Malaysia thu hút hàng tỷ USD từ các Big Tech, Singapore nhắm đến trung tâm dữ liệu xanh
Google và Microsoft cùng chọn Malaysia
Google hôm 30/5 cho biết họ sẽ đầu tư 2 tỷ USD vào Malaysia, bao gồm khoản tiền xây dựng trung tâm dữ liệu và khu vực đám mây đầu tiên tại quốc gia Đông Nam Á.
"Khoản đầu tư này được xây dựng dựa trên mối quan hệ hợp tác của chúng tôi với chính phủ Malaysia để thúc đẩy 'Chính sách ưu tiên đám mây', bao gồm các tiêu chuẩn an ninh mạng tốt nhất", bà Ruth Porat, Chủ tịch và Giám đốc đầu tư tại Alphabet và Google, cho biết. Đại diện Google nói thêm rằng khoản đầu tư trên sẽ là mức đầu tư lớn nhất của Google tại Malaysia trong 13 năm hoạt động tại thị trường này.
Trung tâm dữ liệu tại Malaysia sẽ đảm trách các dịch vụ kỹ thuật số của "gã khổng lồ tìm kiếm" như Google Search, Google Maps và Google Workspace, trong khi khu vực đám mây của Google sẽ cung cấp dịch vụ cho các công ty và tổ chức trong lĩnh vực công và tư. Google cũng sẽ triển khai hai chương trình "xóa mù" trí tuệ nhân tạo (AI) dành cho sinh viên và các nhà giáo dục Malaysia.
Các khoản đầu tư và chương trình của Google dự kiếnsẽ đóng góp hơn 3,2 tỷ USD vào GDP của Malaysia và hỗ trợ 26.500 việc làm tại nước này vào năm 2030.
"Gã khổng lồ" công nghệ Mỹ cho biết khu vực đám mây Malaysia là sự bổ sung mới nhất vào mạng lưới 40 khu vực đám mây và 121 vùng đám mây trên thế giới của Google.
Ông Tengku Datuk Seri Utama Zafrul Aziz, Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia, đánh giá: "Khoản đầu tư 2 tỷ USD của Google vào Malaysia sẽ thúc đẩy đáng kể các tham vọng kỹ thuật số được nêu trong Quy hoạch tổng thể công nghiệp mới đến năm 2030 của chúng tôi".
Bộ trưởng Tengku Datuk Seri Utama Zafrul Aziz nói thêm rằng các khoản đầu tư của Google sẽ giúp ngành sản xuất chế tạo và các ngành dựa vào dịch vụ tận dụng AI và các công nghệ tiên tiến khác để họ có thể "tiến lên chuỗi toàn cầu".
Động thái trên được Google đưa ra sau khi Microsoft tuyên bố vào đầu tháng này rằng họ sẽ đầu tư 2,2 tỷ USD vào Malaysia để phát triển cơ sở hạ tầng đám mây và AI mới. Tập đoàn này cũng dự kiến công bố các khoản đầu tư vào Indonesia và Thái Lan trong năm nay.
Singapore xây trung tâm dữ liệu xanh nhằm giảm căng thẳng nguồn điện
Thị trường trung tâm dữ liệu toàn cầu đạt mức phát triển mới vào năm 2023, những hạn chế về điện năng đã "buộc các nhà khai thác trung tâm dữ liệu phải đánh giá sâu hơn các thị trường nhỏ hơn và chưa được khai thác trên toàn thế giới", theo công ty dịch vụ bất động sản toàn cầu Cushman & Wakefield.
Trong bối cảnh đó, Đông Nam Á nổi lên là thị trường tiềm năng cho các "ông lớn" công nghệ toàn cầu và Google, Microsoft đã cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào Đông Nam Á để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về AI và dịch vụ điện toán đám mây ở khu vực.
Sự bùng nổ AI đã thúc đẩy nhu cầu về các dịch vụ điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu, vì cần có lượng lớn dữ liệu để đào tạo các mô hình AI và đám mây cung cấp quyền truy cập vào các bộ dữ liệu khổng lồ. Các trung tâm dữ liệu là cơ sở chứa máy chủ và cơ sở hạ tầng khác cần thiết để lưu trữ dữ liệu và chạy các ứng dụng hoặc dịch vụ.
Tại Singapore, quốc đảo này đang thúc đẩy xây dựng các trung tâm dữ liệu xanh khi nhu cầu AI ngày càng tăng gây căng thẳng cho nguồn năng lượng.
Chính quyền Singapore hôm 30/5 đã công bố lộ trình xây dựng trung tâm dữ liệu xanh để hỗ trợ thực hiện tham vọng về nền kinh tế số, đồng thời đón bắt nhu cầu về AI và điện toán tăng lên.
Quốc vụ khanh phụ trách thông tin và truyền thông Singapore Janil Puthucheary cho rằng: "Khi nhu cầu về điện toán kỹ thuật số và AI tiếp tục tăng, nhu cầu về năng lực của trung tâm dữ liệu sẽ tăng lên".
Lộ trình xây dựng trung tâm dữ liệu xanh được ước tính sẽ bổ sung ít nhất 300 megawatt trong thời gian tới và nhiều hơn nữa thông qua "triển khai năng lượng xanh".
Các kế hoạch cải thiện điện năng cho các trung tâm dữ liệu bao gồm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của tất cả các trung tâm dữ liệu ở Singapore, triển khai thiết bị công nghệ thông tin tiết kiệm năng lượng cũng như đưa ra các ưu đãi hoặc tài trợ để sử dụng hiệu quả tài nguyên.
"Các trung tâm dữ liệu cũng khai thác vị thế quốc tế rộng lớn hơn của Singapore với tư cách là một trung tâm kinh doanh và kỹ thuật số", Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm của Singapore cho biết.
Còn trong báo cáo công bố hôm 29/5, Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu (TBI) cho rằng: "Khi nhu cầu về AI tăng lên thì nhu cầu về năng lượng cũng tăng theo. Điều này đã gây căng thẳng cho các mạng lưới năng lượng quốc gia và cần được xử lý trong thời gian ngắn".
Sự bùng nổ AI đã thúc đẩy nhu cầu về các trung tâm dữ liệu, nơi chứa lượng lớn dữ liệu cần thiết để đào tạo và triển khai các mô hình AI, khiến chúng cực kỳ tiêu tốn năng lượng.
Viện Tony Blair cho rằng trong khi các tập đoàn như Microsoft và Google đang đầu tư mạnh mẽ để tăng cường sử dụng năng lượng sạch, thì các chính phủ cần tiếp tục tạo động lực để các công ty thực hiện điều đó.
Theo Quốc vụ khanh Janil Puthucheary, các trung tâm dữ liệu là "nguồn phát thải carbon gián tiếp lớn nhất" của lĩnh vực thông tin và truyền thông. "Chúng gây ra tới 82% lượng khí thải trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông của Singapore và chiếm 7% tổng lượng điện tiêu thụ của Singapore", ông Janil Puthucheary nói thêm.
Singapore là thị trường trung tâm dữ liệu lớn thứ 2 ở Đông Nam Á và lớn thứ 6 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, theo dữ liệu của công ty dịch vụ bất động sản toàn cầu Cushman & Wakefield.
Còn theo Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm của Singapore, quốc gia này có hơn 70 trung tâm dữ liệu đám mây, dữ liệu doanh nghiệp và dịch vụ không gian đặt máy chủ. Các trung tâm dữ liệu này có thể lưu trữ nền tảng đám mây, dịch vụ kỹ thuật số và khối lượng công việc cường độ cao cho AI.
Nguồn: Báo Đầu tư