Thuần hóa A.I
L ấy ví dụ về hình ảnh, Tạp chí Everypixel tính toán hơn 15 tỉ hình ảnh đã được tạo ra từ những thuật toán tạo hình ảnh từ các mô tả trong năm 2023. Như vậy, kể từ khi được giới thiệu, chỉ mất 1 năm để A.I đạt tới số lượng này, so với 150 năm để các nhiếp ảnh gia tạo ra số lượng hình ảnh tương tự kể từ khi bức hình đầu tiên được chụp vào năm 1826.
Một số xem A.I như một trợ lý ảo, số khác xem đó là công cụ để kiếm tiền. Trong số những người tìm kiếm cơ hội từ sự trỗi dậy mạnh mẽ của A.I tạo sinh có những người sáng lập LovinBot, một startup tìm cách thuần hóa những con ngựa tưởng chừng như bất kham để trở thành trợ thủ đắc lực.
Từ các bài tiếp thị dài...
Ra mắt chỉ 4 tháng sau khi ChatGPT được giới thiệu đến toàn thế giới, LovinBot, một trợ lý viết nội dung, chứng kiến tăng trưởng người dùng theo cấp số nhân trong 2 tháng đầu tiên, từ tháng 3 đến tháng 5/2023. Điểm mạnh của startup A.I về nội dung tiếp thị là khả năng tạo ra những bài viết dài đến 3.000 từ, trong đó khéo léo tích hợp các từ khóa và gợi ý hình ảnh đa dạng.
7 năm kinh nghiệm trong ngành tiếp thị của ông Đặng Hữu Sơn, đồng sáng lập kiêm CEO của LovinBot, đã dẫn đến tập khách hàng đầu tiên mà họ nhắm đến là những nhà tiếp thị (marketer). Ông và các cộng sự đã xây dựng LovinBot để giải quyết vấn đề đau đầu nhất với những người sáng tạo nội dung: viết bài.
Với dữ liệu của 1.200 startup A.I tạo sinh, Dealroom ước tính quy mô tài trợ của toàn bộ thị trường A.I nói chung là 22,3 tỉ USD. Chỉ riêng thị trường startup về viết lách là 866 triệu USD.
A.I không phải là một khái niệm mới, đã phổ biến từ năm 2017. Trước đây A.I chủ yếu được giới thiệu cho doanh nghiệp dưới các ứng dụng trong quy trình phân tích và dựa trên dữ liệu. Lĩnh vực sáng tạo từng bị coi là xa vời với khả năng của A.I. Nhưng điều này đã thay đổi với làn sóng A.I tạo sinh mới xuất hiện từ cuối năm 2022, sử dụng các mô hình được đào tạo trên một tập dữ liệu lớn về phương tiện nội dung (văn bản, hình ảnh, âm thanh, video) để tạo ra thứ gì đó mới thay vì chỉ phân tích những thứ hiện có. Đi cùng thay đổi quan trọng này là sự dịch chuyển đối tượng phục vụ của A.I, từ doanh nghiệp sang tất cả cá nhân trên thế giới.
Những ứng dụng mở này trong các ngành khác nhau, chẳng hạn như tiếp thị, quảng cáo và bán hàng, truyền thông, trò chơi, thiết kế đồ họa, thiết kế sản phẩm, luật, mã hóa, kiến trúc và nhiều hơn thế nữa. “A.I tạo sinh có thể thay thế hoàn toàn một số chức năng nhất định trong khi chỉ nâng cao công việc sáng tạo của con người ở các chức năng khác. Điều này mang đến những cơ hội to lớn nhưng cũng mở ra những thách thức về mặt đạo đức”, Dealroom nhận định trong một báo cáo về các startup A.I tạo sinh được ghi nhận trong hệ thống dữ liệu của họ.
