Quay lại

Người Mỹ đổ xô sang châu Âu để mua gì?

Theo Hiệp hội bán lẻ Hoa Kỳ, những khách du lịch giàu có của Hoa Kỳ đã đến châu Âu để nghỉ dưỡng và vui chơi – một sự “trả thù” sau đại dịch khiến lượng đặt chỗ du lịch quốc tế tăng 200% trong mùa hè này so với năm 2022.

Và họ cũng bắt đầu mua sắm, mặc dù tỷ giá hối đoái đang chững lại. Điều này xảy ra ngay cả khi các thương hiệu xa xỉ báo cáo sự sụt giảm doanh số bán hàng ở Bắc Mỹ trong những tháng thu nhập gần đây - một dấu hiệu cho thấy những khách hàng số đông có thể cắt giảm chi tiêu chứ không phải nhóm người giàu có.

Michael Kliger, Giám đốc điều hành của nhà bán lẻ Đức Mytheresa cho biết: “Rất nhiều khách du lịch Mỹ đến châu Âu là để mua hàng xa xỉ. Đối với một số tiền mà các thương hiệu không nhìn thấy họ chi ra trên Đại lộ Madison, giờ đây họ thu về tại Đại lộ Montaigne”. Theo báo cáo Doanh số hàng hóa cao cấp toàn cầu tháng 8 của Bernstein, mùa hè này, người tiêu dùng Mỹ là động lực chính cho việc chi tiêu miễn thuế ở châu Âu, chiếm gần 25% thị phần. Họ là những người chi tiêu nhiều nhất trong khu vực cho mua sắm du lịch miễn thuế, tiếp theo là người tiêu dùng Trung Quốc.

Theo Vogue Business, nhiều người Mỹ lên kế hoạch đi du lịch nước ngoài vào mùa hè này hơn năm ngoái: 22% du khách Mỹ dự định bay quốc tế, tăng từ 14% vào năm 2022, theo đánh giá triển vọng mùa du lịch hè năm 2023 của Deloitte. Và nhiều chuyến đi đã lên kế hoạch đến châu Âu hơn, với 57% số người được hỏi lên kế hoạch cho một chuyến đi nghỉ ở châu Âu, tăng 8% vào năm 2022.

Bất chấp thời tiết nắng nóng của mùa hè châu Âu năm nay, du khách Mỹ đổ xô tới Paris để mua sắm.

Bất chấp thời tiết nắng nóng của mùa hè châu Âu năm nay, du khách Mỹ đổ xô tới Paris để mua sắm.

Trong khi đó, người Mỹ luôn có động lực chi tiêu khi du lịch nước ngoài. Công ty công nghệ Wise ước tính rằng người tiêu dùng Mỹ có thể tiết kiệm trung bình 9% khi mua túi xách, giày dép, quần áo và đồ trang sức xa xỉ tại châu Âu nhờ sự chênh lệch về giá giữa các địa phương, đặc biệt là đối với các thương hiệu của Pháp và Ý.

Giám đốc mua hàng của cửa hàng bách hóa Le Bon Marché Rive Gauche ở Paris, Catherine Newey, đã nhận thấy lượng người mua sắm ở Mỹ tăng lên trong mùa hè này. Cô nói: “Số lượng khách du lịch ghé thăm các cửa hàng tăng lên kể từ nhiều tháng nay và tỷ trọng chi tiêu đến từ du khách Mỹ trong doanh thu của chúng tôi cũng tăng lên. Xu hướng này đã được dự đoán trước nhưng chúng tôi không ngờ lại mạnh mẽ tới mức độ này”.

Bà Newey cho biết thêm rằng người tiêu dùng Mỹ đổ xô mua đồ trang sức để kỷ niệm “chuyến đi Paris”. Tại Madrid hay Milan, du khách có xu hướng tìm mua các mẫu túi xách đắt đỏ. Còn tại các cửa hàng ở Geneva, nhiều phụ nữ Mỹ đã mua váy của Max Mara và Zimmermann để phù hợp với xu hướng “xa xỉ thầm lặng”.

Ngoài việc giá rẻ hơn và luôn có các đợt giảm giá mùa hè, khi mua sắm ở hầu hết các nước châu Âu, người tiêu dùng Mỹ có thể yêu cầu hoàn thuế. Theo công ty tư vấn Bernstein, Pháp là điểm đến hàng hóa miễn thuế hàng đầu khi chiếm gần một nửa doanh số bán hàng miễn thuế của châu Âu. Đứng thứ hai sau thị phần 46% của Pháp (tăng từ 30% vào năm 2020), Ý hiện là thị trường mua sắm miễn thuế lớn thứ hai của châu lục với tỷ lệ 19% (tăng từ 13% vào năm 2020), theo công ty thanh toán Planet. Người tiêu dùng Mỹ đang dẫn đầu về chi tiêu - và thúc đẩy tăng trưởng - ở cả hai thị trường, chiếm 27% tổng doanh số bán lẻ ở Pháp và 33% ở Ý.

