng điệu với sự tăng tốc của kinh tế Mỹ trong cùng khoảng thời gian và trái ngược với sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc. Cùng kỳ, Mỹ chứng kiến mức tăng trưởng GDP cả năm 2,4%, trong khi Trung Quốc tăng 0,8% so với quý 1 và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế châu Âu quý 2 đã hưởng lợi nhiều từ con số tăng trưởng 13,7% của Ireland - quốc gia mà GDP thi thoảng lại có sự biến động chóng mặt theo tình hình kinh doanh của các công ty dược phẩm khổng lồ của Mỹ đặt tại nước này. Giới phân tích cho rằng kinh tế Eurozone sẽ khó sớm lấy lại được tốc độ tăng trưởng như trước khi xảy ra cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, sự kiện đã đẩy giá năng lượng và thực phẩm tăng vọt, đồng thời gây suy sụp niềm tin của hộ gia đình và doanh nghiệp trong khu vực. Niềm tin suy giảm dẫn tới nhu cầu giảm, kết quả là tăng trưởng kinh tế suy yếu.

“Triển vọng kinh tế trong ngắn hạn của Eurozone đã xấu đi nhiều, chủ yếu do nhu cầu tại khu vực yếu đi. Lạm phát cao và điều kiện tài chính thắt chặt đang khiến cho chi tiêu giảm sút”, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde phát biểu sau cuộc họp chính sách tiền tệ của ECB cuối tháng 7/2023.

TĂNG TRƯỞNG Ì ẠCH VÌ TIÊU DÙNG YẾU
Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) không đưa ra thống kê cụ thể về các nhân tố đưa nền kinh tế khu vực tăng trưởng trở lại, nhưng số liệu từ các quốc gia thành viên trong Eurozone cho thấy trong quý 2, tiêu dùng vững vàng hơn so với những tháng mùa đông trước - thời điểm mà hoá đơn năng lượng cao khiến các hộ gia đình còn lại ít thu nhập hơn để chi cho việc mua sắm hàng hoá và dịch vụ.

Những diễn biến trên thị trường khí đốt châu Âu thời gian gần đây một lần nữa cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn chưa “buông tha” khu vực. Ngày 9/8/2023, giá khí đốt giao sau trên sàn TTF ở Hà Lan, giá tiêu chuẩn của thị trường khí đốt châu Âu, bất ngờ tăng tới 40% vì có tin công nhân tại một số nhà máy sản xuất khí hóa lỏng (LNG) ở Australia lên kế hoạch đình công.

Đến nay, Liên minh châu Âu (EU) đã thành công trong việc “cai” khí đốt Nga, sau khi các quốc gia trong khối khốn đốn vì bị Nga giảm cung ứng khí đốt trong năm 2022. Tuy nhiên, việc này lại khiến EU phụ thuộc ngày càng nhiều vào LNG nhập khẩu. Trong bối cảnh như vậy, bất kỳ nguy cơ gián đoạn nguồn cung LNG ở nơi nào trên thế giới cũng đều có thể tác động đến giá khí đốt ở châu Âu.

Hiện tại, dự trữ khí đốt của EU đã đầy khoảng 90% - một mức dự trữ dồi dào ở thời điểm này hàng năm. Nhưng với sự bấp bênh về nguồn cung, không ai dám chắc châu Âu có thể vượt qua mùa đông năm nay trong một trạng thái năng lượng vững chắc.

Một tin tích cực về kinh tế châu Âu là lạm phát đang trong xu thế giảm và có thể tiếp tục giảm sâu hơn nữa. Dù vậy, mức lạm phát vẫn còn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà ECB đề ra. Số liệu từ Eurostat cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Eurozone tăng 5,3% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, hạ từ mức tăng 5,5% ghi nhận trong tháng 6 và là mức thấp nhất kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra. Mức tăng CPI lõi, thước đo lạm phát không bao gồm giá của hai nhóm hàng hóa có độ biến động lớn là năng lượng và thực phẩm, giữ nguyên ở 5,5%.

Đối với nỗ lực giảm lạm phát của ECB, tiền lương tăng là một trở ngại. Tiền lương ở Eurozone đang tăng với tốc độ nhanh hơn trong những thập kỷ gần đây, và một số nước trong khu vực có thể chứng kiến sự trở lại của tăng trưởng tiền lương thực, tức là tiền lương sau khi trừ đi lạm phát.

