Quay lại

Kinh tế Châu Phi năm 2023 và triển vọng 2024

Mặc dù tình hình thế giới đã có một số tín hiệu tích cực, song năm 2023 vẫn tiếp tục là một năm nhiều sóng gió và khó khăn của kinh tế thế giới, khi phải đối mặt với một loạt thách thức có tính bất định cao, từ sự sụt giảm tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP), kim ngạch thương mại - đầu tư ảm đạm, cho tới những hậu quả khó lường của bất ổn địa chính trị.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt khoảng 2,1% trong năm nay, trong đó, các nền kinh tế hàng đầu thế giới chỉ đạt mức tăng trưởng GDP 0,7%, các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi dự kiến tăng trưởng 4% (gso.gov.vn ). Trong khi đó, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) ngày 11/12/2023 đã cập nhật Thương mại toàn cầu năm 2023 ước đạt xấp xỉ 30.700 tỷ USD, giảm gần 2.000 tỷ USD so với năm 2022, tương đương mức giảm 8% (tradefinanceglobal.com). Cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu sớm kết thúc thì đã xảy ra xung đột Israel - Hamas khiến tình hình địa chính trị thế giới thêm bất ổn và khó lường.

Nền kinh tế châu Phi cũng chịu ảnh hưởng cả tích cực và tiêu cực từ tình hình chung của thế giới. Tuy nhiên, với những đặc thù riêng của châu lục, kinh tế châu Phi năm 2023 được ước tính có nhiều khởi sắc và phát triển nhanh hơn tốc độ phát triển chung của kinh tế thế giới.

NHỮNG DỰ BÁO KHẢ QUAN

Báo cáo Phát triển kinh tế ở châu Phi năm 2023 của UNCTAD cho rằng châu Phi có thể được xem xét để trở thành thành viên chính trong chuỗi cung ứng toàn cầu cho các lĩnh vực công nghệ cao như: ô tô, điện thoại di động, năng lượng tái tạo và chăm sóc sức khỏe. Những gián đoạn gần đây do bất ổn thương mại, bất ổn kinh tế, đại dịch toàn cầu và các sự kiện địa chính trị đã buộc các nhà sản xuất trên toàn thế giới phải đa dạng hóa địa điểm sản xuất và các địa lý của họ. Điều này mang lại cơ hội cho các chính phủ và doanh nghiệp châu Phi nhằm định vị lục địa này như là điểm đến mới cho chuỗi cung ứng toàn cầu.

Kinh tế Châu Phi năm 2023 và triển vọng 2024 - Ảnh 1

Trong một báo cáo được đưa ra ngày 24/5/2023, Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) ước tính tăng trưởng kinh tế ở châu Phi dự kiến sẽ đạt khoảng 4,1% trong năm 2023 (cao hơn khoảng 3,8% so với năm 2022) và ổn định ở mức 4,3% vào năm 2024, cho thấy khả năng phục hồi tốt của lục địa này trước các cú sốc của kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, trước những ảnh hưởng lâu dài của đại dịch Covid -19, xung đột Nga - Ucraina và xung đột Israel - Hamas kéo theo những bất ổn tại Biển Đỏ đã gây ra những cản trở đến sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ ban đầu của châu Phi sau đại dịch, do đó, cuối tháng 11/2023, AfDB đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của châu Phi giảm xuống 3,4% trong năm nay, trước khi tăng lên 3,8% vào năm 2024.

TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC KINH TẾ, THƯƠNG MẠI VỚI CÁC CƯỜNG QUỐC

Trong những năm qua và năm 2023, châu Phi đã có những bước tiến lớn trong tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại với các cường quốc như Trung Quốc, Nga và Mỹ.

Kể từ năm 2000, Trung Quốc đã tổ chức Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi tại Bắc Kinh 3 năm một lần để thúc đẩy các lợi ích ngoại giao và thương mại của Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi trong nhiều năm và là nhà đầu tư nổi bật trong các dự án khai thác và cơ sở hạ tầng.

Cùng với sự phát triển về quan hệ an ninh, quốc phòng, quan hệ thương mại giữa Nga và châu Phi liên tục có sự tăng trưởng trong những năm gần đây. Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa Nga và châu Phi lên tới 18 tỷ USD, trong đó xuất khẩu từ Nga chiếm 14,8 tỷ USD. Theo số liệu từ Bộ Phát triển kinh tế Nga đưa ra cuối tháng 9/2023, trong 8 tháng đầu năm 2023 kim ngạch thương mại giữa Nga và châu Phi đạt 15,5 tỷ USD, chiếm 3,7% tổng kim ngạch thương mại của Nga, tăng 43,5% so với cùng kỳ năm 2022, tập trung ở các nước Ai Cập, Ma rốc, Libya, Tunisia, Algeria.

