Tác động của sự kiện SVB lên tài chính khu vực châu Á là không lớn
Trước những sự kiện ngân hàng ở Mỹ, mới đây Công ty Chứng khoán VNDirect đã đưa ra báo cáo phân tích diễn biến biến sự kiện Ngân hàng SVB, Mỹ đồng thời đánh giá tác động đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Sự kiện SVB dấy lên những lo ngại như Lehman Brothers năm 2008
SVB có tổng tài sản trị giá 209 tỉ USD tại thời điểm cuối năm 2022, chiếm khoảng 0,9% tổng tài sản hệ thống ngân hàng Mỹ. Danh mục đầu tư 50% là trái phiếu chính phủ Mỹ và các giấy tờ đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS) với mức lợi suất thấp. Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất, SVB phải đối diện với khoản lỗ vượt qua cả vốn chủ sở hữu.
Mặt khác, phần lớn tiền gửi huy động của SVB lại tập trung vào các startup và quỹ đầu cơ. Vì vậy, SVB rơi vào khủng hoảng khi hàng loạt khách hàng thực hiện rút tiền. Sự sụp đổ của SVB được xem là hệ quả nảy sinh từ quá trình thắt chặt lãi suất mạnh tay trong thời gian vừa qua nhằm kiềm chế lạm phát. Sau SVB, Signature Bank, ngân hàng tiền số lớn nhất nước Mỹ cũng phải đóng cửa và chịu sự tiếp quản của của cơ quan quản lý.
Rủi ro vẫn tập trung ở một số ngân hàng nhỏ của Mỹ
Ngày 12/3, chương trình tài trợ có kỳ hạn (Bank term funding) với quy mô 25 tỉ USD đã được Fed tung ra cung cấp các khoản vay lên đến một năm với tài sản đảm bảo là trái phiếu chính phủ Mỹ và được cho vay bằng mệnh giá. Đồng thời, Fed, Bộ Tài chính và cả FDIC cùng kích hoạt điều khoản ngoại lệ đặc biệt, cho phép bảo vệ cả những khoản tiền gửi lớn hơn 250.000 USD.
Theo VNDirect, đây là một trong những biện pháp để trấn an người gửi tiền và giảm thiểu rủi ro hệ thống. “Tuy nhiên theo như quan sát của chúng tôi, rủi ro vẫn đang hiện hữu và tập trung ở một số các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ của Mỹ khi khả năng thanh khoản và tỉ lệ dự trữ ngày càng suy giảm”, VNDirect nhận định.
Công ty chứng khoán này đánh giá sự sụp đổ của SVB đang đặt Fed vào tình thế khó, một mặt, vẫn chịu áp lực phải tăng lãi suất điều hành để kiềm chế tình hình lạm phát, mặt khác, tiếp tục tăng lãi suất có thể đẩy các tổ chức tài chính vào tình thế nguy hiểm. Do đó, thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ bớt “diều hâu” hơn so với trước đây. Theo đó, thị trường hiện dự báo mức đỉnh lãi suất điều hành của Fed (Fed terminal rate) ở mức 5-5,25%, thấp hơn so với trước sự kiện SVB là 5,5-5,75% và kỳ vọng Fed có thể bắt đầu giảm lãi suất điều hành kể từ quý IV/2023, sớm hơn so với dự báo trước đó là vào quý I/2024.
Tác động của sự kiện SVB lên tài chính khu vực châu Á là không lớn
Theo các nhận định của chuyên gia khu vực, khủng hoảng SVB hiện nay ít có tác động đến rủi ro hệ thống của các thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam. Phần lớn nhờ sự phục hồi ổn định của nền kinh tế Trung Quốc. Thị trường bất động sản, tín dụng Trung Quốc đã qua giai đoạn khó khăn nhất khi doanh số bán nhà bắt đầu tăng trưởng dương từ tháng 2/2023.
Nhìn chung thị trường chứng khoán châu Á phản ứng tương đối “bình tĩnh” trong phiên 13/3. Mặt khác, đồng USD dự kiến sẽ yếu hơn sau sự kiện SVB cũng là yếu tố tích cực đối các nước mới nổi.
Ở Việt Nam, Nghị quyết 33/NQCP vừa được ban hành ngày 11/3; trong đó lưu ý về vấn đề tái cấu trúc các khoản nợ của các doanh nghiệp bất động sản. Đây là một trong những thông tin thị trường khá mong chờ trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, dòng vốn nước ngoài từ các quỹ ETFs (ước khoảng 4.000 tỉ đồng) dự kiến vào Việt Nam cũng sẽ là yếu tố tích cực cho thị trường trong nước.
“Chúng tôi vẫn cho rằng, trong nửa đầu năm 2023, đà tăng của VN-Index sẽ khá mong manh và không ổn định trong bối cảnh thanh khoản thấp, áp lực lãi suất, tỉ giá và bài kiểm tra năng lực thanh toán cho trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vẫn còn đó. Vì vậy nhà đầu tư cần hết sức thận trọng trong việc sử dụng đòn bẩy, quan sát các diễn biến tiếp theo của thị trường thế giới; cũng như nên ưu tiên “mục tiêu phòng thủ” trong ngắn hạn với các nhóm cổ phiếu giá trị/hoặc cổ tức hấp dẫn”, VNDirect đánh giá.
Nguồn: TBKTVN