Quay lại

Thế giới già hóa, xu hướng hàng tiêu dùng cũng thay đổi

Theo Liên hợp quốc (UN), dân số già hóa là một “xu hướng toàn cầu không thể đảo ngược”, do tuổi thọ của con người tăng lên và quy mô gia đình ngày càng nhỏ đi.

Một báo cáo của UN năm ngoái dự báo số lượng người từ 65 tuổi trở lên trên thế giới sẽ tăng gấp hơn 2 lần, lên 1,6 tỷ người vào năm 2050. Nhật Bản là một trong những nơi chứng kiến xu hướng này diễn ra mạnh mẽ nhất khi tỷ lệ người già ngày càng tăng lên trong khi các gia đình ngày càng có ít con hơn hoặc thậm chí không sinh con.

Theo số liệu chính thức công bố vào đầu tháng 6, năm 2023 đánh dấu năm thứ 8 liên tiếp Nhật Bản ghi nhận số lượng trẻ em được sinh ra sụt giảm, xuống mức thấp kỷ lục 727.277 trẻ. Số liệu này bắt đầu được nhà chức trách Nhật Bản thu thập từ 120 năm trước.

Vài tháng trước, Nhật Bản cũng cho biết cứ 10 người tại nước này thì có 1 người ở độ tuổi từ 80 trở lên và do vậy trở thành quốc gia già nhất thế giới. Năm 2023, gần 30% dân số Nhật Bản là người từ 65 tuổi trở lên.

Vào tháng 6/2023, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida công bố một gói giải pháp trị giá nhiều tỷ USD để khuyến khích các gia đình sinh thêm con. Nước này cũng đang cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng nhân khẩu học trong bối cảnh lực lượng lao động thu hẹp trong khu nhu cầu từ nhóm dân số già gia tăng.

Trên thực tế, dân số già tăng lên đang thay đổi thị trường tiêu dùng tại quốc gia châu Á này. Đáng chú ý, nhu cầu bỉm người già tăng lên đáng kể trong khi nhu cầu bỉm trẻ em giảm xuống.

Theo công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Euromonitor International, thị trường bỉm người già Nhật Bản đạt quy mô 1,7 tỷ USD năm 2023 và được dự báo tăng lên thành 1,9 tỷ USD vào năm 2026, chiếm hơn 12% thị trường bỉm người già toàn cầu. Trên toàn cầu, thị trường bỉm người già đạt quy mô 12,8 tỷ USD năm 2023 và được dự báo tăng lên gần 15,5 tỷ USD vào năm 2026.

Sự thay đổi này cũng đang khiến nhiều doanh nghiệp phải dịch chuyển để bắt kịp nhu cầu của thị trường. Hồi tháng 3, công ty sản xuất giấy Oji Holdings có tuổi đời hơn 150 năm thông báo sẽ ngừng sản xuất bỉm trẻ em cho thị trường Nhật Bản từ năm nay để tập trung vào các sản phẩm cho người lớn.

Tuy nhiên, công ty sẽ tiếp tục sản xuất bỉm cho thị trường quốc tế bởi tổng doanh thu bỉm trẻ em của công ty tại Trung Quốc, Indonesia và Malaysia vẫn tăng. Tuy nhiên, tại thị trường nội địa Nhật, doanh thu bỉm người lớn của công ty năm 2023 cao hơn 7,3% so với bỉm trẻ em.

Cứ 10 người tại Nhật thì có 1 người ở độ tuổi từ 80 trở lên - Ảnh: Getty Images

Cứ 10 người tại Nhật thì có 1 người ở độ tuổi từ 80 trở lên - Ảnh: Getty Images

Tương tự như Oji Holdings, công ty hàng điện tử khổng lồ Panasonic cũng đang dịch chuyển theo xu hướng xã hội già hóa ở Nhật. Công ty này đã nghiên cứu và phát triển các sản phẩm nhắm tới nhóm dân số già từ những năm 1990. Còn nhà sản xuất thiết bị bếp gia dụng Zojirushi hiện đưa ra nhiều sản phẩm có tính năng mới dành riêng cho người cao tuổi như ấm pha trà điện có thể gửi email tới một địa chỉ được đăng ký khi sử dụng. Tính năng như thế này giúp người thân có thể cập nhật các hoạt động của thành viên cao tuổi trong gia đình.

Nhật Bản không phải nơi duy nhất ở châu Á đang đối mặt xã hội già hóa. Hàn Quốc, nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, ghi nhận tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp kỷ lục mới – chỉ 0,72 trẻ em/phụ nữ trong năm 2023, giảm từ 0,78 trẻ vào năm 2022. Tỷ lệ sinh là tỷ lệ biểu thị số con trung bình mà một phụ nữ sinh trong đời.

Xem đây là một tình trạng khẩn cấp, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập Bộ Kế hoạch chống tỷ lệ sinh thấp để giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh xuống thấp kéo dài nhiều năm qua. Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu Á như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan…

Theo dự báo của UN, vào năm 2050, châu Á sẽ 6 quốc gia và vùng lãnh thổ nằm trong top 10 nơi có tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên cao nhất thế giới, trong đó Hồng Kông đứng đầu danh sách. Tới năm 2100, châu Phi được dự báo sẽ là khu vực duy nhất có tỷ lệ người cao tuổi chiếm dưới 15% dân số. Trong khi đó, tỷ lệ người cao tuổi ở châu Âu, Bắc Mỹ, Mỹ Latinh và Caribbean có thể sẽ vượt ngưỡng 30% vào năm 2100.

Dù châu Âu và Bắc Mỹ hiện có tỷ lệ người cao tuổi tuổi lớn nhất thế giới, khu vực Bắc Phi, Tây Á và châu Phi Cận Saraha được dự báo có tốc độ tăng trưởng của nhóm người cao tuổi tăng nhanh nhất trong vòng 30 năm tới.

Nguồn: TBKTVN