Diễn đàn hợp tác và phát triển ngành Halal trong khối ASEAN
Ngày 31/10/2023, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) phối hợp với Sở Công Thương, Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (FFA), Tổng Lãnh sự quán Malaysia, Tổng Lãnh sự quán Cộng hòa Indonesia, Tổng Lãnh sự quán Cộng hòa Singapore tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức “Diễn đàn hợp tác và phát triển ngành Halal trong khối ASEAN”. Diễn đàn nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng hàng hoá Halal quốc tế, tăng cường các hoạt động xuất khẩu vào thị trường các nước Hồi giáo; đồng thời thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các quốc gia Hồi giáo tại ASEAN nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Chương trình có sự tham dự của ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM; Ông Agustaviano Sofjan, Tổng Lãnh sự Cộng hòa Indonesia tại TP.HCM; Bà Rosmizah Binti Mat Jusoh, Lãnh sự Thương mại, Tổng Lãnh sự quán Malaysia tại TP.HCM (MATRADE); Bà Mabel NEO, Giám đốc vùng Enterprise Singapore- Bộ Thương Mại Singapore tại VP Việt Nam kiêm Lãnh sự Thương Mại - Tổng Lãnh sự quán Singapore tại TP.HCM; Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC); Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA); Ông Jason Yeo - Phó chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp Singapore tại Việt Nam; Ông Tee Ramlan - Giám đốc Vietnam Halal Center (VHC); Bà Lê Thị Phượng, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Mekong Herbals. Chương trình còn thu hút sự quan tâm và tham dự của 285 đơn vị với tổng số 324 đại biểu bao gồm đại diện các tỉnh/thành, các cơ quan ngoại giao, hiệp hội doanh nghiệp cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các cơ quan Thông tấn báo đài.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết UBND thành phố đang triển khai các hoạt động nhằm định hướng phát triển ngành công nghiệp Halal gắn với sản xuất - tiêu dùng xanh và xuất khẩu bền vững. “Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại của Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm tiếp theo đồng thời tăng cường triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” theo Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 14/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ, tôi đề nghị Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố tiếp tục phối hợp Sở Công Thương và Lãnh sự quán các nước triển khai các chương trình hội thảo, diễn đàn đồng thời nghiên cứu và tìm hiểu các khó khăn thực tế mà doanh nghiệp gặp phải cũng như khả năng và năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu Halal vào các quốc gia Hồi giáo trên thế giới. Từ đó tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu Halal, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tận dụng hiệu quả chính sách thuế nhập khẩu từ các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới CPTPP, EVFTA,...”, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC cho biết khu vực Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương là thị trường xuất khẩu tiềm năng của sản phẩm Halal khi số dân theo đạo Hồi và sử dụng thực phẩm Halal khoảng 860 triệu người. Đây là địa bàn tiêu thụ thực phẩm Halal lớn nhất thế giới với khoảng 470 tỉ USD, trong đó Đông Nam Á là 230 tỉ USD. Theo bà Cao Thị Phi Vân, Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu nông sản, thủy sản lớn trên thế giới, có vị trí địa lý gần những thị trường tiêu dùng sản phẩm Halal và là một nước hội nhập sâu. Nhiều quốc gia Hồi giáo là các thị trường tiêu dùng hoặc xuất khẩu sản phẩm Halal lớn trên thế giới như Ả Rập Saudi, Indonesia, Malaysia… quan tâm, mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong đầu tư, phát triển ngành hàng Halal. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chỉ có khoảng 20 mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Halal, 9 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sang các quốc gia Hồi giáo trong khu vực ASEAN chỉ trên 26,37 tỉ USD, khá khiêm tốn so với tiềm năng. “Có thể khẳng định cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào thị trường Halal toàn cầu là rất lớn, không chỉ đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, phát triển du lịch, mà còn mở ra việc xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh như nông sản, thực phẩm chế biến, dược phẩm, mỹ phẩm... và thu hút đầu tư vốn, tài chính của các tập đoàn quốc tế, khu vực vào Việt Nam, góp phần giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển... đạt tiêu chuẩn Halal”, bà Cao Thị Phi Vân cho biết.
Chia sẻ tại Diễn đàn, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM nhìn nhận thị trường Halal rất rộng lớn và doanh nghiệp Việt vẫn đang ở bước đầu khai phá. Bà Lý Kim Chi chỉ ra một số thách thức khiến xuất khẩu thực phẩm Halal còn thấp, đồng thời nhận xét thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp lương thực - thực phẩm chủ động tìm hiểu, nghiên cứu quy trình, yêu cầu riêng biệt của từng thị trường Halal như Vinamilk, Mikko, Bibica, Cholimex, Hùng Hậu... và đã xuất khẩu sản phẩm sang nhiều nước Hồi giáo. Tuy nhiên theo bà Lý Kim Chi, nhìn chung giá trị xuất khẩu vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của doanh nghiệp.
Khẳng định tiềm năng của thị trường Halal, ông Agustaviano Sofjan, Tổng Lãnh sự Indonesia tại TP HCM, thông tin năm 2021, tổng tiêu dùng hàng hóa Halal và dịch vụ (chưa kể dịch vụ tài chính) của các nước Hồi giáo đã đạt 2.000 tỉ USD, khả năng đến năm 2025 sẽ đạt 2.800 tỉ USD. Tiêu dùng thực phẩm Halal tăng 6,9% trong các năm đại dịch COVID-19, dự kiến đến năm 2025 đạt trên 1.600 tỉ USD.
Chương trình “Diễn đàn hợp tác và phát triển ngành Halal trong khối ASEAN” lần này hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp Thành phố tiếp cận những thông tin, định hướng cho Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và liên kết vùng nói chung để phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm Halal. Đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội trao đổi, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và phát triển sản phẩm theo quy trình chuẩn chất lượng Halal, cũng như khai thác tiềm năng hợp tác và phát triển lĩnh vực sản xuất thực phẩm; đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường các nước Hồi giáo.
NGUỒN: Phòng Thông tin ITPC