Đồng yen mất giá, nhân tài châu Á “bỏ đi”
Với việc đồng yen dao động quanh mức 157 yen đổi 1 USD, sự mất giá nhanh chóng này đã tạo ra nhiều vấn đề cho Nhật. Không chỉ gây tốn kém cho việc nhập khẩu, mà còn giảm lương khi tính theo USD. Điều này đồng thời khiến cho sức hút của đất nước mặt trời mọc với nhân tài nước ngoài cũng bị ảnh hưởng.
Tại buổi trình bày vào tháng trước ở Thượng Hải, ông Masato Sampei, Chủ tịch Công ty Hỗ trợ tuyển dụng châu Á tại Nhật, đã phải đối mặt với câu hỏi thẳng thắn của một sinh viên: Ông có thể sống với thu nhập 3 triệu yen (~19.100 USD) hàng năm ở Tokyo không?.
Công ty tuyển dụng Asia to Japan nhận thấy sinh viên Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc đang dần ít quan tâm hơn đến việc làm tại Nhật. Ảnh: Asia to Japan. |
Khi Sampei giải thích về chi phí sinh hoạt ở Tokyo và mức lương năm đầu tiên có thể làm việc tại một công ty Nhật, khuôn mặt của sinh viên trở nên chán nản. Đây có lẽ là sự thay đổi lớn so với khoảng 10 năm trước, khi cuộc thảo luận về mức lương tiềm năng tại các công ty Nhật từng là một làn sóng cổ vũ, hô hào đầy sức hút.
“Việc đồng yen mất giá gần đây là một đòn chí mạng với chúng tôi. Chúng tôi không thể tuyển dụng những sinh viên tài năng từ các vùng ven biển của Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc”, Sampei bộc bạch.
Theo dữ liệu mới nhất từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, sau khi nền "vỡ bong bóng" nền kinh tế, mức lương trung bình của Nhật tính bằng USD đứng thứ 25 trên 38 quốc gia, tụt lại phía sau các nước như Slovenia và Lithuania.
Với sự mất giá gần đây của đồng yen, tiền lương của sinh viên nước ngoài thậm chí còn tệ hơn. Việc đảm bảo nguồn lao động có tay nghề cao và thực tập sinh kỹ thuật hỗ trợ các công ty có nhân sự ngắn hạn cũng ngày càng trở nên khó khăn.
20.000 USD/năm là mức lương trung bình của một sinh viên tại Nhật. Ảnh: Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organisation for Economic Co-operation and Development). |
Khi sức hấp dẫn của Nhật như một nơi có cơ hội việc làm bị suy yếu, giới trẻ Nhật nghiễm nhiên có xu hướng ra nước ngoài. Anh Takeshi Fukumoto, sống tại thành phố Nara, đã nhận được thị thực lao động kết hợp kỳ nghỉ (Working Holiday Visa) vào tháng 11 và chuyển đến Toronto, nơi làm việc mới của anh ấy.
22 đô la Canada (~16 USD)/giờ và trung bình làm việc 40 giờ/tuần là mức lương anh ấy kiếm được khi chuyển địa điểm mới. “Mặc dù thời gian làm việc ngắn ngủi nhưng tôi kiếm được rất nhiều tiền. Nếu bao gồm cả tiền boa thì thu nhập hàng tháng của tôi hơn 400.000 yen", anh nói thêm.
Một đại diện của Hiệp hội Lao động đi kỳ nghỉ (Working Holiday) Nhật cho biết: “Nếu đồng yen tiếp tục suy yếu, thì sẽ ngày càng có nhiều người đi kiếm tiền ở nước ngoài”.
Trong đó, điểm đến phổ biến nhất là Úc. Theo chính phủ nước này, 14.398 người Nhật đã được cấp thị thực làm việc trong kỳ nghỉ trong năm và kết thúc vào tháng 6/2023. Đây là con số cao nhất kể từ năm 2006, theo dữ liệu sớm nhất có được.
Một đại diện Hiệp hội Lao động kỳ nghỉ cho biết, mức lương tối thiểu theo giờ ở Úc là 23,23 đô la Úc (~15,27 USD) và “nhiều người tiết kiệm được 1-2 triệu yen mỗi năm bằng cách làm việc tại các nhà hàng, cửa hàng may mặc hoặc trang trại”.
Nhưng du học, dù là bước đầu tiên cho công việc ổn định ở nước ngoài, lại là gánh nặng tài chính cho sinh viên Nhật. TOEFL iBT, bài kiểm tra trình độ tiếng Anh cần thiết để du học Mỹ, có giá 245 USD. Con số này xấp xỉ 40.000 yen theo tỉ giá hiện tại, gấp khoảng 5 lần so với bài kiểm tra tiếng Anh Toeic trị giá 7.810 yen, vốn là thước đo phổ biến về khả năng tiếng Anh của người Nhật.
Thêm vào đó, chi phí sinh hoạt và các chi phí khác cũng đang tăng lên. “Có lẽ tôi nên đổi tiền sớm hơn”, Mako Watanabe, một cư dân Tokyo, đã tốt nghiệp đại học vào tháng 3 và hiện làm việc bán thời gian để chuẩn bị đi học một trường ngôn ngữ ở Hàn Quốc vào tháng 9, cho biết.
Hơn nữa, học phí và phí ký túc xá trong một năm của cô sẽ lên tới hơn 10 triệu won (7.300 USD). Tỉ giá hối đoái hiện nay là 0,116 so với đồng yen, trong đó tiền Nhật giảm 12% so với một năm trước. Kết quả là chi phí hàng năm của Watanabe tăng từ 150.000 yen lên khoảng 1,2 triệu yen.
Chi phí cao cho các bài kiểm tra tiếng Anh, sinh hoạt phí và học phí đang khiến nhiều sinh viên e dè. Đại diện Tạp chí Ryugaku, chuyên hỗ trợ sinh viên Nhật du học, cho biết: “Số lượng sinh viên đại học du học đang có xu hướng giảm”.
Nguồn Nikkei Asia - Nhipcaudautu