Toàn cảnh suy giảm quan hệ thương mại Mỹ-Trung
Thay vào đó, các nhà nhập khẩu của Mỹ đang mua nhiều hơn hàng hoá từ Mexico, châu Âu và các khu vực khác của châu Á, với các mặt hàng từ con chip máy tính cho tới smartphone và hàng may mặc - tờ Wall Street Journal cho biết sau khi phân tích dữ liệu thương mại được Cục Thống kê dân số Mỹ công bố mới đây.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc chiếm 13,3% nhập khẩu hàng hoá của Mỹ, từ mức đỉnh 21,6% thiết lập vào năm 2017. Tỷ trọng hiện tại là mức thấp nhất kể từ mức 12,1% ghi nhận vào năm 2003 - thời điểm 2 năm sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Ghi chú: Dữ liệu hàng năm, riêng của năm 2023 là 6 tháng đầu năm. Nguồn: Cục Thống kê dân số Mỹ/WSJ.
Sự dịch chuyển bắt đầu diễn ra vào năm 2018, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump khi đó áp thuế quan lên hàng hoá Trung Quốc. Trong suốt đại dịch Covid-19, tình trạng khan hiếm những mặt hàng như khẩu trang và linh kiện bán dẫn đã khiến các công ty phải đánh giá lại chuỗi cung ứng của mình. Năm nay, một số công ty Mỹ còn giảm phụ thuộc vào Trung Quốc vì lo ngại về “cuộc chiến” giữa hai cường quốc trong lĩnh vực công nghệ cao. Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden có bước leo thang mới trong xung đột này, khi ký sắc lệnh điều hành cấm cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp của Mỹ đầu tư vào một số lĩnh vực công nghệ ở Trung Quốc, bao gồm con chip hiện đại và điện toán lượng tử.
“Giờ đây, câu chuyện đã trở nên rõ ràng đối với các công ty, rằng xung đột về thương mại, công nghệ và các vấn đề khác giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không sớm được giải quyết. Các công ty bắt đầu phải tìm cách để giảm bớt rủi ro”, ông Chad Bown - chuyên gia cấp cao về thương mại Mỹ-Trung thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson - nhận định.
SỰ SUY GIẢM TRÊN DIỆN RỘNG
Việc Trung Quốc mất thị phần trong nhập khẩu hàng hoá của Mỹ không phải là kết quả của một sự thay đổi chóng vánh liên quan đến một sản phẩm hay một quốc gia nào. Thay vào đó, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng đã và đang diễn ra một cách từ tốn ở hàng chục ngành công nghiệp khác nhau và có nhiều quốc gia cùng tham gia vào xu hướng này.
Một nhân tố phải kể đến là sự dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia châu Á khác, như các nước Đông Nam Á và Ấn Độ. Từ đầu năm 2019, tỷ trọng của Trung Quốc trong nhập khẩu hàng hoá của Mỹ đã giảm dưới tổng tỷ trọng của một rổ gồm 25 nền kinh tế châu Á khác trong đó có Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam. Trong 12 tháng kết thúc vào tháng 6 năm nay, nhóm này chiếm 24,5% nhập khẩu của Mỹ, so với tỷ trọng 14,9% của Trung Quốc trong cùng kỳ.
Ghi chú: Châu Á không gồm Trung Quốc" là nhóm gồm 25 nền kinh tế châu Á trong đó có Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan và Việt Nam. Nguồn: Cục Thống kê dân số Mỹ/WSJ.
Trong khi đó, tỷ trọng của Mexico trong nhập khẩu của Mỹ đạt bằng mức của Mỹ trong tháng 6. Thoả thuận thương mại tự do (FTA) giữa Mỹ, Mexico và Canada đã đưa Mexico trở thành một đối thủ cạnh tranh mạnh với Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác trong việc cung cấp hàng hoá cho Mỹ. Xu hướng tìm đến những chuỗi cung ứng ngắn hơn trong kỷ nguyên hậu Covid cũng làm gia tăng lợi thế của Mexico và Canada.
Máy móc và hàng điện tử là hai trong số những nhóm sản phẩm lớn nhất mà Mexico tăng thị phần trong nhập khẩu của Mỹ trong kỳ 12 tháng kết thúc vào tháng 6 năm nay.
Nếu tính gộp cả giá trị xuất khẩu và nhập khẩu với đơn vị là USD, Mexico hiện là đối tác thương mại lớn nhất mới của Mỹ, theo sau là Canada, đẩy Trung Quốc xuống vị trí thứ ba. Sự dịch chuyển này phản ánh sự sụt giảm gần đây về tỷ trọng của hàng hoá Mỹ trong nhập khẩu của Trung Quốc, cộng thêm sự suy giảm dài hạn về thị phần của hàng hoá Trung Quốc trong nhập khẩu của Mỹ. Trung Quốc chiếm 10,9% tổng kim ngạch thương mại của Mỹ trong nửa đầu năm nay, trong khi Mexico ở vị trí số 1 với 15,7% và Canada xếp thứ hai với 15,4%.
Ghi chú: Dữ liệu hàng năm, riêng của năm 2023 là 6 tháng đầu năm. Nguồn: Cục Thống kê dân số Mỹ/WSJ.
Xu hướng này đã làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, với mức thâm hụt của kỳ 12 tháng kết thúc vào tháng 6 là 313 tỷ USD, chỉ nhỉnh hơn một mức đáy ghi nhận trong đại dịch Covid-19.
