Hãng dầu lửa lớn nhất thế giới chi gần 100 tỷ USD trả cổ tức trong 1 năm
Saudi Aramco - hãng dầu lửa quốc doanh khổng lồ của quốc gia vùng Vịnh Saudi Arabia - tuyen bố tăng số tiền trả cổ tức hàng năm lên xấp xỉ 100 tỷ USD sau khi báo khoản lãi lớn thứ hai trong lịch sử công ty. Động thái này diễn ra ngay cả khi giá dầu giảm và nỗ lực cắt giảm sản lượng khai thác dầu của Chính phủ gây áp lực lên kết quả kinh doanh của Aramco - tờ Financial Times cho hay.
Theo báo cáo tài chính công bố ngày 10/3, Aramco lãi ròng 121 tỷ USD trong năm 2023, giảm khoảng 1/4 so với mức lãi ròng kỳ lục 161 tỷ USD thiết lập vào năm 2022 nhờ giá nhiên liệu hoá thạch tăng vọt. Dù lợi nhuận giảm, CEO Amin Nasser của Aramco tuyên bố tăng lượng cổ tức 2023 thêm 30%, lên 97,8 tỷ USD.
Dòng cổ tức từ Aramco - công ty dầu lửa lớn nhất thế giới xét về giá trị vốn hoá thị trường - vẫn là nguồn thu ngân sách quan trọng nhất của Chính phủ Saudi Arabia, cổ đông chiếm cổ phần 82% trong công ty này. Ngoài cổ phần này, Chính phủ Saudi Arabia còn kiểm soát thêm cổ phần 16% trong Aramco thông qua quỹ đầu tư lợi ích quốc gia.
Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia muốn dùng nguồn lợi nhuận từ dầu lửa để đầu tư cho một chương trình cải cách đầy tham vọng nhằm hiện đại hoá đất nước và đa dạng hoá nền kinh tế.
Việc Aramco duy trì mức cổ tức cao và đều đặn được xem là có ý nghĩa quan trọng đối với việc Chính phủ Saudi Arabia bán thêm cổ phần Aramco ra thị trường đại chúng trong tương lai. Trong cuộc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) kỷ lục vào năm 2019, Aramco bán ra lượng cổ phần 1,7%. Saudi Arabia đang cân nhắc bán thêm cổ phần của công ty này trên thị trường chứng khoán trong nước trong năm nay - theo tiết lộ của nguồn thạo tin.
Ông Nasser cho biết nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm 2023 đạt mức cao, thiết lập kỷ lục 102,4 triệu thùng/ngày “bất chấp những cơn gió chướng địa chính trị”. Ông dự báo nhu cầu dầu của thế giới sẽ tiếp tục tăng trong năm nay. “Chúng tôi đang dự báo nhu cầu dầu đạt 104 triệu thùng/ngày vào năm 2024 và có thể sẽ tăng trưởng nhiều hơn vào năm 2025”, vị CEO nói.
Diễn biến giá dầu Brent giao sau tại London 5 năm qua. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: Trading Economics.
Mặc những nỗ lực toàn cầu nhằm dịch chuyển khỏi nhiên liệu hóa thạch, Aramco đang đặt cược rằng nhu cầu đối với dầu thô vẫn sẽ vẫn ổn định trong nhiều thập kỷ tới. Trên cơ sở này, công ty đã đầu tư để tăng công suất khai thác từ 12 triệu thùng/ngày lên 13 triệu thùng/ngày vào năm 2027. Nhưng trong một động thái đảo ngược chính sách gây bất ngờ, Chính phủ Saudi Arabia đã tạm dừng kế hoạch tăng sản lượng này vào tháng 1 năm nay, nhưng ông Nasser khẳng định niềm tin của Riyadh vào nhu cầu dầu trong dài hạn là không hề suy giảm.
“Chúng tôi tin chắc rằng thế giới sẽ cần sự kết hợp của các nguồn năng lượng bao gồm dầu khí, năng lượng tái tạo, hydrogen và các nguồn năng lượng khác để đạt được quá trình chuyển đổi năng lượng thực chất, ổn định và có trật tự”, ông Nasser nói. Tuy nhiên, ông cho biết việc dừng kế hoạch mở rộng khai thác dầu sẽ giúp Aramco “tăng tính linh hoạt” trong đầu tư cơ bản và có thêm cơ hội tăng sản lượng khí đốt trong nước, cũng như mở rộng hoạt động kinh doanh hóa dầu của công ty.
Kế hoạch tăng sản lượng dầu của Aramco dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng 40 tỷ USD trong giai đoạn 2024-2028. Tổng đầu tư cơ bản của công ty trong năm tới được dự báo là dao động trong khoảng 48-58 tỷ USD, so với mức 49,7 tỷ USD vào năm 2023 và 37,6 tỷ USD vào năm 2022.
Aramco muốn đến năm 2030 tăng sản lượng khí đốt thêm hơn 60% so với mức của năm 2021 và tăng lượng dầu thô dùng làm đầu vào cho mảng hoá dầu của công ty lên 4 triệu thùng/ngày.
Công ty này đã sản xuất bình quân mỗi ngày 10,7 triệu thùng dầu thô và các dạng năng lượng lỏng khác trong năm 2023, giảm từ mức 11,5 triệu thùng/ngày vào năm 2022. Theo yêu cầu của Chính phủ Saudi Arabia, Aramco phải giảm sản lượng dầu thô khoảng 2 triệu thùng/ngày trong 18 tháng qua. Đây là một phần trong kế hoạch giảm sản lượng của OPEC+ để hỗ trợ giá dầu.
OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối. Saudi Arabia và Nga là hai thủ lĩnh không chính thức của liên minh.
Ngoài khí đốt, các lĩnh vực mở rộng tiềm năng khác của Aramco bao gồm đầu tư vào các dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở nước ngoài. Tháng 9 năm ngoái, Aramco mua lại cổ phần nhỏ trong công ty MidOcean Energy ở Australia - đánh dấu vụ đầu tư vào lĩnh vực LNG ở nước ngoài đầu tiên của “ông lớn” dầu lửa vùng Vịnh này.
Nguồn: TBKTVN