Châu Âu kiểm soát thâm hụt ngân sách tốt hơn Mỹ
Khi phải ứng phó với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tiếp đó là cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, các chính phủ ở Mỹ và châu Âu đều phải mạnh tay vay mượn để chi tiêu. Giờ đây, khi những tình huống khẩn cấp đó qua đi, một sự khác biệt lớn đang xuất hiện: trong khi thâm hụt ngân sách của Mỹ tiếp tục tăng, các nước châu Âu trên đà giảm đáng kể tình trạng bội chi.
Điều này trái ngược với những gì diễn ra cách đây hơn 1 thập kỷ, khi thâm hụt ngân sách thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu đã đẩy một số quốc gia trong khu vực Eurozone tới bờ vực vỡ nợ. Những bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng nợ công 2011, cùng với những quy tắc của Eurozone đã giúp thiết lập kỷ luật ngân sách đối với các chính phủ châu Âu - điều mà nước Mỹ hiện nay đang hoàn toàn không có, theo nhận định của tờ Wall Street Journal.
Tuy nhiên, ở thời điểm này, châu Âu hầu như không được hưởng lợi gì từ kỷ luật ngân sách đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ đã tăng mạnh trên toàn cầu trong khoảng 1 tháng trở lại đây, đẩy chi phí đi vay của các chính phủ gia tăng, gồm cả các nước châu Âu. Xu hướng tăng này của lợi suất là hệ quả của nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến việc các ngân hàng trung ương tăng mạnh lãi suất trong hơn 1 năm rưỡi qua để chống lạm phát. Một nguyên nhân quan trọng khác là thâm hụt ngân sách khổng lồ của Mỹ.
THÂM HỤT NGÂN SÁCH MỸ TĂNG, CHÂU ÂU GIẢM
Bộ Tài chính Mỹ mới đây công bố thâm hụt ngân sách chính phủ liên bang nước này trong năm tài khóa 2023 kết thúc vào ngày 30/9 là gần 1,7 nghìn tỷ USD, tương đương 6,3% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Mức thâm hụt này đã tăng lên từ con số 1,4 nghìn tỷ USD, tương đương 5,4% GDP, trong năm tài khóa trước.
Nếu không có một sự điều chỉnh kế toán liên quan tới việc chính quyền Tổng thống Joe Biden chấm dứt chương trình xoá nợ sinh viên, mức thâm hụt lẽ ra đã lên tới gần 2 nghìn tỷ USD.
Trong dự báo công bố vào đầu tháng này, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định thâm hụt ngân sách chính phủ Mỹ sẽ lên tới 7,4% GDP vào năm 2024 và 2025. Trái lại, IMF dự báo tổng thâm hụt ngân sách của các chính phủ trong Eurozone sẽ giảm còn 3,4% GDP trong năm nay, từ mức 3,6% năm 2022 và tiếp tục giảm còn 2,7% vào năm 2024.
Chính những quốc gia chìm sâu trong cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu cách đây hơn 1 thập kỷ được cho sẽ là những nước có mức thâm hụt ngân sách nhỏ hơn. Đối với Hy Lạp, mức dự báo thâm hụt ngân sách mà IMF đưa ra là 1,6% GDP trong năm nay, từ mức 2,3% vào năm ngoái.
Thâm hụt của Bồ Đào Nha được dự báo giảm còn 0,2% GDP từ 0,4% GDP. Ireland thậm chí được cho là sẽ có thặng dư ngân sách năm thứ hai liên tiếp. Italy và Pháp cùng với một số nước khác tiếp tục có mức thâm hụt ngân sách khoảng 5% GDP.
“Tình hình ngân sách chính phủ của Mỹ và châu Âu đã có sự khác biệt ấn tượng. Dường như Mỹ chẳng có nỗ lực nào để giảm chi tiêu hay tăng thu ngân sách”, nhà kinh tế trưởng Christian Keller của ngân hàng Barclays nhận định với Wall Street Journal.
Nếu các dự báo trên của IMF là chính xác, các chính phủ ở châu Âu sẽ không còn là lực lượng dẫn đầu sự gia tăng của nợ công trên toàn cầu. IMF ước tính rằng trong những năm tới, tỷ lệ của nợ chính phủ so với GDP toàn cầu sẽ tăng thêm 1 điểm phần trăm mỗi năm, nhưng chủ yếu do nợ tăng ở Mỹ và Trung Quốc. Nếu không tính đến nợ chính phủ của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, khối nợ công toàn cầu thậm chí còn giảm.
Hơn 1 thập kỷ trước, châu Âu là tâm điểm của những mối lo toàn cầu về sự gia tăng chóng mặt của nợ chính phủ. Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland, Cyprus đều phải được giải cứu, trong đó Hy Lạp thậm chí đã vỡ nợ một số khoản nợ. Trong khoảng thời gian kể từ khi cuộc khủng hoảng đó khép lại bằng các kế hoạch giải cứu và sự hỗ trợ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cho tới khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, hầu hết các chính phủ ở châu Âu đều giảm được thâm hụt ngân sách.
VÌ SAO CHÂU ÂU KIỂM SOÁT TỐT HƠN
Trái lại, thâm hụt ngân sách của Mỹ bắt đầu vượt mức thâm hụt ở các nước châu Âu vào năm 2016 và Mỹ tiếp tục vay mượn ồ ạt trong thời gian Covid-19 hoành hành. Điều đáng nói là Mỹ hầu như không có một phương hướng cụ thể nào để giảm tình trạng thu không đủ chi của ngân sách quốc gia. Chính quyền Tổng thống Biden đã đề xuất một số kế hoạch tăng thuế, nhưng vấp phải sự phản đối của phe Cộng hòa và một số nghị sỹ Dân chủ trong Quốc hội. Đảng Cộng hòa muốn cắt giảm một số khoản chi tiêu nhưng Chính phủ lại không đồng tình.
Quy tắc ngân sách mà Liên minh châu Âu (EU) đưa ra vào năm 1993 quy định thâm hụt ngân sách của các chính phủ thành viên không được vượt quá 3% GDP. Quy tắc này - là một phần của Hiệp ước Maastricht mở đường cho sự ra đời của đồng Euro - đã bị đình chỉ vào năm 2020 để cho phép các nước châu Âu phản ứng với đại dịch và tiếp đó, sự đình chỉ được gia hạn để hỗ trợ các hộ gia đình trong giai đoạn khủng hoảng năng lượng do cuộc chiến tranh ở Ukraine. Một hệ quả không thể tránh khỏi là thâm hụt ngân sách và nợ chính phủ của các nước châu Âu cùng tăng trong giai đoạn đó.
Dự báo thâm hụt ngân sách của các nước châu Âu giảm như IMF đưa ra chủ yếu phản ánh việc các quốc gia này giờ đây không còn phải thực thi sự hỗ trợ khẩn cấp cho nền kinh tế. Nhưng ngoài ra, những ký ức đau thương về cuộc khủng hoảng nợ công 2011 có thể sẽ là nhân tố đảm bảo rằng các chính phủ châu Âu sẽ thận trọng hơn với sự gia tăng của thâm hụt ngân sách.
Tuy vậy, các nước châu Âu không muốn các quy tắc ngân sách được giữ nguyên đúng như trước khi được đình chỉ trong thời gian đại dịch. Một trong những sự chỉ trích nhằm vào bộ quy tắc này là thay vì kiểm soát mức chi tiêu cụ thể, các quy tắc đã buộc các chính phủ trì hoãn việc đầu tư vốn là cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, bao gồm việc làm cho nền kinh tế châu Âu trở nên xanh hơn...
Nguồn: TBKTVN