Nguồn: Cục Thống kê dân số Mỹ/WSJ.
Sự suy giảm gần đây của hàng hoá Trung Quốc trong nhập khẩu của Mỹ, cả về giá trị tính bằng đồng USD và tỷ lệ phần trăm trong tổng nhập khẩu, bao trùm hầu hết các nhóm sản phẩm. Nhập khẩu máy móc - một hạng mục đủ rộng để bao gồm máy bơm, máy điều hoà không khí và máy tính - từ Trung Quốc vào Mỹ giảm 16,6 tỷ USD trong kỳ 12 tháng kết thúc vào tháng 6 nếu so với cùng kỳ năm trước. Cùng khoảng thời gian, thị phần của Trung Quốc trong nhập khẩu máy móc của Mỹ giảm còn 21,1% từ 25,3% cùng kỳ năm trước.
Nhập khẩu hàng điện tử sản xuất tại Trung Quốc vào Mỹ đã giảm 13,4 tỷ USD trong kỳ 12 tháng kết thúc vào tháng 6 so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng của Trung Quốc trong nhập khẩu hàng điện tử của Mỹ giảm xuống còn 27,9% từ 32%.
Ghi chú: Số liệu của chu kỳ 12 tháng kết thúc vào tháng 6 hàng năm. Nguồn: Cục Thống kê dân số Mỹ/WSJ.
SMARTPHONE
Hầu hết smartphone nhập khẩu vào Mỹ có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng tỷ trọng đã giảm còn 75,7% trong kỳ 12 tháng kết thúc vào tháng 6, từ mức đỉnh gần đây là hơn 80%.
Nguồn: Cục Thống kê dân số Mỹ/WSJ.
Một phần nguyên nhân của sự suy giảm này là các nhà sản xuất smartphone, nhất là hãng Apple, đang đẩy mạnh việc đa dạng hoá chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. Chẳng hạn, nhà cung cấp của Apple, tập đoàn Foxconn, có kế hoạch tăng sản xuất ở Ấn Độ.
Trong khi đó, tỷ trọng của Ấn Độ trong nhập khẩu smartphone của Mỹ đã tăng lên mức 5,3% trong kỳ 12 tháng kết thúc vào tháng 6, từ mức 1,8% trong kỳ 12 tháng kết thúc vào tháng 12/2022.
LINH KIỆN BÁN DẪN
Việt Nam và Thái Lan đang trở thành những nguồn cung cấp con chip ngày càng lớn cho Mỹ. Hai quốc gia này đang trở thành địa chỉ cho các giai đoạn sản xuất về sau của quy trình sản xuất con chip, mà ở đó chip silicon thô được kiểm thử và đóng gói thành dạng cuối cùng. Đây cũng là một lĩnh vực mà Trung Quốc có sự hiện diện lớn.
Nguồn: Cục Thống kê dân số Mỹ/WSJ.
Amkor Technology, một công ty Mỹ chuyên về đóng gói chip, đang xây dựng một nhà máy lớn ở Việt Nam, dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay. Israel, nơi Intel đặt một vài trong số những nhà máy sản xuất chip tiên tiến nhất của hãng, cũng là một nguồn cung cấp chip ngày càng lớn của Mỹ.
Trong bối cảnh Mỹ và các nước đồng minh đẩy mạnh chính sách để hạn chế việc cung cấp cho và sản xuất chip tiên tiến tại Trung Quốc, các công ty chip đang tăng cường sản xuất ở Mỹ, châu Âu và các nước châu Á khác.
HÀNG DỆT MAY
Tỷ trọng của Trung Quốc trong nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ giảm nhanh sau khi chính quyền ông Trump đưa hạng mục này vào danh sách áp thuế quan lên hàng Trung Quốc vào năm 2019. Từ đó, các nhà nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ đã chuyển hướng sang tìm nguồn hàng ở các nước châu Á khác, gồm Việt Nam, Bangladesh và Indonesia.
Ghi chú: * nhóm gồm 25 nền kinh tế châu Á trong đó có Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan và Việt Nam. Nguồn: Cục Thống kê dân số Mỹ/WSJ.
Sự dịch chuyển này được đẩy nhanh khi Mỹ tăng cường giám sát vấn đề sử dụng lao động ở Tân Cương, một vùng trồng bông lớn của Trung Quốc, cũng như chi phí nhân công ở nước này ngày càng tăng.
ĐỒ NỘI THẤT
Việc Mỹ bắt đầu nhập khẩu ồ ạt đồ nội thất Mỹ từ thập niên 1990 đã dẫn tới đóng cửa hàng loạt nhà máy sản xuất nội thất ở Mỹ. Nhưng tỷ trọng của Trung Quốc trong nhập khẩu đồ nội thất của Mỹ đã bắt đầu giảm do thuế quan và tiếp tục giảm trong vòng 1 năm qua.
Nguồn: Cục Thống kê dân số Mỹ/WSJ.
Trung Quốc chiếm 25,7% nhập khẩu hàng nội thất của Mỹ trong 12 tháng kết thúc vào tháng 6 năm nay. Trong khi đó, Việt Nam, Mexico và Canada chiếm tổng cộng 49,4% nhập khẩu đồ nội thất của Mỹ trong cùng khoảng thời gian, từ mức 41,8% ở thời điểm đầu năm 2020.
Nguồn: TBKTVN