Quay lại

Khủng hoảng sinh đẻ đang thay đổi các nền kinh tế lớn nhất thế giới

Nhiều năm qua, các nhà kinh tế học trên thế giới lo lắng rằng tỷ lệ sinh giảm, xã hội già hóa có thể thu hẹp lực lượng lao động, khiến lạm phát thêm trầm trọng, làm thay đổi văn hóa tiêu dùng mà các nền kinh tế phát triển đang phụ thuộc vào.

CUNG LAO ĐỘNG SỤT GIẢM NHANH CHÓNG

Theo một nghiên cứu mới của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tỷ lệ sinh giảm sẽ “làm thay đổi vĩnh viễn cấu trúc nhân khẩu học của các nền kinh tế lớn nhất thế giới” trong thập kỷ tới.

Nghiên cứu dự báo 2064 sẽ là năm đầu tiên trong lịch sử hiện đại tỷ lệ chết toàn cầu lớn hơn tỷ lệ sinh. Nhưng thực tế, điều này đã xảy ra tại các nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tổng tỷ suất sinh – số con sinh ra còn sống bình quân của một phụ nữ trong thời kỳ sinh đẻ – tại 38 nước thành viên OECD đã giảm xuống chỉ còn 1,5 con/phụ nữ vào năm 2022, từ mức 3,3 con vào năm 1960. Con số này thấp hơn “mức sinh thay thế” (replacement level) 2,1 cần thiết để đảm bảo dân số bền vững. Mức sinh thay thế là mức con trung bình mà một phụ nữ cần có để tái sinh sản dân số. Do đó, nguồn cung lao động tại nhiều quốc gia đang nhanh chóng sụt giảm.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), vào những năm 1960, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động/người về hưu toàn cầu là 6/1. Tỷ lệ này hiện là gần 3/1 và được dự báo sẽ giảm xuống còn 2/1 vào năm 2035.

Theo hãng tin CNN, tình trạng thiếu lao động là chủ đề nhận được sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp. Trong thập kỷ qua, lãnh đạo của các công ty niêm yết tại Mỹ đã có gần 7 nghìn lần đề cập tới tình trạng thiếu lao động tại các cuộc họp thông báo kết quả kinh doanh – theo một phân tích của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chi nhánh St. Louis tuần trước.

“Sự sụt giảm này dẫn tới tình trạng thiếu lao động, theo đó nâng cao khả năng đàm phán nâng lương của người lao động. Tất cả những điều này sau cùng sẽ dẫn tới lạm phát cao”, Simona Paravani-Mellinghoff, giám đốc tại tập đoàn quản lý quỹ đầu tư khổng lồ BlackRock, viết trong một phân tích vào năm ngoái.

Trước đây, lượng người nhập cư giúp bù đắp phần nào các vấn đề nhân khẩu học tại các nước phát triển. Tuy nhiên, dân số suy giảm giờ đây đã trở thành một hiện tượng toàn cầu.

“Điều này rất đáng lo bởi các nước phát triển có thể sẽ bắt đầu gặp khó khăn trong việc ‘nhập khẩu’ lao động từ những nơi vừa là nguồn lao động nhập cư vừa là nguồn hàng hóa của họ”, bà Paravani-Mellinghoff, nhận định.

Theo dự báo trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa Lancet, tới năm 2100, chỉ 6 quốc gia trên thế giới có đủ số lượng trẻ em để đảm bảo dân số ổn định là: Chad, Niger, Somalia, Samoa, Tonga và Tajikistan.

Bà Paravani-Mellinghoff khuyến nghị khách hàng của BlackRock đầu tư vào các trái phiếu có mối liên hệ với lạm phát, cũng như những loại hàng hóa nhạy cảm với lạm phát như năng lượng, thép công nghiệp, nông nghiệp và gia súc.

CHUẨN BỊ CHO TƯƠNG LAI ÍT TRẺ EM CHƯA TỪNG THẤY

Trên thế giới, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị gia đã chuẩn bị cho viễn cảnh thiếu trẻ em chưa từng thấy. Tỷ phú Elon Musk, hiện có 12 con, từng dự báo rằng tỷ lệ sinh giảm có thể khiến “nền văn minh chấm dứt không phải trong một vụ nổ địa cầu mà trong tã bỉm người già”.

Phát ngôn này có vẻ thậm xưng nhưng không hoàn toàn sai. Công ty P&G và Kimberly-Clark – hiện chiếm tổng cộng hơn 50% thị phần thị trường bỉm tại Mỹ – ghi nhận doanh thu bỉm trẻ em giảm mạnh trong những năm qua. Ngược lại, doanh thu bỉm người già lại là điểm sáng trên báo cáo tài chính.

