Quay lại

Ngành công nghiệp giải trí lại lo lắng vì AI

Do hành động của OpenAI, Johansson buộc phải thuê luật sư. Theo đó, luật sư đã viết hai lá thư gửi cho CEO Sam Altman và OpenAI, trình bày những gì họ đã làm và yêu cầu nêu rõ quy trình chính xác mà họ đã tạo ra giọng nói "Sky". Cuối cùng, OpenAI đã miễn cưỡng đồng ý gỡ bỏ giọng nói "Sky". Johansson cho biết: "Trong thời đại mà tất cả chúng ta đang đối phó với deepfake và việc bảo vệ hình ảnh, công việc và nhân dạng của chính mình, tôi tin rằng đây là những câu hỏi xứng đáng được sự rõ ràng tuyệt đối."

Trong khi đó, đại diện của công ty cho biết: "Giọng nói của Sky không bắt chước của Scarlett Johansson mà thuộc về một nữ diễn viên chuyên nghiệp khác sử dụng giọng nói tự nhiên của cô ấy". OpenAI không thể chia sẻ tên của chủ nhân giọng nói đó vì lý do riêng tư. Họ đã làm việc với các đạo diễn và nhà sản xuất để phát triển 5 giọng nói cho sản phẩm của mình: Breeze, Cove, Ember, Juniper và Sky. Những giọng nói được ghi lại vào mùa hè năm ngoái ở San Francisco.

Theo The Washington Post, OpenAI đang ở thời điểm quan trọng khi chuẩn bị cung cấp trợ lý giọng nói cho khách hàng với sự hỗ trợ từ công nghệ mới nhất của mình, được gọi là GPT-4o. Ông Altman cho biết thêm rằng: "Chúng tôi chọn diễn viên lồng tiếng cho Sky trước khi tiếp cận cô Johansson. Tuy nhiên, để tôn trọng cô Johansson, chúng tôi đã tạm dừng sử dụng giọng nói của Sky trong các sản phẩm của mình. Chúng tôi xin lỗi cô Johansson vì đã không thông báo rõ hơn".

OpenAI một mực khẳng định không hề có ý định “đạo nhái” giọng nói của Scarlett Johansson cho trợ lý ảo Sky.

OpenAI một mực khẳng định không hề có ý định “đạo nhái” giọng nói của Scarlett Johansson cho trợ lý ảo Sky.

Scarlett Johansson là người nổi tiếng mới nhất cáo buộc OpenAI sử dụng tác phẩm sáng tạo mà không được phép. Trong năm qua, OpenAI đã bị các tác giả, diễn viên và báo chí kiện vì vi phạm bản quyền, bao gồm cả Hiệp hội Tác giả Hoa Kỳ và The New York Times. Có thể nói, cả Hollywood dường như đã “sục sôi” trong thời gian qua khi vấn đề trí tuệ nhân tạo và việc sử dụng trái phép giọng nói, hình ảnh của những diễn viên ngày càng xảy ra một cách thường xuyên. 

Trước đó, một vụ kiện tập thể khác cũng đã được gửi lên tòa án liên bang New York chống lại Công ty khởi nghiệp AI LOVO có trụ sở tại Berkeley, với cáo buộc công ty ăn cắp và thu lợi từ tiếng nói của các diễn viên, người nổi tiếng như: Scartlett Johansson, Ariana Grande và Conan O'Brien. Năm ngoái, trong cuộc đình công kép của nghiệp đoàn diễn viên và biên kịch Mỹ (SAG-AFTRA), AI cũng là một trong những đề mục quan trọng được đưa ra thảo luận.

Lên tiếng về vụ việc của Johansson, đại diện SAG-AFTRA cho biết: "Vụ việc nói trên đã nêu bật tầm quan trọng của việc bảo vệ giọng nói và hình ảnh cá nhân trong thời đại AI, cho dù bạn là nghệ sĩ chuyên nghiệp đang tìm cách bảo vệ sự nghiệp hay một cá nhân lo sợ một ngày nào đó mình bỗng nhiên bị cáo buộc phát ngôn điều gì sai trái". Người phát ngôn của SAG-AFTRA cũng cho biết thêm, việc sao chép giọng nói giờ đây không còn là khoa học viễn tưởng nữa mà đã trở thành sự thật.

