Quan chức kinh tế hàng đầu EU: Châu Âu đang bị cuốn vào "cuộc khủng hoảng kép"
Trả lời phỏng vấn đài CNBC vào ngày 2/9, ông Paolo Gentiloni, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) cho rằng: "Tôi nghĩ chúng tôi đang phải đối mặt với tác động của cuộc khủng hoảng kép". Quan điểm này được ông Gentiloni đưa ra khi đề cập đến tác động địa chính trị từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine và tác động kinh tế của nó đến châu Âu.
"Từ quan điểm địa chính trị, [cuộc khủng hoảng] tất nhiên cũng ảnh hưởng đến Mỹ và toàn thế giới, nhưng xét về góc độ kinh tế, nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến châu Âu và Đức nói riêng", ông Gentiloni nhấn mạnh.
Việc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2 năm ngoái đã làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng ở châu Âu rằng khu vực này sẽ rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế đáng kể.
Tuy nhiên, châu Âu cho đến nay vẫn có thể đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng thay thế và một số chính phủ ở khu vực này đã có thể trợ cấp cho người tiêu dùng đang phải đối mặt với chi phí năng lượng tăng cao.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đạt tăng trưởng 3,5% trong năm 2022. Tổ chức này dự báo Eurozone sẽ đạt tăng trưởng 0,8% trong năm 2023 và 1,4% trong năm 2024.
"Chúng tôi đã có một năm 2022 xuất sắc, tăng trưởng cao hơn Mỹ và Trung Quốc", ông Gentiloni nhận xét. "Sự chững lại xuất hiện từ quý cuối cùng của năm 2022 và nó vẫn tiếp diễn, nhưng không nên gọi đó là cuộc suy thoái, bởi vì tôi nghĩ chúng tôi có thể tránh được một cuộc suy thoái, chúng tôi đang tránh suy thoái", Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU nhận định.
Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp cao nhất của EU, dự kiến công bố các dự báo kinh tế mới cho toàn khu vực vào ngày 11/9. Theo đó, họ sẽ đưa ra đánh giá về bức tranh tăng trưởng trong khu vực.
Số liệu kinh tế gần đây đã làm dấy lên mối lo ngại về sự chững lại của kinh tế châu Âu. Đơn cử, hoạt động sản xuất kinh doanh ở châu lục này đã suy giảm trong tháng 8, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020.
Cụ thể, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Eurozone trong tháng 8 đã giảm còn 47,0 điểm, từ mức 48,6 trong tháng 7. Theo Dow Jones, kết quả tháng 8 thấp hơn mức kỳ vọng của các nhà kinh tế là 48,8.
Ông Cyrus de la Rubia, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng thương mại Hamburg, cho rằng lĩnh vực dịch vụ của khu vực Eurozone "đang cho thấy dấu hiệu suy thoái cùng chiều với sự kém hiệu quả của ngành sản xuất chế tạo".
Xét theo lĩnh vực, chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ của Eurozone đã giảm xuống mức thấp nhất trong 30 tháng qua do chỉ đạt 48,3 điểm, trong khi chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất chế tạo nhích nhẹ từ 42,7 trong tháng 7 lên 43,7 trong tháng 8.
"Từ các số liệu PMI trong bức tranh [tăng trưởng] GDP hiện tại, chúng tôi dự đoán rằng kinh tế khu vực đồng euro sẽ suy giảm 0,2% trong quý III (năm 2023 - BTV)", ông Rubia nói thêm.
Mặc dù lạm phát ở châu Âu có chiều hướng giảm bớt trong những tháng gần đây, nhưng số liệu mới nhất cho thấy lạm phát chung trong tháng 8 vẫn "ổn định" so với tháng trước, ở mức 5,3%. Tuy có giảm so với đầu năm, nhưng lạm phát hiện vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
"Tại sao sau khi phục hồi mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19, nền kinh tế của chúng tôi lại chững lại? Tôi nghĩ là vì thách thức để đạt được sự độc lập về năng lượng, vốn rất tốn kém cho các hội gia đình và đẩy lạm phát lên cao", Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU lý giải.
Nguồn: Báo Đầu tư