Loạt doanh nghiệp lớn của Nhật Bản mạnh tay tăng lương, mở đường cho BOJ nâng lãi suất
Hãng xe Nhật Toyota ngày 13/3 đã nhất trí tiến hành đợt tăng lương lớn nhất 25 năm cho người lao động của công ty. Động thái này làm dấy lên kỳ vọng rằng tiền lương tăng mạnh sẽ mở đường để Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) thay đổi chính sách tiền tệ trong cuộc họp vào tuần tới.
Theo hãng tin Reuters, Panasonic, Nippon Steel và Nissan là vài trong số các công ty lớn nhất của Nhật Bản đã nhất trí đáp ứng tất cả đề xuất tăng lương mà các tổ chức công đoàn đưa ra tại cuộc đàm phán tiền lương hàng năm kết thúc vào hôm thứ Tư tuần này. Từ lâu được coi là một nét đặc trưng của mối quan hệ luôn cộng tác giữa giới chủ sử dụng lao động và người lao động nước này, cuộc đàm phát tiền lương mùa xuân ở Nhật Bản năm nay được quan tâm hơn bình thường. Đó là bởi việc tăng lương được kỳ vọng sẽ giúp mở đường để BOJ chấm dứt chính sách lãi suất âm đã kéo dài nhiều năm ngay vào đầu tuần tới.
Toyota - nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới và giữ vai trò “đầu đàn” về tăng lương hàng năm - cho biết đã nhất trí với đề xuất tăng lương tháng với mức tăng lên tới 28.440 yên, tương đương 193 USD, và mức thưởng kỷ lục cho công nhân viên. Giữ thông lệ bấy lâu nay, Toyota không đưa ra con số phần trăm của đợt tăng lương này.
“Chúng ta đang chứng kiến đà tăng mạnh của tiền lương. Điều quan trọng là đà tăng lương mạnh này sẽ lan tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, chánh thư ký nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi phát biểu trước báo giới.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã coi việc chấm dứt quãng thời gian nhiều năm tiền lương tăng ì ạch là một ưu tiên hàng đầu để kích thích nhu cầu tiêu dùng ảm đạm trong nước. Tốc độ tăng lương ở Nhật vốn thấp hơn so với mức bình quân của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), một “câu lạc bộ” của các nước giàu.
Đối với BOJ, kết quả cuộc đàm phán tiền lương mùa xuân năm nay là một điểm dữ liệu quan trọng để làm căn cứ cho việc chấm dứt hay tiếp tục duy trì lãi suất âm, chính sách đã duy trì từ năm 2016. BOJ đã duy trì chính sách kích cầu mạnh tay và lãi suất siêu thấp lâu hơn so với các nền kinh tế phát triển khác, trong nỗ lực vực dậy tăng trưởng èo uột. Cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo của BOJ sẽ diễn ra vào ngày 18-19/3.
“Kết quả cuộc đàm phán tiền lương năm nay rất quan trọng” trong việc quyết định thời điểm rút khỏi chương trình kích cầu khổng lồ - Thống đốc BOJ Kazuo Ueda phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản hôm 13/3.
Năm nay, người lao động làm việc trong các công ty lớn của Nhật Bản đã đưa ra yêu cầu tăng lương hàng năm bình quân thêm 5,85% - theo dữ liệu từ tổ chức công đoàn lớn nhất nước này Rengo. Con số đề nghị này, nếu trở thành hiện thực, sẽ đánh dấu lần đầu tiên sau 31 năm mức tăng lương hàng năm ở Nhật vượt mốc 5%.
Nhà kinh tế cấp cao Hisashi Yamada của Viện nghiên cứu Nhật Bản (JRI) ước tính đến thời điểm này, mức tăng lương phổ biến đạt được ở các công ty Nhật trong đợt đàm phán tiền lương năm nay dao động từ 4,2-4,3%, có thể hơn 5% ở một số công ty hàng đầu. Ông cho rằng mức tăng lương khá cao này phù hợp với xu hướng tăng của tiền lương toàn cầu, sự khan hiếm lao động và lạm phát tăng ở Nhật.
“Tuy nhiên, độ bền vững của việc tăng lương mạnh như vậy và liệu xu hướng này có mở rộng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay không vẫn còn là điều chưa có gì chắc chắn”, ông Yamada nói.
Trong một dấu hiệu tích cực khác, Hiệp hội Công nhân Kim loại, máy và chế tạo Nhật Bản (JAM) - một tổ chức công đoàn của người lao động tại các doanh nghiệp sản xuất nhỏ - cho biết mức tăng lương mà họ đàm phán được trong cuộc đàm phán năm nay đã vượt cả kỳ vọng và trong tư duy của người lao động đã có sự thay đổi.
“Người Nhật Bản cuối cùng đã bắt đầu nhận thấy khoảng cách giữa tiền lương trong và ngoài nước có sự thu hẹp mạnh mẽ”, Chủ tịch Katahiro Yasukochi của JAM nói với báo giới.
Doanh nghiệp nhỏ là lực lượng chiếm 7/10 số lao động ở Nhật Bản, nhưng khó tăng lương mạnh cho người lao động vì khả năng hạn chế trong việc đẩy bớt chi phí gia tăng về phía khách hàng.
Ông Akihiro Kaneko, Chủ tịch Hội đồng Công đoàn công nhân kim loại Nhật Bản, đồng quan điểm với ông Yasukochi, bày tỏ hy vọng rằng kết quả đàm phán tiền lương năm nay có thể dẫn tới một vòng xoáy tưng lương và lạm phát ở Nhật.
Những công ty hàng đầu của Nhật như Toyota đương đầu với sức ép từ Chính phủ trong vấn đề tăng lương từ thượng nguồn tới hạ nguồn, để tiền lương thực tế sau khi điều chỉnh theo lạm phát có thể đảo ngược chuỗi 22 tháng giảm liên tục.
“Chúng tôi thực sự hy vọng rằng kết quả đàm phán tiền lương của chúng tôi sẽ lan toả tới tất cả các nhà cung ứng của chúng tôi. Chúng tôi cần tiếp tục đề nghị các nhà cung ứng cấp 1 lan tỏa việc tăng lương đến các nhà cung ứng cấp 2 và tiếp sau đó nữa”, Giám đốc nhân lực Takanori Azuma của Toyota nói với các nhà báo, nhưng nhấn mạnh rằng quyết định tăng lương cuối cùng tuỳ thuộc vào từng doanh nghiệp.
Nguồn: TBKTVN