Nhiều doanh nghiệp cũng đang chuyển hướng sang chú trọng vào nhóm khách hàng cao tuổi.

CEO của Nestlé, ông Mark Schneider, gần đây cho biết công ty đã chuyển hướng từ ưu tiên sản xuất sữa công thức cho trẻ sơ sinh sang sản xuất sữa dinh dưỡng dành cho người trên 50 tuổi.

Dụ báo, vào năm 2100, chỉ 6 quốc gia trên thế giới có đủ số lượng trẻ em để đảm bảo dân số ổn định là: Chad, Niger, Somalia, Samoa, Tonga và Tajikistan.

Dụ báo, vào năm 2100, chỉ 6 quốc gia trên thế giới có đủ số lượng trẻ em để đảm bảo dân số ổn định là: Chad, Niger, Somalia, Samoa, Tonga và Tajikistan.

Các chính phủ cũng đang cấp bách triển khai chương trình dân số nhằm ứng phó với tỷ lệ sinh giảm. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đầu năm nay thông báo kế hoạch thúc đẩy “vũ khí nhân khẩu học” thông qua các chương trình kiểm tra chức năng sinh sản và cho phép nghỉ thai sản lâu hơn. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây cũng cam kết rằng nếu tái đắc cử năm nay, thì ông sẽ ủng hô việc hỗ trợ cho trẻ em nhiều hơn nhằm tạo ra một thời kỳ bùng nổ dân số mới tại Mỹ.

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ, tỷ lệ sinh năm 2023 tại nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm xuống mức thấp kỷ lục, đảo ngược xu hướng tăng diễn ra ngắn ngủ trong đại dịch Covid-19. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) cũng dự báo tỷ lệ tử tại nước này sẽ vượt qua tỷ lệ sinh chỉ trong 15 năm tới.

“Những thông tin này ảnh hưởng tới dự báo về kinh tế cũng như dự toán ngân sách của CBO”, bà Molly Dahl, cố vấn cấp cao tại, CBO, cho biết. “Chúng ta đang chứng kiến chi tiêu gia tăng vào các chương trình như Medicare và An sinh Xã hội khi ngày càng nhiều người cao tuổi phụ thuộc vào các chương trình này. Và theo đó, ngày càng ít người lao động hơn so với những người hưởng phúc lợi từ các chương trình này”.

Theo khảo sát của Sở An sinh Xã hội Mỹ (SSA), chương trình An sinh Xã hội hiện chiếm tới 90% thu nhập của khoảng hơn 25% người cao tuổi ở Mỹ. Nếu không có sự can thiệp, quỹ tín thác An sinh Xã hội của Chính phủ Mỹ được dự báo sẽ cạn tiền vào giữa những năm 2030. Điều này đồng nghĩa người về hưu sẽ chỉ còn được hưởng một phần của các phúc lợi hiện tại.

TRÍ TUỆ NHÂN TẠO CÓ THỂ LÀ GIẢI PHÁP

Trong bối cảnh đó, nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ cho rằng gia tăng năng suất thông qua trí tuệ nhân tạo (AI) có thể là một giải pháp tiềm năng.

“Thực tế là chúng ta đang không có đủ trẻ em và tình trạng này đã kéo dài trong một thời gian đủ lâu đến mức dẫn tới một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học”, ông Eric Schmidt, cựu CEO kiêm chủ tịch Google, nhận xét tại một sự kiện năm ngoái. “Mọi dự báo đều cho rằng chúng ta sẽ thiếu lao động con người. Trong ít nhất 30 năm tới, chúng ta sẽ quá nhiều công việc nhưng không có đủ người làm”.

Theo ông, AI có thể giải quyết đáng kể tình trạng này. Một báo cáo mới đây của ngân hàng Goldman Sachs dự báo AI tạo sinh (generative AI) có thể giúp GDP toàn cầu tăng thêm tới 7% trong vòng 10 năm.

Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của AI với nền kinh tế toàn cầu.

Một nghiên cứu mới đây của các nhà phân tích tại Fed chi nhánh Richmond cho rằng AI có thể giúp tăng năng suất lao động thêm 1,5-18% trong thập kỷ tới

“Tuy nhiên, giải pháp dài hạn và bền vững để giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh giảm là thúc đẩy hơn nữa bình đẳng giới, phân chia công bằng giữa công việc và việc nuôi dưỡng trẻ. Điều này cũng đồng nghĩa phải có sự hỗ trợ tài chính nhiều hơn”, ông Stefano Scarpetta, giám đốc phụ trách tuyển dụng, lao động và các vấn đề xã hội của OECD, nói. “Hiện tại, các doanh nghiệp và chính phủ phải cần bị cho tương lai tỷ lệ sinh thấp chưa từng thấy”.

Nguồn: TBKTVN