Ngoài ra, sự khởi sắc của ngành du lịch châu Âu cũng có thể khiến tốc độ lạm phát giảm chậm hơn. Mặc cho nhiệt độ cao bất thường, khu vực miền Nam của châu Âu đang chứng kiến sự trở lại của lượng du khách quốc tế đông đảo như trước khi xảy ra đại dịch. Tây Ban Nha đón 8,2 triệu lượt khách quốc tế trong tháng 5 năm nay, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với lạm phát cao, ngay cả tiền lương tăng và sự phục hồi của ngành du lịch là không đủ để giúp ngân sách của các hộ gia đình và doanh nghiệp ở châu Âu tránh khỏi cảnh trở nên eo hẹp hơn dưới áp lực từ lãi suất tăng. Trong cuộc họp tháng 7/2023, ECB có lần nâng lãi suất thứ 9 trong chu kỳ thắt chặt này, đưa lãi suất chính sách tăng thêm 0,25 điểm phần trăm lên mức 3,75%, bằng mức kỷ lục thiết lập vào năm 2001 - thời điểm mà ECB tăng mạnh lãi suất nhằm tăng cường giá trị của đồng Euro khi đó mới ra đời.

THIẾU LỰC HỖ TRỢ TỪ TRUNG QUỐC
Dấu hiệu dai dẳng của lạm phát lõi ở Eurozone khiến giới chuyên gia kinh tế cho rằng ECB sẽ chưa dừng cuộc chiến chống lạm phát. Ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được cho là sẽ tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9 tới, ECB được dự báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm.

Đối với các doanh nghiệp châu Âu, tình hình cũng chẳng khá hơn là bao. Một cuộc khảo sát do ECB thực hiện cuối tháng 7/2023 cho thấy nhu cầu vay vốn mới của doanh nghiệp trong khu vực đang ở mức thấp kỷ lục, một dấu hiệu cho thấy hoạt động đầu tư cho sản xuất-kinh doanh sẽ giảm sút. Chỉ số đo niềm tin doanh nghiệp của Viện Nghiên cứu Ifo ở Munich, Đức, đã giảm 3 tháng liên tiếp trong tháng 7 vừa qua.  “Châu Âu đang trên đà rơi vào một thời kỳ suy giảm đầu tư mạnh mẽ”, nhà kinh tế Claus Vistesen của Công ty nghiên cứu kinh tế Pantheon Macroeconomics, đánh giá.

Các cuộc khảo sát nhà quản trị mua hàng tháng 7 do Công ty S&P Global thực hiện cho thấy hoạt động sản xuất ở châu Âu tiếp tục suy giảm, trong khi lĩnh vực dịch vụ với quy mô lớn hơn nhiều tiếp tục giảm tốc. Nhiều nhà kinh tế học nhận định bi quan rằng dù đã tăng trưởng trở lại trong quý 2, kinh tế châu Âu rất có thể lại đang rơi vào trạng thái suy giảm.

Không giống như trước đây, lần này Trung Quốc không thể “tiếp sức” cho kinh tế châu Âu. Doanh nghiệp châu Âu đã nuôi hy vọng bán được nhiều hàng hoá hơn cho Trung Quốc khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mở cửa trở lại sau gần 3 năm phong tỏa chống Covid-19, nhưng sự phục hồi kinh tế Trung Quốc ngày càng gây thất vọng. Trong 5 tháng dầu năm nay, xuất khẩu của châu Âu sang Trung Quốc chỉ tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Triển vọng xuất khẩu ảm đạm của châu Âu khiến Ngân hàng Bank of America giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone năm nay về 0,3% từ 0,4%. Là nền kinh tế lớn nhất châu Âu và cũng là nền kinh tế có mức độ phụ thuộc lớn nhất vào xuất khẩu sang Trung Quốc tại khu vực này, Đức được cho là ở vị thế dễ tổn thương nhất.

Nền kinh tế Đức đã trì trệ trong quý 2 sau khi giảm trong quý 1, trong khi kinh tế Italy đuối nhất trong số các nền kinh tế lớn của châu Âu, với GDP bất ngờ giảm trong quý 2 sau khi tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 1. Kinh tế Pháp tăng tốc trong quý 2, đạt mức tăng trưởng 2,2%, bất chấp các cuộc biểu tình phản đối kế hoạch thay đổi hệ thống lương hưu của Chính phủ.

Trong cái rủi có cái may, việc kinh tế Trung Quốc phục hồi yếu ớt đã hạn chế nhu cầu LNG của nước này, giúp giải phóng nguồn cung và giữ giá khí đốt ở mức thấp trong lúc châu Âu gom khí đốt dự trữ cho mùa đông thứ hai không có nguồn cung khí đốt giá rẻ dồi dào từ Nga.

Sự kết hợp giữa tăng trưởng yếu và lạm phát giảm cũng làm giảm khả năng ECB phải tăng lãi suất thêm nhiều, nhất là khi một số chuyên gia kinh tế cho rằng ECB đã tăng lãi suất lên mức quá cao. “Tổn thất từ việc ECB chống lạm phát mạnh tay trong một năm qua đang bắt đầu hiện rõ. Tình hình sẽ xấu đi từ đây, vì hiệu ứng đến trễ của 12 tháng thắt chặt chính sách tiền tệ còn chưa được thể hiện hết”, nhà kinh tế Erik Nielsen của ngân hàng UniCredit viết trong một báo cáo.

Nguồn: TBKTVN