“Trung Quốc vẫn là nhà cung ứng lớn của thế giới, phân ly là bất khả thi”
Trung Quốc vẫn là một nhà cung ứng đặc biệt quan trọng của thế giới và những nỗ lực nhằm phân ly (decouple) hoàn toàn khỏi Trung Quốc vẫn là một việc “khó, nếu không muốn nói là bất khả thi” - theo một báo cáo thương mại của công ty bảo hiểm tín dụng thương mại Allianz Trade.
Báo cáo trên cho biết mặc cuộc thảo luận sôi nổi về phân ly và giảm rủi ro (derisk) bằng cách giảm hiện diện ở Trung Quốc, doanh nghiệp châu Âu nói chung vẫn lạc quan về triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Gần 40% doanh nghiệp Đức và Tây Ban Nha, cùng hơn 30% doanh nghiệp Pháp dự báo dấu ấn chuỗi cung ứng của họ ở Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng lên.
Trong khi đó, cũng theo báo cáo của Allianz Trade, tỷ lệ công ty Mỹ được khảo sát cho biết có kế hoạch mở rộng hoạt động ở Trung Quốc chỉ là 27%.
“Rõ ràng, các công ty châu Âu ít lo ngại hơn so với doanh nghiệp Mỹ”, báo cáo có đoạn viết.
Cuộc khảo sát của Allianz Trade có sự tham gia của hơn 3.000 công ty ở Trung Quốc, Pháp, Đức, Italy, Ba Lan, Tây Ban Nha, Anh và Mỹ. Chủ đề chính của cuộc khảo sát là triển vọng thương mại toàn cầu năm 2024.
Hơn 1/3 số công ty tham gia cuộc khảo sát này cho biết có kế hoạch tăng dấu ấn ở Trung Quốc, chỉ 11% nói sẽ giảm. “Trung Quốc vẫn là nhà cung ứng đặc biệt quan trọng của thế giới, nên việc phân ly hoàn toàn khỏi Trung Quốc có vẻ là khó, nếu không muốn nói là bất khả thi”, báo cáo có đoạn viết.
Trong khi đó ở Trung Quốc, các công ty đang trở nên lạc quan hơn về việc xuất khẩu hàng hoá sáng các quốc gia khác. Hơn 1/10 số công ty ở Trung Quốc dự báo tăng trưởng xuất khẩu sẽ đạt hơn 10% trong năm nay. Mức tăng dự báo này cao hơn so với kỳ vọng về tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp ở các quốc gia khác, chủ yếu dao động từ 2-5% - theo báo cáo.
“Các nhà xuất khẩu ở Trung Quốc lạc quan hơn so với ở các quốc gia khác trong cuộc khảo sát này”, nhà kinh tế cấp cao Francoise Huang của Allianz Trade nhận định. “Năm ngoái là một năm tồi tệ đối với xuất khẩu nói chung. Suy thoái thương mại toàn cầu đã xảy ra. Đó là một phần lý do vì sao các doanh nghiệp tham gia khảo sát của chúng tôi năm nay đặc biệt lạc quan”, ông Huang nói với CNBC.
Dù các công ty có thể sẽ không phân ly hoàn toàn chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, việc đa dạng hoá vẫn đang được triển khai. “Các công ty muốn đa dạng chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc đang tìm tới các điểm đến khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với trọng tâm hướng tới Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)”, ông Huang cho hay.
Báo cáo cho thấy các nhà xuất khẩu tuy lạc quan hơn về năm 2024 nhưng cũng lo ngại hơn về bối cảnh địa chính trị, cũng như về những rủi ro liên quan tới tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào, nhân công và tiền vốn.
Khoảng 73% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết những rủi ro liên quan đến địa chính trị và chủ nghĩa bảo hộ thương mại là mối lo lớn nhất của họ. Các nhà xuất khẩu vẫn lo ngại về khả năng gián đoạn chuỗi cung ứng, với “31% doanh nghiệp được khảo sát nói rằng rủi ro về vận tải hàng hoá nằm trong top 3 rủi ro lớn nhất đối với họ và 28% đề cập đến rủi ro về thiếu đầu vào”.
Khoảng 48% các nhà xuất khẩu Mỹ sản xuất ở Trung Quốc hoặc có nhà cung ứng ở Trung Quốc cho biết họ sẽ cân nhắc các quốc gia khác ở châu Á và Mỹ Latin để đa dạng hoá địa chỉ sản xuất.
“Dịch chuyển sản xuất trong cùng một khu vực và dịch chuyển sản xuất về gần chính quốc (nearshoring) có vẻ đang là những xu hướng được ưa chuộng”, báo cáo viết, và cho biết thêm rằng chỉ 5% cho rằng xu hướng dịch chuyển sản xuất về gần hoặc dịch chuyển sản xuất về chính quốc (reshoring) sẽ đảo ngược trong 2 năm tới. Khoảng 30% cho rằng xu hướng này sẽ tiếp tục tăng.
Chiến tranh Nga-Ukraine tiếp tục là rủi ro địa chính trị lớn nhất mà các công ty cho là sẽ gây áp lực lên chuỗi cung ứng, trong khi chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được nhận diện là rủi ro lớn nhất đối với các doanh nghiệp có chuỗi cung ứng dài và hơn 50% hoạt động sản xuất đặt ở nước ngoài.
Nguồn: TBKTVN