Mối lo về khối nợ công khổng lồ của Mỹ
Trong bối cảnh Quốc hội Mỹ đứng trước nhu cầu chi tiêu ngày càng lớn cho quốc phòng và các chương trình an sinh xã hội, Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) cảnh báo đến năm 2034, nợ chính phủ liên bang nước này sẽ lên tới mức tương đương hơn 122% tổng sản phẩm trong nước (GDP), cao nhất kể từ thời hậu Chiến tranh Thế giới II.
Sự gia tăng không ngừng của khối nợ vốn dĩ đã khổng lồ của Mỹ khiến giới chuyên gia lên tiếng cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn đối với hệ thống tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội (một cơ quan phi đảng phái thuộc Quốc hội Mỹ) dự báo thâm hụt ngân sách của Chính phủ Mỹ sẽ tăng lên mức 1,9 nghìn tỷ USD trong năm tài khóa hiện tại và tiếp tục sẽ tăng lên mức 2,8 nghìn tỷ USD vào năm 2034. Từ năm 2025-2034, tổng thâm hụt ngân sách sẽ là 22,1 nghìn tỷ USD.
Đến năm 2034, khối nợ công của Mỹ (chỉ tính nợ do các nhà đầu tư nắm giữ và không tính đến nợ do chính các cơ quan, chương trình của Chính phủ nắm giữ) sẽ lên tới 50,7 nghìn tỷ USD, tương đương 122,4% GDP, từ mức 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương 97,3% GDP năm 2023.
Trong báo cáo đưa ra cách đây 4 tháng, CBO dự báo nợ công của Mỹ sẽ tăng lên mức 48,3 nghìn tỷ USD vào năm 2034, tương đương 116% GDP. Như vậy, trong lần cập nhật này, CBO nâng dự báo nợ công thêm 2,4 nghìn tỷ USD và hơn 6 điểm phần trăm GDP.
Theo ước tính của CBO, trong 10 năm tới, Mỹ sẽ phải chi tổng cộng hơn 12 nghìn tỷ USD cho việc trả lãi nợ vay. Từ năm 2025 trở đi, tỷ lệ tiền lãi ròng nợ liên bang so với GDP của Mỹ sẽ lớn hơn ở bất kỳ thời điểm nào kể từ khi Chính phủ nước này bắt đầu lưu trữ dữ liệu về nợ vào năm 1940.
Dự báo mới cập nhật làm gia tăng sự cấp bách đối với các nhà hoạch định chính sách của Mỹ trong năm 2025, cũng như sức ép đối với các ứng cử viên trong chiến dịch tranh cử tổng thống trước thềm cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay nhằm tìm ra các biện pháp để giải quyết vấn đề sức khoẻ của nền tài khoá quốc gia. Năm tới, nhiều biện pháp miễn thuế ở Mỹ sẽ hết hiệu lực, có thể dẫn tới việc tăng thuế mạnh đối với các cá nhân và hộ gia đình. Cùng với đó, quyết định đình chỉ trần nợ quốc gia mà Quốc hội Mỹ đưa ra vào năm 2023 cũng hết hiệu lực. Tất cả đều mở đường cho một cuộc đấu mới giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hoà về chi tiêu liên bang.
Ngoài ra, chương trình chăm sóc y tế Medicare và an sinh xã hội Social Security đều đang vận hành với mức ngân sách thấp, có thể dẫn tới bắt buộc phải cắt giảm chế độ đối với hàng chục triệu người Mỹ khi nợ công ngày càng lớn.
Nợ công chồng chất của Mỹ có nguyên nhân từ cả hai đảng, chi tiêu liên bang đã tăng mạnh dưới cả thời Tổng thống Joe Biden (một người Dân chủ) và người tiền nhiệm của ông Biden là Donald Trump (một thành viên Đảng Cộng hoà). Chương trình cắt giảm thuế hồi năm 2017 của ông Trump dự kiến hết hạn vào năm tới, đã khiến nợ liên bang tăng thêm gần 2 nghìn tỷ USD, theo một ước tính của CBO.