Bên cạnh tranh cãi về việc giả mạo giọng nói, các giám đốc điều hành của OpenAI cũng đang phải đối mặt với nhiều cáo buộc từ những tác giả và người viết sách, khi vừa qua, công ty này cũng ra mắt Sora - ứng dụng giúp chuyển văn bản thành video, mà nguồn dữ liệu đào tạo không được công bố. Justin Nelson, luật sư của các tác giả kiện OpenAI và Microsoft, nói: "Nếu họ có thể làm điều này với một diễn viên nổi tiếng như Scarlett Johansson, thì hãy tưởng tượng họ sẽ còn làm gì nữa với một biên kịch vừa mới bắt đầu sự nghiệp?"

Sao chép giọng nói giờ đây không còn là khoa học viễn tưởng nữa mà đã trở thành sự thật.

Sao chép giọng nói giờ đây không còn là khoa học viễn tưởng nữa mà đã trở thành sự thật.

Không chỉ tại Hollywood, ngay cả những người đang làm việc trong ngành giải trí Hàn Quốc cũng thừa nhận mức độ nghiêm trọng của tình hình. Khi công nghệ AI ngày càng tiến bộ, những video sử dụng giọng hát của các nghệ sĩ khác nhau cho cùng một bài hát liên tục xuất hiện trên các nền tảng. Tại Hàn Quốc, AI đã được sử dụng để làm giả giọng IU và Park Myung Soo cho bản hit Bam Yang Gang của Bibi gây ra tranh cãi lớn.

Bản thân những người nổi tiếng không hề thực hiện những video này nhưng họ luôn trở thành "nạn nhân" cho vấn nạn giả giọng của AI hiện nay. Sau khi nghe một ca khúc do AI "thể hiện", Jang Yoon Jung tỏ ra lo lắng: "Điều này thật sự nghiêm trọng. Tôi từng nghĩa AI không bao giờ có thể hát. Nếu cứ như này thì ca sĩ có lý do gì để cật lực thu âm bài hát nữa chứ?"

Park Myung Soo cũng có phản ứng tương tự khi nghe phiên bản AI của mình cho ca khúc Bam Yang Gang. "Làm sao nó có thể giống giọng của tôi đến vậy được?", nam diễn viên chia sẻ, "Tôi chưa bao giờ hát bài hát đó và cũng không biết nó sẽ nghe giống như vậy. Tôi lo lắng cho những người nổi tiếng của chúng ta. Họ sẽ phải làm gì bây giờ?"

Tại Hàn Quốc, những "gã khổng lồ" trong ngành công nghiệp âm nhạc đang dồn toàn lực vào cuộc cách mạng công nghệ. Theo Bang Si-hyuk, chủ tịch HYBE, AI đã trở thành yếu tố then chốt trong chiến lược sắp tới. Ông tự hỏi “liệu con người có còn là thực thể duy nhất sản xuất âm nhạc phục vụ nhu cầu và thị hiếu của công chúng hay không”? Tập đoàn này đã kết hợp công nghệ AI vào âm nhạc để ra mắt dự án mang tên Midnatt vào tháng 5/2023. Nhờ công nghệ sửa giọng nói, đĩa đơn kỹ thuật số “Masquerade” đã có thêm 6 phiên bản với 6 ngôn ngữ khác nhau trong đó có tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Việt.

AI đã được sử dụng để làm giả giọng một số  ca sỹ cho bản hit Bam Yang Gang.

AI đã được sử dụng để làm giả giọng một số  ca sỹ cho bản hit Bam Yang Gang.

Và đó chính là sự lo ngại của các chuyên gia khi AI lấn sân lĩnh vực sáng tác âm nhạc. Với kho dữ liệu lưu trữ khổng lồ, AI có thể tạo ra âm nhạc chỉ trong vài phút. Dù chưa thể sánh được với chất lượng của con người, nhưng tốc độ phát triển vượt bậc của công nghệ sẽ giúp AI viết lời, tạo giai điệu tốt hơn trong tương lai. Hiệp hội Bản quyền Âm nhạc Hàn Quốc (KOMCA), khẳng định AI có thể phá huỷ, gây hỗn loạn trong ngành công nghiệp âm nhạc.

Một quan chức của KOMCA cho biết: “Rất nhiều người thích các bài hát do AI tạo ra vì họ có thể sử dụng miễn phí. Nếu các bài hát do AI tạo ra chiếm lĩnh nền âm nhạc, những người viết nhạc sẽ bị giảm thu nhập đáng kể. Vì hiện tại hệ thống pháp lý dành cho các sản phẩm của AI vẫn chưa có, ta có thể chứng kiến một cuộc xâm lấn của công nghệ vào lãnh thổ văn hóa".

Nguồn: TBKTVN