Khẩn thiết thúc đẩy chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản ĐBSCL
Từ một khu đất hoang sơ, nhiễm phèn, sau khoảng hơn 10 năm, hơn 150 ha đất của anh Nguyễn Văn Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Chanh Việt đã được đầu tư cải tạo thành một trong những nông trại trồng chanh không hạt lớn nhất Việt Nam. Từ đó, đã tạo sự lan tỏa ra vùng nguyên liệu hàng ngàn ha của huyện Bến Lức, đưa cây chanh trở thành một trong những cây trồng quan trọng của tỉnh Long An.
Anh Nguyễn Văn Hiển (đang phát biểu), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Chanh Việt cho biết Chanh Việt hoàn toàn có thể cạnh tranh tốt với các doanh nghiệp nước ngoài ở thị trường nội địa
Anh Hiển cho biết hiện đã liên kết được nhiều nhà vườn, hợp tác xã… để hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng chanh sạch, bao tiêu sản phẩm. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt theo phương pháp hữu cơ và tuân thủ các quy chuẩn chất lượng, quy trình sản xuất, chanh thương hiệu Việt đã được phổ biến ở các thị trường khó tính như Nhật Bản, Châu Âu, Ấn Độ…
Tuy nhiên, theo anh Hiển, hoạt động sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản luôn đi kèm những thách thức. Cụ thể, trên thị trường không có máy móc nào sản xuất ra dành riêng cho quả chanh. Chính vì thế, anh đã phải đi nhiều nước để tìm hiểu công nghệ cũng như quy trình làm ra các sản phẩm từ chanh. Đến nay, anh đã nghiên cứu góp nhặt các quy trình, sau đó chế lại để phù hợp cho khâu chế biến. Đến nay, anh đã có nhà xưởng chế biến và kho đông lạnh có thể chứa 400-500 tấn nước cốt chanh, tương đương với 4.000-5.000 tấn chanh.
Tận dụng xơ mướp sản xuất thành những mặt hàng mang lại giá trị gia tăng cao
"Chúng tôi tạo ra các sản phẩm về nông nghiệp và tăng giá trị của sản phẩm đó; sẽ cùng phối hợp với các viện, trường để tập trung nghiên cứu tăng giá trị quả chanh nói chung cũng như một số loại nông sản phù hợp với điều kiện của chúng tôi", anh Hiển nói.
Tại ĐBSCL thời gian qua, tín hiệu đáng mừng là ở nhiều nơi đã hình thành đa dạng các liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp. Cụ thể như liên kết theo chuỗi giá trị; liên kết ngành, cụm ngành hàng chủ lực; liên kết theo chuỗi sản xuất và chế biến; liên kết hướng đến thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; liên kết vận tải - logistics và liên kết công nghệ thông tin. Tuy nhiên, việc liên kết đó hiệu quả chưa đạt như mong muốn; đồng thời còn thiếu tính bền vững.
Ở nhiều địa phương trong vùng, vẫn còn tình trạng “bẻ kèo” hợp đồng khi giá cả thị trường thay đổi. Các hình thức liên kết còn lại chỉ dừng ở giai đoạn thử nghiệm. Chính vì thế, việc hình thành các chuỗi liên kết giá trị có tính chuyên nghiệp cao là rất cần thiết, làm hạn chế việc không đồng bộ về cung cầu, khắc phục tính dễ bị tổn thương, gây đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa.