Tuy vậy, nhanh như tốc độ ra mắt của hàng loạt A.I tạo sinh theo sau ChatGPT, tăng trưởng người dùng của LovinBot chậm dần rồi chững lại nửa năm sau khi ra mắt khi đối mặt với sự cạnh tranh không chỉ đến từ startup khác mà còn đến từ chính những ứng dụng A.I. LovinBot đang đối mặt với xu hướng người đăng ký mới giảm, trong đó một tỉ lệ lớn người dùng không trả tiền. Đến nay, startup ghi nhận 50.000 người đăng ký, trong đó cứ 5 tài khoản thì sẽ có 1 tài khoản trả tiền sau khi sử dụng thử hoặc dùng hết giới hạn token.
Ngoài việc đào tạo A.I, ông Đặng Hữu Sơn còn đào tạo con người cách sử dụng A.I. Những trải nghiệm thực tế trong quá trình “thuần hóa” A.I để trở thành công cụ trợ giúp cho ngành tiếp thị được ông đưa vào tập huấn cho khách hàng, bao gồm cả doanh nghiệp lẫn cá nhân đơn lẻ. “ChatGPT có thể trả lời chính xác khoảng 60% nhưng nếu được huấn luyện đúng cách, độ chính xác có thể tăng lên 95%”, ông nói.
Một cách tình cờ, ông Sơn trở thành thầy dạy sử dụng A.I khi một doanh nghiệp sữa lớn ở miền Trung đặt hàng ông. “Họ muốn làm sao tăng năng suất lao động nhưng không phải chi thêm khoản tuyển dụng mới”, ông nhớ lại. Nhu cầu nâng cấp (upskill) và tái đào tạo (reskill) là có thực và nhu cầu đó đã đem đến cho ông Sơn 10 khách hàng doanh nghiệp, trong đó có những tập đoàn FDI lớn trong năm 2023.
Đến nay, LovinBot có một danh mục quyền truy cập từ nhiều nhà phát triển khác nhau như OpenAI (GPT-4), Google AI (PaLM 2). Ảnh: Quý Hòa. |
Nếu lớp học được may đo cho từng doanh nghiệp thường được tiến hành trực tiếp thì những buổi học cho quy mô 40-50 người đến 200 người được thực hiện online. Ông Sơn hướng dẫn chi tiết quá trình đặt câu lệnh và huấn luyện những A.I thông dụng như ChatGPT, Claude 3. Tuy vậy, “sau khi học xong, học viên thường có xu hướng sử dụng LovinBot vì tiện hơn”, ông kể.
Điều bất ngờ pha chút trớ trêu là nguồn thu không chủ định, với mỗi buổi học 4 tiếng có thể thu đến 200 triệu đồng, đang là nguồn thu chính để duy trì hoạt động cho startup mới hơn 1 năm tuổi vẫn đang trong giai đoạn “đốt tiền”.
... đến việc thay đổi một nghề truyền thống
“Chúng tôi đang trong quá trình tái định vị để trở thành trợ lý A.I trong giáo dục... Mô hình làm nội dung tiếp thị không có nhiều khả năng để phát triển”, CEO của LovinBot nói.
Thị trường EdTech tại Việt Nam, với quy mô ước tính 2 tỉ USD vào năm 2023, hiện có nhiều đơn vị như Unica, Kyna, Udemy với mô hình sàn giao dịch và tổ chức khóa học, tương tự như Shopee trong thương mại điện tử. Điều ông Sơn nhận ra còn thiếu trong chuỗi giá trị EdTech là hầu hết các nền tảng đều không đi vào mảng vận hành phía sau lớp học. Và đây là ngách mà LovinBot sẽ khai thác. Học viên của họ, không ai khác chính là những người đi làm muốn tăng năng suất lao động và có thu nhập để chi trả cho việc học. LovinBot nhắm đến việc đào tạo các con bot riêng cho những người làm giáo dục. Đó có thể là giáo viên đang có sẵn học viên, những người có ảnh hưởng trong cộng đồng hoặc người có chuyên môn để chia sẻ.
