Quay lại

Vì sao đồng yên tụt giá trở lại dù Ngân hàng Trung ương Nhật Bản nới kiểm soát lợi suất?

Giới phân tích nói rằng kết quả cuộc họp này của BOJ khiến các nhà đầu cơ giá lên đồng yên thất vọng, vì trước đó họ đã kỳ vọng BOJ hành động mạnh mẽ hơn.

Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày, BOJ duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và giữ nguyên mục tiêu lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm ở mức 0%, nhưng mức trần 1% của YCC sẽ trở thành một giới hạn linh hoạt, thay vì một giới hạn cố định. Ngoài ra, BOJ cũng từ bỏ cam kết bảo vệ trần lợi suất bằng cách mua vào lượng trái phiếu không giới hạn - lời hứa mà BOJ đã đưa ra trong các cuộc họp trước đây.

Đồng yên trượt giá gần 0,7% so với USD sau khi quyết định trên được BOJ công bố, giảm quá mốc chủ chốt 150 yên đổi 1 USD. Mức đáy của yên trong phiên giao dịch được thiết lập ở 150,12 yên đổi 1 USD, dù vào buổi sáng, đồng tiền này có thời điểm tăng lên mức 148,81 yên đổi 1 USD.

QUYẾT ĐỊNH GÂY THẤT VỌNG CỦA BOJ

“Có vẻ như BOJ đang chậm chạp trong việc tiến tới dỡ bỏ YCC. Động thái này của BOJ là một phần trong loạt động thái để tạo ra sự linh hoạt cao hơn cho lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản trong bối cảnh lợi suất trái phiếu trên toàn cầu vẫn duy trì ở mức cao”, ông Jeff Ng - trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô châu Á cua SMBC - nhận định. “Thị trường có thể đã kỳ vọng nhiều hơn ở BOJ, hoặc là nhà đầu tư đã mua đồng yên theo tin đồn và giờ họ bán yên theo tin tức”.

Vào buổi sáng, tờ báo Nikkei nói BOJ có thể cho phép lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm tăng vượt 1%. Đồng yên đã tăng giá mạnh sau khi bài báo của BOJ được đăng. Thậm chí, trên thị trường xuất hiện những đồn đoán cho rằng trần lợi suất có thể sẽ được nâng lên 1,5%.

Trong một động thái không nằm ngoài dự báo, BOJ nâng dự báo lạm phát, cho rằng tốc độ lạm phát năm nay và năm tới sẽ vượt xa mục tiêu 2% mà BOJ đề ra. Tuy nhiên, BOJ nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong lúc chờ có thêm những dấu hiệu của tăng trưởng bền vững về tiền lương và giá cả.

“Chúng tôi vẫn chưa thấy có đủ bằng chứng để tin tưởng rằng xu hướng lạm phát sẽ đạt hơn 2% một cách bền vững. Bởi vậy, chúng tôi không nhận thấy rủi ro lớn khi tiếp tục chính sách nới lỏng”, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda phát biểu tại một cuộc họp báo chiều 31/10.

Giới chuyên môn cho rằng BOJ vẫn đang ở vào một thế khó, mắc kẹt giữa một bên là đồng yên mất giá và một bên là lợi suất trái phiếu tăng gây sức ép lên chủ trương kích thích kinh tế. Nếu BOJ dịch chuyển khỏi chính sách nới lỏng để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ, các mục tiêu về kích thích tăng trưởng và lạm phát sẽ bị đe doạ. Ngược lại, nếu kiểm soát chặt chẽ lợi suất để ghìm lãi suất dài hạn ở mức thấp, sức ép mất giá đối với đồng yên sẽ gia tăng.

Kết quả cuộc họp này của BOJ là một sự thất vọng đối với các nhà đầu tư muốn nhận được một dấu hiệu rõ ràng hơn về bình thường hoá chính sách - điều có thể giúp tỷ giá đồng yên trở nên ổn định. Quyết định của BOJ cũng khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu về ý định của các nhà hoạch định sách tiền tệ Nhật Bản.

