Goldman Sachs: Fed sẽ không nâng lãi suất trong tháng 3 sau loạt đổ vỡ ngân hàng
Đầu tuần này, giới chức quản lý ngành tài chính Mỹ đã công bố các biện pháp can thiệp để củng cố hệ thống sau sự kiện Silicon Valley Bank sụp đổ - đánh dấu cú đổ vỡ lớn thứ hai trong lịch sử ngành ngân hàng Mỹ. Đáng chú ý, ngay sau đó, nhà quản lý cũng đóng cửa Signature Bank - ngân hàng tiền ảo lớn nhất tại Mỹ, thể hiện rủi ro hệ thống là hiện hữu. Chưa kể, trong tuần trước, Silvergate Capital – ngân hàng tập trung vào thị trường tiền ảo khác cũng tuyên bố đóng cửa.
“Trong bối cảnh ngành ngân hàng đang trải qua cú sốc, chúng tôi cho rằng Fed sẽ không nâng lãi suất trong cuộc họp vào ngày 22/3 tới”, Jan Hatzius, nhà kinh tế tại Goldman Sachs đánh giá.
Trước đó, Goldman Sachs dự báo Fed sẽ nâng lãi suất 25 điểm cơ bản trong phiên họp tháng 3 này. Dù vậy, Goldman Sachs vẫn đánh giá Fed tiếp tục nâng lãi suất trong tháng 5, tháng 6 và tháng 7, đưa lãi suất dự kiến lên mức 5,25% - 5,5%.
Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs cho rằng, các biện pháp hỗ trợ mà giới chức Mỹ đưa ra ngày thứ Hai (13/3) tương tự hành động trong thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008. Theo đó, Bộ Tài chính xác định sự việc tại SVB và Signature là rủi ro hệ thống, trong khi Fed thiết lập một chương trình cho vay mới dành cho các nhà băng mang tên Bank Term Funding Program (BTFP).
Cụ thể, BTFP cung cấp những khoản vay có kỳ hạn 1 năm cho các ngân hàng/tổ chức tín dụng nhận tiền gửi. Các khoản vay này được đảm bảo bằng trái phiếu và các tài sản thế chấp khác của nhà băng. Điều này giúp các ngân hàng không phải bán lỗ các trái phiếu đang nắm giữ hiện tại để thu về tiền mặt trả cho nhu cầu rút tiền của khách hàng.
Trước đó, Silicon Valley Bank đã rơi vào tình thế phải bán lỗ số trái phiếu đang nắm giữ nhằm thu tiền về, đáp ứng nhu cầu rút tiền của người gửi tiền. Tuy nhiên, khoản lỗ lớn cùng việc nhu cầu rút tiền tăng cao đã khiến nhà băng không thể trụ vững, rơi vào tình cảnh như hiện tại.
Điểm hấp dẫn của BTFP là việc các ngân hàng có thể vay số tiền bằng mệnh giá của tài sản thế chấp mà họ cầm cố. Điều này đồng nghĩa với việc Fed sẽ không xem xét giá trị thị trường của tài sản thế chấp, trong bối cảnh phần lớn giá của các loại tài sản như trái phiếu, cổ phiếu, tài sản đảm bảo khác đều đang giảm rất mạnh do lãi suất tăng vọt.
Chưa kể, Fed tuyên bố “sẵn sàng giải quyết bất kỳ áp lực thanh khoản nào có thể xuất hiện”, trong khi Bộ Tài chính Mỹ cho biết sẽ cung cấp 25 tỷ USD từ Quỹ Bình ổn giao dịch (ESF) cho chương trình BTFP của Fed nếu cần thiết.
Cú sụp của SVB, Signature Bank và Silvergate Capital gợi nhắc lại ký ức “đen tối” những ngày đầu cuộc khủng hoảng tài chính 2008, khi ngân hàng đầu tư khổng lồ Lehman Brothers sụp đổ ngày 15/9/2008. Chính phủ Mỹ đã không thành công trong xử lý rủi ro hệ thống, sau đó là khủng hoảng bùng nổ.
Hiện tại, với những động thái mới từ nhà quản lý, các thị trường tài chính đang phản ứng tích cực. Trong đó, Bitcoin tăng giá 10%, lên mức cao nhất hơn tuần qua.
Nguồn: Báo Đầu tư