Nước đầu tiên trên thế giới áp thuế phát thải gần 100 USD/con bò
Chính phủ Đan Mạch vừa quyết định đưa vào áp dụng thuế phát thải carbn đầu tiên trên thế giới đối với lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, từ năm 2030, nông dân Đan Mạch sẽ phải nộp mức thuế hàng năm là 672 krone (tương đương 96 USD) với mỗi con gia súc mà họ sở hữu.
Đan Mạch là nước xuất khẩu thị lợn và sữa lớn, do đó, nông nghiệp là nguồn phát thải carbon lớn nhất tại quốc gia này.
Cùng với quyết định về thuế phát thải, Đan Mạch cũng sẽ đầu tư 40 tỷ krone (3,7 tỷ USD) cho các biện pháp như trồng rừng và xây dựng vùng ngập nước để đạt các mục tiêu về khí hậu.
“Với quyết định ngày hôm nay, chúng tôi sẽ đầu tư nhiều tỷ USD vào kế hoạch chuyển đổi quy mô lớn nhất với cảnh quan đất nước trong giai đoạn gần đây ở Đan Mạch”, Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen cho biết trong một phát biểu ngày 25/6. “Đồng thời, chúng tôi cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp thuế carbon với lĩnh vực nông nghiệp”.
Ngành công nghiệp sản xuất sữa nhìn chung ủng hộ quyết định trên, nhưng nông dân nuôi bò tỏ ra bức xúc. Quyết định được đưa chỉ vài tháng sau làn sóng biểu tình của nông dân trên khắp châu Âu, khi nông dân chặn đường phố bằng máy xúc và ném trứng vào tòa nhà Nghị viện châu Âu do nhiều khiếu nại của họ vẫn chưa được giải quyết. Những khiếu nại bao gồm phản đối các quy định về môi trường và tình trạng quan liêu.
Trên thực tế, hệ thống lương thực toàn cầu là một tác nhân lớn góp phần vào cuộc khủng hoảng khí hậu khi chiếm khoảng 1/3 tổng lượng phát thải khí nhà kính. Trong đó, hoạt động chăn nuôi gia súc chiếm khoảng 12% lượng phát thải toàn cầu vào năm 2015 – theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) của Liên hợp quốc (UN). Một phần của lượng phát thải này đến từ khí mê-tan - một loại khí làm trái đất nóng lên – do bò và một số loại gia súc khác thải ra.
Quốc hội Đan Mạch dự kiến thông qua thuế phát thải trên vào cuối năm nay. Từ năm 2030, mức thuế là 300 krone (43 USD)/tấn phát thải khí tương đương với CO2 từ gia súc, và tăng lên thành 850 krone (107 USD) từ năm 2035. Tuy nhiên, trên thực tế, với mức giảm thuế 60%, nông dân sẽ chỉ phải nộp 120 krone (17 USD)/tấn phát thải từ gia súc từ năm 2030, và tăng lên 300 krone (43 USD) vào năm 2035.
Theo viện nghiên cứu môi trường Concito, trung bình, bò sữa tại Đan Mạch – chiếm phần lớn đàn gia súc tại nước này – thải ra khoảng 5,6 tấn khí tương đương CO2 mỗi năm. Theo đó, mức thuế sau giảm sẽ tương đương 96 USD/con bò mỗi năm từ năm 2030 và tăng lên thành 241 USD vào năm 2035.
Trong 2 năm đầu tiên, tiền thuế thu được sẽ được dùng để hỗ trợ quá trình dịch chuyển xanh của ngành nông nghiệp và sau đó sẽ được đánh giá lại để dùng cho các mục đích khác.
“Mục đích lớn nhất của loại thuế này là để thúc đẩy ngành này tìm kiếm các giải pháp giảm phát thải”, nhà kinh tế trưởng Torsten Hasforth của Concito nói với CNN. “Ví dụ, nông dân có thể thay đổi loại nguyên liệu dùng để nuôi bò”.
Tuy nhiên, tổ chức Bæredygtigt Landbrug đại diện cho nông dân Đan Mạch cho rằng các biện pháp trên là “một cuộc thử nghiệm đáng sợ”.
“Chúng tôi tin rằng các biện pháp trên đơn thuần là sự quan liêu”, chủ tịch của Bæredygtigt Landbrug, ông Peter Kiær nói trong một phát biểu. “Chúng tôi thừa nhận rằng có vấn đề về khí hậu, nhưng chúng tôi không tin rằng các biện pháp đó sẽ giải quyết được vấn đề, bởi việc này giống như ‘thọc gậy bánh xe’ vào cỗ máy đầu tư xanh của ngành nông nghiệp”.
Ông Peder Tuborgh, CEO của Arla Foods – tập đoàn sữa lớn nhất châu Âu – cho rằng các biện pháp trên là “tích cực”, nhưng những nông dân “thực sự làm mọi thứ có thể để giảm phát thải không nên bị đánh thuế”.
“Điều quan trọng là cơ sở để đánh thuế phải là lượng khí thải”, ông Tuborgh nói.
Nguồn: TBKTVN