Quan hệ đối tác thương mại giữa Mỹ và châu Phi tiếp tục được tăng cường mạnh mẽ thời gian qua. Tháng 7/2021, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố về việc khôi phục sáng kiến “Châu Phi thịnh vượng”, với trọng tâm là tăng cường thương mại và đầu tư giữa Mỹ với các nước châu Phi. Cuối năm 2022, Mỹ và châu Phi đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi đánh dấu sự trở lại lục địa đen của Mỹ với nhiều chính sách mới, cùng các cam kết, trong đó nổi bật là Mỹ cam kết cung cấp 55 tỷ USD viện trợ cho các nước châu Phi trong 3 năm tiếp theo.

Tính đến cuối năm 2023, hàng trăm thỏa thuận thương mại và đầu tư trị giá 14,2 tỷ USD giữa Mỹ và các quốc gia châu Phi đã được ký kết. Kết quả có được tạo thêm động lực hợp tác cho hai phía, trong bối cảnh Washington không ngừng nỗ lực khẳng định cam kết về chiến lược kinh tế “đôi bên cùng có lợi” với các quốc gia của lục địa này (nhandan.vn).

TRIỂN VỌNG NĂM 2024

Với 54 nước, dân số khoảng 1.456 triệu người, tổng diện tích là 29.661.703 Km2, chiếm khoảng 18,05% dân số và 20,3% diện tích lãnh thổ thế giới, có rất nhiều khoáng chất quan trọng cần thiết cho các sản phẩm xanh và công nghệ cao, đồng thời là nơi có dân số trẻ, am hiểu công nghệ, lực lượng lao động có khả năng thích ứng và tầng lớp trung lưu đang phát triển, châu Phi đã nhận được sự quan tâm của các cường quốc lớn bằng việc cố gắng thiết lập vai trò và ảnh hưởng ở châu lục này.

Hiện nay, tiếng nói của châu Phi tại các diễn đàn toàn cầu cũng có ý nghĩa quan trọng, 54 quốc gia châu Phi chính là 54 lá phiếu, chiếm 28% tổng số lá phiếu tại Liên hợp quốc. Hơn nữa, theo thông lệ, châu Phi có 3 trong số 15 ghế không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chính vì vậy, châu Phi đang chứng kiến sự cạnh tranh ảnh hưởng ngày càng lớn giữa các cường quốc.

Châu Phi trong chiến lược của các nước lớn

Trung Quốc và Nga từ lâu đã nhận ra tầm quan trọng về chính trị, quân sự và kinh tế của châu Phi và cả hai tiếp tục nắm bắt cơ hội để mở rộng ảnh hưởng của mình trên khắp lục địa này. Trong khi Nga chú trọng vào tăng cường hợp tác an ninh và kinh tế với châu Phi thì Trung Quốc tập trung mở rộng ảnh hưởng với các chính sách mềm mỏng thông qua đầu tư kinh tế.

Ngày 24/8/2023, bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở thành phố Johannesburg, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã đồng chủ trì Đối thoại các nhà lãnh đạo châu Phi - Trung Quốc và đưa ra tuyên bố chung, trong đó, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh sẽ tiếp tục phối hợp quan hệ hợp tác song phương nhằm đưa quan hệ châu Phi - Trung Quốc lên tầm cao mới.

Cuối tháng 12/2023, Ủy ban Thuế quan Hải quan của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã thông báo miễn thuế nhập khẩu đối với 98% sản phẩm từ sáu nước châu Phi kém phát triển nhất là: Angola, Gambia, Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), Madagascar, Mali và Mauritania. Với mức thuế bằng 0, các quốc gia này có thể mở rộng kênh bán hàng cho sản phẩm địa phương của họ, từ đó tìm ra những cách thức mới để tạo dự trữ ngoại hối và việc làm của mỗi quốc gia.

Nga cũng tăng cường hợp tác với châu Phi thông qua việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba năm một lần và ra tuyên bố chung hợp tác về an ninh, kinh tế, môi trường. Nga chủ trương tiếp cận càng nhiều quốc gia châu Phi càng tốt và xây dựng dựa trên khẩu hiệu “Vì hòa bình, an ninh và phát triển”. Nga đã mở rộng sự hiện diện của mình ở châu Phi, tập trung vào việc bán vũ khí và huấn luyện quân sự thông qua các công ty bán quân sự của Nga, bên cạnh việc chia sẻ thông tin tình báo và tiếp cận khoáng sản, đặc biệt là uranium và bạch kim. Nga cũng đã trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của châu Phi, hướng tới xây dựng ảnh hưởng rộng rãi thông qua quan hệ đối tác an ninh và từng bước nâng giá trị tổng kim ngạch thương mại giữa hai bên.