Với vị CEO sinh năm 1991, khởi nghiệp là một đam mê. Ông tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh từ Đại học Mở TP.HCM, từng bắt đầu startup đầu tiên mang tên Lovin vào năm 2015. Sau 4 năm, Lovin, nền tảng kết nối giữa nhà sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trong nước với người mua, dừng hoạt động vì đã không vận hành theo thiết kế ban đầu.
“Vấp ngã ở đâu, đứng lên ở đó”, ông Sơn giải thích về khoảng thời gian đi làm thuê sau đó tại 2 startup và một doanh nghiệp lớn trong ngành viễn thông, để tìm hiểu cách một doanh nghiệp thành công vận hành như thế nào. Điểm dừng chân cuối cùng của ông Sơn là FPT - tập đoàn công nghệ Việt Nam có 60.000 nhân viên. Ở đó, ông được trải nghiệm A.I thế hệ đầu dành cho khách hàng doanh nghiệp, đồng thời có những phác thảo đầu tiên về chân dung khách hàng.
Ông nhìn thấy cơ hội khởi nghiệp lại khi ChatGPT được công bố chính thức vào tháng 11/2022. Chỉ 1 tháng sau, ông đã nắm trong tay quyền truy cập OpenAI để khởi đầu LovinBot cùng 3 người đồng sáng lập. Việc LovinBot sớm gia nhập đường đua startup A.I tạo sinh vào tháng 3/2023 là nhờ ông đã kiên trì xin phép OpenAI hết lần này đến lần khác, lần đầu là vào năm 2020 (nhưng bị từ chối) và lần sau khi A.I của OpenAI được công bố.
Đến nay, LovinBot có một danh mục quyền truy cập từ nhiều nhà phát triển khác nhau như OpenAI (GPT-4), Google AI (PaLM 2). Đi theo con đường của một số startup về nội dung tại Mỹ như Jasper, LovinBot tiếp cận nhiều đối tác để tương lai không phụ thuộc vào các tập đoàn công nghệ lớn. Ông cũng là người duy nhất trong số 4 người làm việc toàn thời gian cho LovinBot, trong khi những người còn lại vẫn “chân trong chân ngoài” để đảm bảo dòng tiền cho một doanh nghiệp công nghệ non trẻ ít vốn trong giai đoạn đốt tiền.
Trong một ngành thay đổi nhanh chóng như công nghệ A.I, họ gặp khó khăn trong việc duy trì sự ổn định trong một thời gian dài khoảng 5 năm. Bằng chứng rõ nhất là việc phải tái định vị sản phẩm và khách hàng mục tiêu ngay tại năm thứ 2.
“Rủi ro lớn nhất là bản thân tôi và cộng sự bị mất niềm tin và không còn tin tưởng vào tầm nhìn”, ông nói. Điều ông Sơn chia sẻ về nhân sự có lẽ cũng là rủi ro chung của startup, những doanh nghiệp quan trọng tốc độ với đội ngũ nhỏ gọn chỉ 5-6 người so với mô hình truyền thống khoảng 20 người trước kia.
Mô hình LovinBot cho phép ông kiếm tiền từ A.I. Nhưng ông muốn nhiều người có thể kiếm tiền từ A.I hơn nữa và đó là khi ông mở rộng mô hình đại lý và người dùng giới thiệu để hưởng hoa hồng. “Chúng tôi đặt mục tiêu năm 2024 có 1.000 nhà sản xuất chạy liên kết và 100 đại lý trên toàn quốc”, ông Sơn cho biết.
Sau giáo dục có lẽ sẽ là ngành lập trình và y tế. “Chúng tôi đã thành công với ngành tiếp thị và sẽ áp dụng công thức huấn luyện tương tự ở những ngành có tiềm năng khác. Chúng tôi muốn dùng công nghệ để thay đổi một nghề truyền thống”, ông Sơn nói.
Nguồn: Nhipcaudautu