Quay lại

Lo khủng hoảng ngân hàng bùng lên ở châu Âu, Thuỵ Sỹ vội tung “phao cứu sinh” cho Credit Suisse

Tuyên bố chung từ cơ quan giám sát tài chính Thuỵ Sỹ FINMA và Ngân hàng Trung ương nước này (SNB) ra sức trấn an nhà đầu tư về sức khoẻ của Credit Suise, nói rằng ngân hàng này “đáp ứng các yêu cầu về vốn và thanh khoản áp dụng đối với các ngân hàng có tầm quan trọng hệ thống”. Tuyên bố cũng nói Credit Suisse có thể tiếp cận thanh khoản từ SNB trong trường hợp cần thiết.

Theo tin mới nhất, Credit Suisse tuyên bố sẽ vay tới 50 tỷ Franc Thuỵ Sỹ, tương đương gần 54 tỷ USD, từ Ngân hàng Trung ương nước này (SNB).

Tuyên bố được đưa ra sau khi một chính phủ và ít nhất một ngân hàng gây áp lực đòi Thuỵ Sỹ phải hành động vì Credit Suisse đã lâm vào một cuộc khủng hoảng niềm tin sau vụ sụp đổ ngân hàng Mỹ Silicon Valley Bank (SVB) vào tuần trước - nguồn thạo tin cho biết.

Credit Suisse tuyên bố hoan nghênh sự hỗ trợ của SNB và FINMA. Ngân hàng này đã trở thành nhà băng toàn cầu đầu tiên nhận được “phao cứu sinh” như vậy kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, dù các ngân hàng trung ương nhìn chung vẫn bơm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng trong những thời điểm thị trường căng thẳng như trong đại dịch Covid.

Vụ sập SVB tiếp sau vụ đổ vỡ ngân hàng tiền ảo Silvergate Bank và được nối tiếp bởi vụ sụp đổ một ngân hàng khác là Signature Bank chỉ hai ngày sau đó đã khiến thị trường tài chính toàn cầu biến động dữ dội mấy ngày qua. Những lời trấn an của đích thân Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các biện pháp khẩn cấp của Bộ Tài chính Mỹ và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm tăng cường thanh khoản trong hệ thống dường như chưa đủ để xoa dịu nỗi lo của nhà đầu tư.

Ngày 15/3, tâm điểm chú ý đã dịch chuyển từ Mỹ sang châu Âu, nơi Credit Suisse dẫn đầu một cuộc bán tháo cổ phiếu ngân hàng sau khi Chính phủ Saudi Arabia,  cổ đông lớn nhất của Credit Suisse, tuyên bố không thể cung cấp thêm hỗ trợ tài chính cho nhà băng này do các quy định luật pháp. Trong nỗ lực trấn an nhà đầu tư, FINMA và SNB nói rằng chưa có dấu hiệu nào cho thấy có sự lây lan rủi ro trực tiếp từ khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ sang các định chế tài chính ở Thuỵ Sỹ.

Cú giảm hơn 24% của cổ phiếu Credit Suisse phiên này kéo chỉ số chứng khoán ngân hàng châu Âug giảm 7%. Trong phiên, có lúc cổ phiếu Credit Suisse giảm 30%. Giá hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ (CDS) của Credit Suisse tăng lên mức cao chưa từng thấy.

Sự tháo chạy của nhà đầu tư làm dấy lên nỗi sợ về một mối đe doạ lớn đối với hệ thống tài chính. Nguồn thạo tin nói với Reuters rằng ECB đã thảo luận với các ngân hàng trong diện bị theo dõi về mức độ dính líu tới Credit Suisse. Tuy nhiên, một nguồn tin nói họ nhận thấy vấn đề của Credit Suisse chỉ tập trung ở gân hàng này thay vì là vấn đề mang tính hệ thống.

“Vụ sụp đổ SVB là một vấn đề của riêng Mỹ và riêng một ngân hàng Mỹ, nhưng thị trường giờ đây đang lo sợ về rủi ro đối với hệ thống ngân hàng toàn cầu, và các ngân hàng ở châu Âu cũng đang bị bủa vây bởi một cuộc khủng hoảng niềm tin”, chuyên gia kinh tế cấp cao Davide Oneglia của TS Lombard nói.

Đại diện của Bộ Tài chính Mỹ cho biết cơ quan này đang theo dõi tình hình ở Credit Suisse và liên lạc chặt chẽ với các cơ quan chức năng trên toàn cầu. Giới thạo tin ở Mỹ nói rằng, các ngân hàng lớn của nước này đã kiểm soát mức độ dính líu đến Credit Suisse trong những tháng gần đây và xem rủi ro liên quan tới nhà băng Thuỵ Sỹ ở thời điểm này là cơ thể kiểm soát.

Môi trường lãi suất tăng nhanh trên toàn cầu đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó trong việc trả nợ gốc và lãi, làm gia tăng nguy cơ thua lỗ đối với các ngân hàng giữa lúc nguy cơ suy thoái kinh tế xuất hiện. Biến động ngân hàng ở Mỹ và châu Âu đang khiến thị trường tính đến việc các ngân hàng trung ương lớn, gồm Fed, sớm dừng tăng lãi suất. Ngoài ra, giới phân tích cho rằng nhà chức trách Mỹ có thể sẽ siết chặt giám sát đối với các ngân hàng, nhất là các ngân hàng tầm trung như SVB và Signature Bank.

Nỗi lo sau vụ sập SVB đã khiến nhiều người gửi tiền rút tiền từ một số ngân hàng để chuyển sang một số ngân hàng khác khiến họ cảm thấy yên tâm hơn. CEO Ralph Hamers của UBS, ngân hàng đối thủ của Credit Suisse, nói rằng biến động thị trường đã dẫn tới lượng tiền gửi tại UBS tăng.

“Trong vài ngày qua, có lẽ các bạn cho rằng chúng tôi thấy lượng tiền gửi tăng. Đó rõ ràng là một sự tìm kiếm nơi an toàn, nhưng tôi cho là 3 ngày chưa đủ tạo nên xu hướng”, ông Hamers nói.

CEO Christian Sewing của Deutsche Bank cũng cho biết ngân hàng Đức này nhận thấy lượng tiền gửi gia tăng.

Nguồn: TBKTVN