Du khách trên khắp châu Âu thậm chí còn phải phàn nàn về việc này. Ở Paros, một du khách đến từ Bỉ đang ngồi trên ô tô trên đường đi tham quan bằng thuyền thì tình cờ nghe thấy một nhóm cô gái Mỹ nói chuyện ở phía sau. “Tôi nhìn vào điện thoại của một trong những cô gái và thấy cô ấy đang lướt qua trang web của Cartier. Họ đang nói về việc mua sắm trang sức và đồng hồ miễn thuế,” vị du khách này nói. “Chính vì những nhóm khách như thế này, mỗi lần tôi đến sân bay, tôi phải đợi cả tiếng đồng hồ để được hoàn thuế”.

Người Mỹ đổ xô sang châu Âu để mua gì? - Ảnh 1

Người Mỹ đổ xô sang châu Âu để mua gì? - Ảnh 2

 

Trong khi đó, thái độ của giới doanh nghiệp lại khác. Justin Albertynas, chuyên gia du lịch làm việc ở Litva, nói hầu hết doanh nghiệp châu Âu luôn chào đón người Mỹ, nhất là nhóm khách từ New York hoặc Los Angeles. Từ lâu, thị trường Mỹ đã được các công ty quản lý điểm đến (DMC) "thèm muốn" vì nhiều lý do, đặc biệt về thu nhập của họ. Mức lương trung bình của người Mỹ vào khoảng 70.000 USD mỗi năm, cao thứ 7 thế giới.

Các chuyên gia du lịch nhận xét thu nhập cao đồng nghĩa chi phí họ trả cho chuyến đi cũng cao hơn. Mặt khác, du khách Mỹ có xu hướng chi tiêu nhiều cho ăn uống, khách sạn hay các tour du lịch hơn khách châu Âu hay một số nơi khác. Người Mỹ cũng quen với văn hóa "tiền boa", đi du lịch dài và thường dẫn theo người thân đi cùng.

Đây là những yếu tố quan trọng khi ngành du lịch đang tiếp tục phục hồi và các doanh nghiệp phải nỗ lực để bù đắp tổn thất do đại dịch gây ra. Vì thế, theo Michael Rozenblit, người sáng lập The World Was Here First - website du lịch về các điểm đến ở Mỹ và châu Âu, sau những năm du lịch gần vì dịch, người Mỹ bắt đầu có những quan tâm mới và các DMC đang nỗ lực để tiếp thị đến thị trường này.

Một trong những bằng chứng sống động nhất về việc du khách Mỹ được "săn đón" là ngày càng có nhiều đường bay quốc tế mới được mở đến châu lục này. Tháng 6 vừa qua, British Airways đã bắt đầu một tuyến bay mới từ Cincinnati (Ohio, Mỹ) đến London (Anh) - điểm đến nổi tiếng đối với du khách Mỹ, khai thác bằng Boeing 787-8 Dreamliner với 55 chuyến bay hàng tuần trong mùa hè và bốn chuyến vào mùa đông. Turkish Airlines cùng Emirates cũng tiếp tục mở rộng đường bay tới Mỹ. Hồi tháng 4, Emirates cũng khai trương đường bay đầu tiên từ Newark (New Jersey, Mỹ) đến Dubai (UAE).

Ngoài việc giá rẻ hơn và luôn có các đợt giảm giá mùa hè, khi mua sắm ở hầu hết các nước châu Âu, người tiêu dùng Mỹ có thể yêu cầu hoàn thuế.

Ngoài việc giá rẻ hơn và luôn có các đợt giảm giá mùa hè, khi mua sắm ở hầu hết các nước châu Âu, người tiêu dùng Mỹ có thể yêu cầu hoàn thuế.

Tuy nhiên, bắt đầu từ năm tới (2024), công dân Mỹ sẽ phải xin một giấy phép nhập cảnh — tương tự như một loại thị thực — qua Hệ thống Ủy quyền và Thông tin Du lịch Âu Châu, hay còn gọi là ETIAS, trước khi được phép vào 30 quốc gia ở châu Âu. Những quốc gia nằm trong quy tắc này gồm tất cả 27 nước thành viên Liên minh Âu Châu cũng như các nước không phải là thành viên như Iceland, Liechtenstein, và Thụy Sĩ.

Các nhà chức trách của Liên minh Âu Châu cho biết trong một tuyên bố, “với một giấy phép du lịch ETIAS hợp lệ, quý vị có thể vào lãnh thổ của các quốc gia Âu châu này bao nhiêu lần tùy thích trong những lần lưu trú ngắn hạn — thường là tối đa 90 ngày trong bất kỳ khoảng thời gian 180 ngày nào”. Sự thay đổi quy tắc này sẽ làm ảnh hưởng đến khoảng 1.4 tỷ người từ hơn 60 quốc gia được miễn thị thực, trong đó có Úc, Canada, và Hoa Kỳ.

Giấy phép du lịch mới này tương tự như Hệ thống Cấp phép Du lịch Điện tử (ESTA) mà khách du lịch từ nhiều quốc gia — bao gồm cả những quốc gia ở châu Âu — bắt buộc phải có để vào Hoa Kỳ.

Nguồn: TBKTVN