Quay lại

“Điềm xấu” kinh tế châu Âu: Cung tiền giảm lần đầu tiên sau 13 năm

Cung tiền ở khu vực sử dùng đồng tiền chung châu Âu Euro (Eurozone) giảm lần đầu tiên kể từ năm 2010 trong bối cảnh hoạt động cho vay đối với khu vực tư nhân trì trệ và lượng tiền gửi giảm sút. Các nhà kinh tế học cảnh báo tình trạng thắt chặt tài chính này sẽ dẫn tới sự giảm tốc sâu hơn của nền kinh tế trong thời gian tới - theo tờ Financial Times.

Cung tiền là một trong những thông số chủ chốt mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) theo dõi để kiểm tra ảnh hưởng của chính sách tiền tệ thắt chặt mà họ đang theo đuổi để chống lạm phát. Khi hoạt động cho vay giảm sút và lượng tiền gửi ngắn hạn co lại, hoạt động kinh tế sẽ giảm tốc theo và áp lực lạm phát cũng dịu đi.

Số liệu mới nhất sẽ là một căn cứ trong cuộc tranh luận của Hội đồng Thống đốc ECB về việc có nên tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo của ECB vào ngày 14/9 tới. Đến nay, ECB đã có 9 lần tăng lãi suất liên tiếp không nghỉ kể từ khi chiến dịch thắt chặt khởi động vào tháng 7/2022.

Những nhà hoạch định chính sách tiền tệ có quan điểm mềm mỏng hơn của ECB nói rằng lạm phát đang giảm và việc tiếp tục tăng lãi suất có nguy cơ dẫn tới một cuộc suy thoái tốn kém và không cần thiết. Tuy nhiên, những người có quan điểm “diều hâu” lập luận rằng mức lạm phát 5,3% trong tháng 7 là vẫn còn quá cao so với mục tiêu 2% mà ECB đề ra.

Về phần mình, giới chuyên gia kinh tế nhận định việc ra quyết định của ECB trong cuộc họp tới giống như “tung đồng xu” - tuỳ thuộc nhiều vào lạm phát giảm bao nhiêu trong tháng 8. Báo cáo lạm phát tháng 8 của Eurozone dự kiến sẽ được công bố vào ngày thứ Năm tuần này.

M3 - thước đo của ECB về tổng cung tiền trong hệ thống Eurozone, bao gồm tiền gửi, các khoản vay, tiền mặt trong lưu thông và trong các công cụ tài chính - đã giảm 0,4% trong kỳ 1 năm tính đến hết tháng 7, sau khi tăng 0,6% trong kỳ 1 năm tính đến hết tháng 6, theo số liệu được ECB công bố ngày 29/8.

Các nhà kinh tế học nhận định dữ liệu này cho thấy rằng chiến dịch tăng lãi suất chưa từng có tiền lệ của ECB, đưa lãi suất tiền gửi cơ bản từ âm 0,5% lên 3,75%, cũng như việc ECB cắt giảm quy mô bảng cân đối kế toán đang phát huy tác dụng như mong muốn trong việc chống lạm phát. Điều này làm gia tăng khả năng ECB dừng tăng lãi suất  trong cuộc họp tháng 9.

“Về phía tài sản trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng thương mại, mọi thứ đang xấu vì tăng trưởng tín dụng sụt mạnh, đối với cả khách hàng doanh nghiệp và nhất là đối với các hộ gia định”, trưởng nghiên cứu của công ty Pictet Wealth Management, ông Frederik Ducrozet, nhận định. Vị chuyên gia cho rằng đây là “một nét đặc trưng, chứ không phải là một lỗi, của chính sách tiền tệ” và đồng nghĩa với việc “ECB có thể sớm dừng việc tăng lãi suất”.

Nguyên nhân chính khiến cung tiền trong Eurozone giảm lần đầu tiên trong 13 năm là sự sụt giảm trong tốc độ tăng trưởng cho vay cả năm đối với khu vực kinh tế tư nhân còn 1,6%, mức thấp nhất kể từ năm 2016. Cho vay đối với chính phủ giảm 2,7%, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2007.

“Tăng trưởng hàng năm trong hoạt động cho vay của các ngân hàng tiếp tục giảm nhanh. Sự suy giảm này được thúc đẩy bởi đà giảm mạnh mẽ trong nhu cầu vay của khu vực doanh nghiệp và xu hướng giảm đều trong nhu cầu vay của hộ gia đình, chủ yếu là vay thế chấp nhà”, chuyên gia kinh tế Bert Colijn của ngân hàng ING nhận định.

Doanh nghiệp và hộ gia đình trong Eurozone đã rút các khoản tiền gửi qua đêm với tốc độ kỷ lục, khiến lượng tiền gửi qua đêm giảm 10,5% trong 1 năm tính đến hết tháng 7. Điều này phản ánh sự dịch chuyển sang những tài khoản tiền gửi lãi suất cố định mang lại lợi tức cao hơn - hạng mục ghi nhận sự tăng trưởng 85% trong cùng khoảng thời gian.

Tổng tiền gửi -  bao gồm tiền gửi của các cơ quan chính phủ, định chế tài chính, doanh nghiệp và hộ gia đình - giảm kỷ lục 1,6% trong 1 năm tính đến cuối tháng 7.

“Với hoạt động kinh tế đã rơi vào trì trệ ở thời điểm này, chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ đóng góp vào một môi trường kinh tế yếu ớt trong những quý sắp tới”, ông Colijn nhận định.

Quý 2 năm nay, kinh tế Eurozone tăng trưởng 0,3% so với quý trước, sau khi suy giảm trong quý 4/2022 và quý 1/2023. Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy khả năng nền kinh tế này lại rơi vào trạng thái suy giảm trong quý 3.

Nguồn: TBKTVN