Quay lại

“Đau đầu” chuyện người trẻ thất nghiệp ở Trung Quốc

Tony Bie đã tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc với tấm bằng cử nhân cách đây 2 năm nhưng hiện vẫn thất nghiệp và sống cùng bố mẹ. “Đôi khi tôi tự hỏi tại sao mình lại học đại học”, anh nói, “Nếu tôi đi làm ngay sau khi tốt nghiệp trung học, thì bây giờ tôi đã là người quản lý”.

Chàng trai 23 tuổi cho biết anh muốn học lên cao hơn, lấy bằng sau đại học, với hy vọng sẽ tăng cơ hội kiếm được việc làm. Tuy nhiên, sự cạnh tranh vào các trường rất khốc liệt và anh đã ba lần trượt kỳ thi tuyển sinh của khóa học. “Tôi không biết liệu tôi có thể vượt qua kỳ thi hay không nữa”, Bie tâm sự.

LAO ĐỘNG TRẺ THẤT NGHIỆP NHIỀU CHƯA TỪNG THẤY
The trang Abc.net.au, Tony Bie là một trong khoảng 30 triệu thanh niên thất nghiệp ở Trung Quốc. Số liệu được Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 16/5 cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm 16-24 tuổi đã tăng lên mức kỷ lục 20,4% trong tháng 4, cao hơn đáng kể so với vài tháng trước cũng như mức 13% được duy trì trong suốt năm 2019.

Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng bất chấp việc Trung Quốc đã chấm dứt chính sách “Zero Covid” vào đầu năm nay. Con số này cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Mỹ là 7,5% và 7,8% ở Australia vào tháng 3.

Tiến sĩ Tao Yu, giảng viên cao cấp về Trung Quốc tại Đại học Tây Australia cho biết giới trẻ Trung Quốc thường tin rằng có nền tảng giáo dục tốt khi ra trường sẽ kiếm được công việc với mức lương cao. Tuy nhiên, thực tế là những khó khăn kinh tế của Trung Quốc khiến cho cơ hội việc làm với sinh viên tốt nghiệp đại học trở nên ít hơn.

“Có sự mất cân bằng giữa những kỹ năng mà sinh viên tốt nghiệp đại học hiện có sau khi tốt nghiệp và nhu cầu của thị trường” Tiến sĩ Tao nói, “Họ nhận thấy rằng bản thân bằng tốt nghiệp không đảm bảo cho họ một công việc tốt hay dễ dàng, và đó là lúc họ bị dao động”.

Vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với lạm phát cao, nền kinh tế Trung Quốc cũng đang phải đối phó với chi phí sinh hoạt tăng cao. Trong thị trường việc làm khó khăn hiện nay, một số thanh niên Trung Quốc đang tìm cách lập các gian hàng ở chợ đêm để tránh văn hóa làm việc “996” (nghĩa là làm việc từ 9h sáng đến 9h tối suốt 6 ngày mỗi tuần) và để trang trải cuộc sống.

Tuy nhiên, nhiều người trẻ khác dựa vào sự chu cấp của gia đình để sống qua ngày, vì không có khoản trợ cấp nào cho thanh niên thất nghiệp ở Trung Quốc.

Giống như Tony Bie, Tina Li - một sinh viên 24 tuổi tốt nghiệp đại học về truyền thông - hiện cũng đang thất nghiệp và “ăn bám” bố mẹ gần hai năm. “Việc học đại học của tôi không mang lại cho tôi nhiều lợi thế so với những người có kỹ năng, vì tôi thiếu kinh nghiệm”, cô Li nói, “Bây giờ tôi hơi hối hận, xét cho cùng, công việc thực sự rất khó kiếm”.

Dữ liệu từ Bộ Giáo dục Trung Quốc cho thấy có hơn 10 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học vào năm ngoái và dự kiến sẽ có thêm 11,6 triệu người ra trường trong năm nay.

CẢM THẤY CÓ LỖI
Trong khi đó, việc Trung Quốc siết chặt kiểm soát với các lĩnh vực công nghệ, giáo dục và bất động sản cũng khiến số lượng lớn nhân viên trong các ngành này mất việc làm. Nhiều gã khổng lồ công nghệ đã sa thải hàng nghìn nhân viên. Trong đó, Alibaba đã sa thải ít nhất 19.000 người vào năm ngoái.

Alan Rong làm việc cho một nhà phát triển bất động sản ở tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, và bất ngờ bị sa thải hồi tháng 2 vừa qua. Nhưng điều đó không làm anh ngạc nhiên. Chàng trai 26 tuổi, có bằng quản lý kỹ thuật, cho biết sự suy giảm nghiêm trọng của thị trường bất động sản trong ba năm qua đã gây ra tình trạng mất việc làm. “Áp lực đè nặng lên các công ty bất động sản khi căn hộ không bán được. Do đó, công ty không đủ khả năng trả lương cho nhiều nhân viên vì vấn đề về dòng tiền”, anh Rong phân tích.

Anh Rong hiện đã thất nghiệp được hai tháng và đang sống dựa vào số tiền chi trả từ trợ cấp cho thôi việc. Rong nói rằng anh không thể tìm được một công việc mới trong “một thị trường việc làm khốc liệt như vậy”.

“Cha mẹ tôi thỉnh thoảng nói rằng những người không học đại học hiện đang làm việc tại các công trường xây dựng lại có thể kiếm được hơn 10.000 Nhân dân tệ (2.000 USD) mỗi tháng. Họ thắc mắc tại sao tôi thậm chí không thể tìm được một công việc tốt”, Rong chua chát nói.

Rong cho biết anh cảm thấy lo lắng về tình trạng này, rằng “không có tương lai” cho anh và việc học đại học của anh đã bị “lãng phí”.

Giáo sư tại Đại học Sydney Hans Hendrischke cho rằng, tác động của chính sách “Zero Covid” đối với khu vực tư nhân và những người trẻ tuổi là rất đáng kể và đặt ra một số “câu hỏi đáng lo ngại”. “Chính sách đó ảnh hưởng đến giới trẻ ở Trung Quốc, những người đang cố gắng tìm kiếm vị trí của họ trong xã hội, và theo quan sát của tôi thì thực sự chưa có giải pháp nào trong ngắn hạn”, Giáo sư Hendrischke nói.

Vấn đề thất nghiệp ở Trung Quốc đã khiến những người trẻ tuổi bày tỏ sự lo lắng của họ trên mạng xã hội, nơi nhiều người so sánh họ với “Kong Yiji” - một nhân vật văn học cổ điển của Trung Quốc, người có học thức cao nhưng không muốn làm công việc chân tay trong thời kỳ suy thoái kinh tế.

Anh Bie cho biết hiện tượng Kong Yiji phản ánh cảm xúc thực sự của những người trẻ Trung Quốc như anh: bị cô lập khỏi xã hội và việc không thể kiếm được việc làm khiến anh “rất lo lắng”.

Theo Bie, tình cảnh thất nghiệp khiến anh cảm thấy “rất có lỗi” với cha mẹ mình. “Tôi mong họ sẽ gây áp lực cho tôi. Bố mẹ tôi không căng thẳng về bất cứ điều gì. Họ nói với tôi rằng mọi chuyện vẫn ổn. Càng được an ủi, tôi càng cảm thấy có lỗi với bố mẹ”, anh Bie chia sẻ.

Nguồn: TBKTVN