Cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon (CBAM): Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam
Ngày 08/11, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Quốc tế TP Hồ Chí Minh (CIIS) tổ chức Hội thảo “Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM): Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam”. Hội thảo thu hút sự tham dự của 100 đại biểu đến từ các Hiệp hội doanh nghiệp; các doanh nghiệp xuất khẩu và các cơ quan truyền thông báo đài trên địa bàn Thành phố.
Một trong những vấn đề mới và được quan tâm nhất hiện nay đối với hàng hóa xuất khẩu vào EU là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ được Liên minh Châu Âu (EU) thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 01/10/2023 và thực hiện đầy đủ từ năm 2026. Đây là cơ chế sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. CBAM được EU thiết kế tương thích với các quy định của WTO.
Xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, hydrogen và điện là những lĩnh vực đầu tiên chịu tác động của CBAM. Trong đó, tại Việt Nam, 4 lĩnh vực hiện có hàng hóa xuất khẩu đáng kể sang thị trường EU là: nhôm, thép, xi măng và phân bón. Đặc biệt, riêng các sản phẩm từ sắt thép chiếm gần 80% giá trị của 4 mặt hàng xuất khẩu này . Chính vì vậy, đây là một thách thức mới với các doanh nghiệp ở những ngành hàng này, nhất là với ngành thép. Nếu các doanh nghiệp sản xuất thép tại Việt Nam không lên kế hoạch giảm lượng khí thải carbon và nhanh chóng triển khai ngay từ bây giờ, sản phẩm xuất khẩu sẽ khó cạnh tranh và giữ được vị thế trên thị trường.
Các diễn giả đã chia sẻ về lộ trình áp dụng CBAM trong thời gian tới, CBAM sẽ có tác động chủ yếu đến mặt hàng thép và xi măng do suất phát thải lớn, vì vậy các doanh nghiệp trong lịch vực thép, xi măng nói riêng và các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung phải có nhận thức rõ ràng về các quy định, yêu cầu của thị trường mà doanh nghiệp đang hướng tới. Các diễn giả cũng giúp các nhà sản xuất ngoài thị trường EU nhận diện và thu thập dữ liệu phát thải tích hợp cần thiết để khai báo khi nhập khẩu vào thị trường EU và một số giải pháp hiệu quả cho doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng lợi thế từ EVFTA, hướng đến phát triển bền vững.
Việc chuyển đổi sản xuất xanh không chỉ có ý nghĩa quan trọng với bản thân mỗi doanh nghiệp mà còn tác động tới cả chuỗi cung ứng. Bởi vì, khi một đơn vị cung ứng giảm phát thải, các doanh nghiệp trong chuỗi hoạt động cũng sẽ đến gần hơn với mục tiêu về giảm phát thải và Net Zero. Khi có mạng lưới doanh nghiệp cùng nỗ lực giảm phát thải, trung hòa carbon gắn kết với nhau, các doanh nghiệp sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế và mở ra được những cơ hội mới trong thách thức chung do thuế carbon.
Nguồn: Phòng Thông tin ITPC