Xoài cát chu - giống xoài truyền thống tại Đồng Tháp
PGS.TS Lý Nguyễn Bình, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng trên nền tảng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thực phẩm đã trở thành một yếu tố không thể thiếu để tối ưu hóa quá trình sản xuất và chế biến nông sản, phục vụ cho việc nâng cao giá trị sản phẩm; góp phần cho tiêu thụ và xuất khẩu:
"Chúng ta có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp nói chung. Gần đây, sau dịch Covid cho thấy thương mại điện tử đã góp phần làm tăng hiệu quả kinh doanh nông sản. Cụ thể về ngành rau quả cho thấy sản xuất và kinh doanh rau quả đang phát triển mạnh, doanh số vượt qua lĩnh vực lúa gạo. Hiện cả nước có khoảng 7500 cơ sở chế biến, sản xuất thực phẩm và khoảng 160 nhà máy chế biến có công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, tỷ trọng rau quả qua chế biến thì chỉ chiếm 10% tổng sản lượng rau quả sản xuất ra. Điều đó cho thấy là khâu sản xuất, chế biến còn khá nhỏ", PGS.TS Lý Nguyễn Bình cho biết.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, các địa phương vùng ĐBSCL cần tăng cường liên kết. Chính việc liên kết vùng hiệu quả sẽ đồng thời tạo nên các vùng nguyên liệu tập trung, bảo đảm sản lượng và chất lượng nông sản, nhất là đối với các loại trái cây có thế mạnh của từng địa phương. Nông sản nhờ đó sẽ được sản xuất với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao cho các vùng lúa, rau, cây ăn trái, dừa, vùng nuôi tôm, cá trọng điểm…, từ đó đưa ĐBSCL trở thành trung tâm sản xuất, chế biến cung ứng một số sản phẩm nông sản đặc sản, chất lượng cao
"Theo thống kê của chúng tôi, có khoảng 4000 doanh nghiệp đang sản xuất và xuất khẩu thủy sản. Trong đó phần về sản xuất không chiếm nhiều nhưng về thương mại thì rất lớn. Họ ít tiếp cận về kỹ thuật nhưng tập trung về thương mại. Tôi nghĩ với tình hình phát triển logistics của Việt Nam như hiện nay thì rõ ràng tương lai ĐBSCL sẽ có nhiều đơn vị tham gia thương mại về thủy sản cũng như nông sản. Do đó chúng ta phải chuẩn bị tinh thần để phát triển một cách bền vững. Bởi vì trong vấn đề về nông sản, yếu tố an toàn thực phẩm vẫn là hàng đầu. Và gắn với an toàn thực phẩm thì không thể nói rằng tôi ở khâu này thì tôi làm tốt khâu đó, mà phải xuất phát từ gốc là cây con giống, nuôi trồng, canh tác", ông Trương Đình Hòe cho biết.
Tín hiệu đáng mừng là vai trò “nhạc trưởng” của Cần Thơ ở vùng ĐBSCL đã được các cấp lãnh đạo Trung ương nhìn nhận, đã và đang ban hành một số chính sách, giải pháp khẩn thiết nhằm thúc đẩy chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản cho Vùng. Trong đó, việc xúc tiến thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại thành phố Cần Thơ được coi là động lực thúc đẩy phát triển vùng ĐBSCL.
Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thành phố Cần Thơ, dự án Trung tâm liên kết xây dựng tại Cần Thơ có diện tích 250 ha, được chia thành hai khu (Khu 1 rộng 50 ha tại quận Bình Thủy, Khu 2 rộng 200 ha tại huyện Cờ Đỏ) với 10 chức năng hoạt động.
Ông Nguyễn Tấn Nhơn cho biết, Trung tâm liên kết được xác định sẽ trở thành “Một điểm đến, đa dịch vụ” góp phần hình thành chuỗi sản xuất liên kết gắn nhà nông, nhà sản xuất và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu; khuyến khích thiết lập mối liên kết giữa vùng sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần gia tăng lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu và giá trị gia tăng của sản phẩm.
"Chúng tôi xác định trung tâm đầu mối, tổng hợp của Cần Thơ với chức năng chính là thương mại và logistics, nghiên cứu phát triển, đào tạo và chuyển giao công nghệ, công nghiệp chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị cho sản phẩm nông sản, đặc biệt là lúa gạo, thủy sản. Vấn đề này cũng đã xác định tại quyết định của Thủ tướng trong phê duyệt quy hoạch của vùng ĐBSCL. Do đó, từ cơ sở này, chúng tôi đã xây dựng đề án để thành lập trung tâm. Hiện cũng đã đưa vào quy hoạch tích hợp của Cần Thơ và Thủ tướng cũng đã phê duyệt quy hoạch", ông Nguyễn Tấn Nhơn nói.
Dù là vùng sản xuất nông sản trọng điểm, nhưng chế biến và gia công sản phẩm nông nghiệp của ĐBSCL lại là khâu yếu nhất. Các nhà máy chế biến chưa đáp ứng được so với sản lượng sản xuất ra, nên gây lãng phí, giảm giá trị sản phẩm. Chính vì thế, việc xây dựng, hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn; hình thành chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, giữa nông dân với các cơ sở chế biến và cơ sở kinh doanh để kết nối được lợi ích với nhau cùng phát triển là vấn đề đặt ra cho ĐBSCL lúc này.
Nguồn: VOV