Quay lại

Kinh tế châu Âu ngấp nghé suy thoái

Nền kinh tế sử dụng đồng euro có nguy cơ rơi vào suy thoái cuối năm nay, sau khi số liệu thống kê công bố ngày 31/10 cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) của khu vực giảm nhẹ trong quý 3 vừa qua.

Theo báo cáo sơ bộ từ Eurostat, cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (EU), GDP của 20 quốc gia trong khối đồng tiền chung eurozone đã giảm 0,1% trong quý 3 so với quý trước, sau khi chỉ tăng 0,2% trong quý 2. Điều này cho thấy ranh giới hết sức mong manh giữa tăng trưởng và suy giảm của kinh tế châu Âu. Trước đó, khu vực này gần như đi ngang trong quý 4/2022 và quý 1 năm nay.

“Bức tranh lớn ở đây là kinh tế eurozone đang trầy trật. Nền kinh tế chỉ tăng trưởng 0,1% trong 1 năm qua và các cuộc khảo sát kinh doanh liên tục cho thấy sự suy giảm của hoạt động ở thời điểm đầu quý 4”, phó kinh tế trưởng về eurozone của công ty nghiên cứu Capital Economics, ông Jack Allen-Reynolds, nhận định với hãng tin CNN. Ông nói thêm rằng nền kinh tế eurozone sẽ tiếp tục trong tình trạng trì trệ cho dù có xảy ra một cuộc suy thoái kỹ thuật - theo định nghĩa là có hai quý GDP suy giảm liên tiếp - hay không.

Trong một diễn biến tích cực hơn, số liệu thống kê cho thấy lạm phát ở eurozone tiếp tục giảm tốc, lần đầu tiên trong hơn 2 năm xuống dưới mốc 3%. Trong tháng 10 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của eurozone tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức tăng 4,3% ghi nhận trong tháng 9 - theo Eurostat.

“Lạm phát giảm chủ yếu do tình trạng tăng giá năng lượng và thực phẩm mạnh mẽ trong năm 2022 không lặp lại trong năm nay”, nhà kinh tế cấp cao Christoph Weil của ngân hàng Đức Commerzbank nhận định.

Lạm phát lõi - thước đo không bao gồm hai nhóm mặt hàng có nhiều biến động là thực phẩm và năng lượng - giảm còn 4,2% trong tháng 10 từ mức 4,5% trong tháng 9.

Lạm phát giảm tốc là một tin tốt đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sau khi cơ quan này đã có chuỗi kỷ lục 10 lần nâng lãi suất liên tiếp để chống lạm phát. Trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ vào tuần vừa rồi, ECB quyết định giữ nguyên lãi suất trên cơ sở lạm phát tiếp tục giảm mạnh và nền kinh tế suy yếu.

“Đà tăng trưởng của eurozone khi bước sang quý 4 vẫn còn rất yếu do các điều kiện tài chính thắt chặt. Nền kinh tế đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn trì trệ”.

Nhà kinh tế Rory Fennessy, Oxford Economics

Kể từ khi hứng cú sốc giá năng lượng do chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, eurozone đã trầy trật trong việc lấy lại đà tăng trưởng. Nền kinh tế lớn nhất trong khối là Đức cảm nhận đặc biệt rõ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng do sở hữu một nền sản xuất lớn và có mức độ phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt Nga khi đó.

Để chống lại sự leo thang của lạm phát do giá năng lượng tăng cao, ECB đã tăng lãi suất lên mức cao kỷ lục 4%, đặt ra áp lực lớn lên người tiêu dùng và doanh nghiệp. Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của eurozone đã rơi vào xu hướng giảm, với nhu cầu hàng hoá và và dịch vụ được dự báo sẽ tiếp tục giảm sâu hơn.

Ngay cả trong trường hợp eurozone có tránh được suy thoái, giới chuyên gia kinh tế cho rằng sẽ mất nhiều thời gian để nền kinh tế khu vực có được sự phục hồi rõ rệt.

“Đà tăng trưởng của eurozone khi bước sang quý 4 vẫn còn rất yếu do các điều kiện tài chính thắt chặt. Nền kinh tế đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn trì trệ”, nhà kinh tế Rory Fennessy của Oxford Economics nhận định.

Số liệu GDP chính thức của Đức và Pháp, hai nền kinh tế lớn nhất eurozone, là minh chứng cho các đánh giá ảm đạm về triển vọng kinh tế khu vực.

Quý 3 vừa qua, GDP của Pháp chỉ tăng 0,1% so với quý trước, sau khi tăng trưởng 0,6% trong quý 2. GDP của Đức thậm chí còn giảm nhẹ trong quý 3.

Nền kinh tế Tây Ban Nha tiếp tục tăng trưởng trong quý 3, nhưng giảm tốc so với quý 2. Kinh tế Italy hầu như ngưng trệ. GDP vốn thường xuyên biến động của Ireland chứng kiến cú giảm 1,8% trong quý 3, đóng góp vào sự suy giảm GDP của eurozone trong quý. Nếu không do kinh tế Ireland giảm mạnh như vậy, eurozone có lẽ đã tránh được số liệu tăng trưởng âm.

“Môi trường kinh tế hiện đang yếu đi, nhưng cũng ít khả năng xảy ra một cuộc suy thoái sâu. Dù vậy, tình trạng bấp bênh về kinh tế và địa chính trị, cùng với ảnh hưởng của lãi suất cao, sẽ tiếp tục gây áp lực lên hoạt động kinh tế trong những quý tới đây”, nhà kinh tế cấp cao Bert Colijn của ngân hàng ING nhận định.

Nguồn: TBKTVN