THIẾU KẾ HOẠCH TĂNG THU, GIẢM CHI
Trong chiến dịch tái tranh cử hiện nay, ông Trump cũng đã đề xuất gia hạn tất cả các hạng mục của chương trình giảm thuế này, và nếu điều đó trở thành hiện thực, việc giảm thuế này sẽ khiến khối nợ liên bang tăng thêm hàng nghìn tỷ USD nữa. Ông Biden thì muốn giữ thuế suất thấp cho những người có thu nhập ít hơn 400.000 USD/năm, đồng thời bù đắp cho việc tăng chi tiêu an sinh xã hội bằng cách để cho một số biện pháp cắt giảm thuế tự động hết hạn.
“Ở thời điểm hiện tại, chúng ta nên tìm cách giảm chi và tăng thu. Trong khi đó, chương trình nghị sự quốc gia lại đầy rẫy những cuộc thảo luận về các biện pháp cắt giảm thuế mạnh tay mới và các kế hoạch chi tiêu khổng lồ mới”, bà Maya MacGuineas, Chủ tịch Ủy ban Ngân sách liên bang có trách nhiệm (một cơ quan phi đảng phái), nhận định với tờ báo Washington Post. “Những rủi ro từ khối nợ khổng lồ đang lớn thêm này là rất rộng, từ khiến tăng trưởng kinh tế giảm tốc cho tới kéo tụt thu nhập, từ việc mất khả năng để ứng phó với các tình huống khẩn cấp, làm suy yếu vai trò của nước Mỹ trên trường quốc tế. Không gì có thể cấp bách hơn, nhưng chẳng ai trong số các nhà lãnh đạo của chúng ta có một kế hoạch để giải quyết vấn đề đáng lo ngại này”.
Gánh nặng nợ nần của Chính phủ Mỹ có thể đặt ra rủi ro đối với thị trường trái phiếu, khi nhà đầu tư ngày càng trở nên hoài nghi về khả năng của Washington trong việc thực hiện đúng, đủ và kịp thời các nghĩa vụ nợ. Số dư nợ lớn cũng có thể giữ lãi suất đi vay của Chính phủ Mỹ ở mức cao, buộc các nhà hoạch định chính sách phải dùng tới một phần lớn hơn trong thu ngân sách từ thuế để phục vụ cho việc trả lãi nợ công. Theo dự báo, trong năm tài khoá 2024 kết thúc vào ngày 30/9 năm nay, tiền lãi mà Chính phủ Mỹ phải trả sẽ vượt qua cả ngân sách quốc phòng vốn dĩ rất lớn của nước này. Lãi suất ở Mỹ đã tăng mạnh trong những năm gần đây khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng nợ công của nước này hiện ở mức 34,7 nghìn tỷ USD. Phần lớn số nợ này (khoảng 27,6 nghìn tỷ USD) là trái phiếu kho bạc do các nhà đầu tư nắm giữ và nằm ở các công cụ đi vay khác. Phần còn lại 7,1 nghìn tỷ của nợ Chính phủ Mỹ được nắm giữ bởi chính các chương trình của Chính phủ như Social Security và Medicare, nhưng các chương trình này thậm chí còn tiêu nhiều tiền ngân sách hơn số tiền cho Chính phủ vay.
“Một ảnh hưởng tiêu cực của lãi suất cao là làm gia tăng chi phí lãi vay của khối nợ khổng lồ, dẫn tới việc phải vay nợ thêm”, CEO Michael A. Peterson của Quỹ Peter G. Peterson, một tổ chức nghiên cứu về ngân sách phi đảng phái, nhận định.
RỦI RO NỢ NẦN NẾU ÔNG TRUMP TÁI ĐẮC CỬ
Dự báo mới nhất của CBO về mức thâm hụt ngân sách Chính phủ Mỹ trong tài khóa 2024 tăng 27% so với dự báo đưa ra tháng 2/2024, chủ yếu do các đạo luật chi tiêu mới được thông qua. Kể từ tháng 2 tới nay, Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn 1,7 nghìn tỷ USD chi tiêu, đảo ngược một biện pháp kích hoạt thắt lưng buộc bụng tự động. Nếu được kích hoạt, biện pháp này yêu cầu cắt giảm 1% tất cả các khoản chi tiêu liên bang nếu Quốc hội chưa thông qua các đạo luật phân bổ ngân sách cho cả năm...
Nguồn: TBKTVN