Lo ngại trước sự xâm nhập của ảnh hưởng kinh tế Trung Quốc và ảnh hưởng an ninh của Nga vào châu Phi, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã có sự chuyển bước quan trọng, từ sự thờ ơ, khác biệt và vắng mặt sang hiện diện, khôi phục và tăng cường quan hệ với các quốc gia của lục địa này.

Trong năm 2023, Mỹ hoan nghênh Liên minh châu Phi trở thành thành viên thường trực của G20. Tích cực mở rộng quan hệ đối tác thương mại và đầu tư với châu Phi, Washington cũng thúc đẩy mạnh mẽ các khoản đầu tư lớn vào an ninh lương thực và y tế, cơ sở hạ tầng, đồng thời đưa ra sáng kiến chuyển đổi kỹ thuật số, thúc đẩy hợp tác an ninh và quản trị,...

Ngày 2/11/2023, Mỹ và châu Phi đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh về Quan hệ Thương mại ở Johannesburg (Nam Phi). Trong 3 ngày hội nghị, các đặc phái viên Mỹ đã hội đàm với các bộ trưởng từ khoảng 40 quốc gia châu Phi cận Sahara, những quốc gia được hưởng lợi từ AGOA của Mỹ. Phía Mỹ khẳng định, kết quả từ những dự án Mỹ đầu tư vào châu Phi có tác động rõ rệt đến cuộc sống và sinh kế của người dân cả ở Mỹ và châu Phi. Những thành tựu mới, trong đó đáng chú ý là con số kỷ lục về giá trị thỏa thuận thương mại trong năm 2023 sẽ tạo thêm xung lực cho hợp tác giữa Mỹ và châu Phi trong thời gian tới.

Bên cạnh sự quan tâm đặc biệt từ các cường quốc, châu Phi cũng nhận được sự quan tâm lớn từ các khu vực kinh tế và các nước lớn khác trên thế giới như  Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Nhật Bản, …và đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU).

Ngày 18/12/2023, EU và Kenya đã ký thỏa thuận thương mại tự do (FTA) nhằm tạo thuận lợi cho hàng hóa lưu thông giữa hai thị trường. Đây là thỏa thuận thương mại lớn đầu tiên giữa EU và một quốc gia châu Phi kể từ năm 2016, tạo ra cơ hội để EU thâm nhập sâu hơn vào thị trường rộng lớn này của châu Phi trong những năm tới, đồng thời cũng là bước đà để EU dịch chuyển gần hơn tới một thị trường còn rất nhiều tiềm năng - thị trường châu Phi.

Cuộc cạnh tranh ảnh hưởng của các cường quốc ở châu Phi là cơ hội quan trọng để các nước ở lục địa này xây dựng quan hệ đối tác đa dạng và cân bằng với các nước lớn mà không đứng về một bên hoặc thay thế quan hệ đối tác với một cường quốc này bằng các cường quốc khác, là cơ hội để các quốc gia châu Phi tiếp tục theo đuổi các sáng kiến đổi mới và cải cách kinh tế để giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội. Thông qua các chính sách kinh tế mới và cải cách chính phủ, châu Phi có thể xây dựng lại nền tảng của mối quan hệ có tính đặc trưng cao giữa quyền lực cầm quyền, cộng đồng bộ lạc và các nhà lãnh đạo địa phương để giảm thiểu xung đột và bạo lực.

Những rủi ro và trở ngại

Sau khi Israel mở chiến dịch quân sự ở Dải Gaza để trả đũa các vụ tấn công của phong trào Hồi giáo Hamas vào lãnh thổ Israel, lực lượng quân sự Houthi ở Yemen đã tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào tàu thuyền đi qua tuyến hàng hải quốc tế ở Biển Đỏ (một phần quan trọng trong tuyến vận tải huyết mạch Đông - Tây của thế giới), làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động thương mại hàng hải quốc tế vốn chỉ mới vừa chớm phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Bên cạnh những khó khăn, rủi ro chung đến từ thế giới như việc thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu, sự tăng giá của đồng USD Mỹ sẽ làm trầm trọng thêm chi phí trả nợ, làm tăng rủi ro nợ xấu của các quốc gia và cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc đang tiếp tục làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn thế giới, thì khủng hoảng khí hậu, bất ổn chính trị và sự khó lường trong chính sách sẽ tiếp tục là những trở lực đối với tăng trưởng kinh tế dài hạn của châu Phi.<

Nguồn: TBKTVN