“BOJ không thể ngồi im khi mà thị trường đồn đoán rằng việc BOJ khoanh tay đứng nhìn sẽ khiến đồng yên tiếp tục bị bán tháo và đạt ra thách thức lớn hơn đối với chính phủ Nhật Bản”, nhà kinh tế trưởng Yasunari Ueno của công ty Mizuho Securities lý giải về kết quả cuộc họp ngày 31/10 của BOJ. “Quyết định này là sản phẩm từ sự thoả hiệp trong tình thế tiến thoái lưỡng nan của BOJ. Các nhà giao dịch có lẽ đã cả nhận được điều đó, và đó là một phần lý do vì sao đồng yên mất giá ngay cả sau khi trần lợi suất được điều chỉnh”.

BAO GIỜ BOJ MỚI XOAY TRỤC CHÍNH SÁCH?

Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm cũng quay đầu giảm sau khi quyết định của BOJ được đưa ra, dù trước đó có lúc đạt 0,955%, cao nhất trong 1 thập kỷ.

Việc đồng yên trượt giá và lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật giảm trở lại cho thấy thị trường tài chính vẫn tin rằng BOJ duy trì cam kết với lập trường chính sách tiền tệ nới lỏng, giữ vị thế ngân hàng trung ương lớn duy nhất trên toàn cầu đi theo hướng này ở thời điểm hiện tại. Các ngân hàng trung ương lớn khác như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều đang chủ trương giữ lãi suất cao hơn lâu hơn, dù đã đi gần đến đoạn kết của chu kỳ tăng lãi suất.

Giới chuyên gia dự báo sẽ đến lúc BOJ phải xoay trục chính sách, và thời điểm cho sự thay đổi đó có thể là mùa xuân năm sau. Tuy nhiên, quyết định vừa rồi của BOJ cho thấy các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương này vẫn đang rất thận trọng.

Thống đốc Ueda đã phát tín hiệu về tầm quan trọng của việc duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo để nuôi dưỡng sự phục hồi kinh tế và mục tiêu lạm phát 2% bền vững lâu dài. Đặc biệt, ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng trưởng tiền lương để hỗ trợ một chu kỳ tăng lạm phát trước khi BOJ có thể xoay trục.

Việc BOJ cho phép lợi suất trái phiếu chính phủ nhích lên được cho là sẽ có ảnh hưởng đến các chính sách của Thủ tướng Fumio Kishida trong lúc ông Kishida đang xoay sở để tăng ngân sách cho quốc phòng và chăm sóc trẻ em đồng thời với giảm thuế để chống lại tác động của lạm phát. Lợi suất trái phiếu tăng đồng nghĩa với Chính phủ Nhật Bản phải trả lãi cao hơn khi phát hành trái phiếu để huy động vốn.

Nhưng dù sao, việc duy trì YCC trước khi có sự thay đổi lớn hơn về chính sách tiền tệ trong những tháng tới cũng được xem là một biện pháp “câu giờ” của BOJ.

“BOJ vẫn đang nhích dần tới bình thường hoá chính sách, nhưng động thái lần này của họ về YCC không được như kỳ vọng của thị trường về một động thái mạnh hơn. Chúng tôi cho rằng đồng yên sẽ có dư địa để tăng giá mạnh trong năm 2024 khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất và BOJ đẩy nhanh việc bình thường hoá chính sách”, chiến lược gia ngoại hối Moh Siong Sim của Bank of Singapore nhận định.

“Bây giờ, tâm điểm chú ý sẽ quay lại với việc liệu Bộ Tài chính Nhật Bản có can thiệp thị trường để bảo vệ tỷ giá yên hay không”, ông Moh phát biểu với Bloomberg.

Nguồn: TBKTVN