Bhutan: Nền kinh tế carbon âm tính duy nhất trên toàn cầu
Với việc bảo tồn rừng gắn liền với triết lý quốc gia về “hạnh phúc”- một trụ cột trong hiến pháp Bhutan là nền tảng cho kế hoạch xanh của quốc gia Nam Á - Bhutan được coi là quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới tuyên bố không chỉ trung hòa carbon mà còn có lượng carbon âm tính đáng kể.
BẢO TỒN RỪNG LÀ NỀN TẢNG CHO CARBON ÂM TÍNH
Carbon âm tính (carbon-negative) là trạng thái mà một quốc gia hoặc thực thể cô lập nhiều carbon dioxide (CO₂) từ khí quyển hơn lượng phát thải.
Khái niệm này vượt ra ngoài mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng không (net-zero emissions), trong đó lượng CO₂ phát thải được cân bằng với lượng loại bỏ. Thay vào đó, trạng thái carbon âm tính liên quan đến việc chủ động giảm nồng độ CO₂ trong khí quyển, theo The Conversation.
Nền tảng của chiến lược đạt mục tiêu carbon âm tính của Bhutan - quốc gia ở phía Đông dãy Himalaya - là chính sách bảo tồn rừng nghiêm ngặt. Hiến pháp Bhutan quy định rằng ít nhất 60% diện tích đất phải được rừng bao phủ.
Hiện tại, Bhutan đã vượt qua yêu cầu này, với khoảng 72% diện tích đất được bao phủ bởi rừng. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), khoảng 3.249.000 ha của Bhutan là rừng. Trong số này, 12,7% (413.000 ha) được phân loại là rừng nguyên sinh, dạng rừng có đa dạng sinh học và hàm lượng carbon cao nhất.
Diện tích rừng rộng lớn đóng vai trò quan trọng trong việc cô lập carbon dioxide và hoạt động như một bể chứa lớn hấp thụ khoảng 6 triệu tấn carbon dioxide mỗi năm.
Ngoài nỗ lực chủ động tái tạo rừng và trồng rừng, Chính phủ Bhutan đã khởi xướng nhiều chương trình phục hồi đất đai bị thoái hóa và mở rộng diện tích rừng.
Tháng 6/2015, các tình nguyện viên Bhutan đã lập kỷ lục thế giới bằng cách trồng 49.672 cây chỉ trong một giờ.
Năm 2021, Chương trình Triệu cây được triển khai tại thủ đô Thimphu nhằm mục đích thúc đẩy sự đa dạng sinh thái thông qua việc phục hồi hơn 1214 ha rừng bị thoái hóa và phục hồi 809 ha đất nông nghiệp bỏ hoang, theo Bhutan Foundation.
Những nỗ lực này không chỉ góp phần cô lập carbon mà còn tăng cường đa dạng sinh học, bảo vệ lưu vực sông và hỗ trợ cộng đồng địa phương.
NỀN KINH TẾ BỀN VỮNG TOÀN DIỆN
Nông nghiệp bền vững là một thành phần quan trọng khác trong chiến lược âm tính carbon của Bhutan.
Quốc gia này thúc đẩy các hoạt động canh tác hữu cơ (organic farming) giúp giảm thiểu việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu tổng hợp. Bhutan cũng sử dụng các phương pháp canh tác truyền thống ít phát thải carbon như luân canh cây trồng, quản lý dịch hại và sử dụng phân hữu cơ tự nhiên.
Từ năm 2003, Khung quốc gia về canh tác hữu cơ cho Bhutan (NFOFB) và Chương trình hữu cơ quốc gia (NOP) được khởi xướng. Năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Bhutan (MoAF) ban hành Kế hoạch tổng thể hữu cơ cho đến năm 2023.
Theo bình luận của Organica Biotech, đây là những chương trình chủ lực cấp quốc gia để phát triển lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ. Mục tiêu là sản xuất thực phẩm theo cách bền vững mà không ảnh hưởng đến môi trường, thúc đẩy sản lượng để hỗ trợ các cơ hội thương mại và nghiên cứu khoa học để áp dụng công nghệ mới và các giải pháp canh tác bền vững,
Xu hướng phát thải khí nhà kính và cân bằng bể chứa carbon của Bhutan từ năm 1994 đến năm 2015 tính theo Gg CO2e. Nguồn: Thông cáo quốc gia lần thứ ba của Bhutan gửi UNFCCC
Không chỉ giới hạn ở lâm nghiệp, năng lượng và nông nghiệp, quốc gia này đã triển khai nhiều biện pháp khác nhau để giảm phát thải trong nhiều lĩnh vực.
Phần lớn điện năng của Bhutan được tạo ra từ thủy điện - vốn được coi là nguồn năng lượng sạch, dữ liệu của chính phủ cho thấy giao thông là tác nhân đóng góp nhiều nhất vào lượng khí thải carbon của đất nước.
Theo Bộ thông tin Bhutan, ô tô, xe tải và các phương tiện khác chịu trách nhiệm cho hơn 45% lượng khí nhà kính của Bhutan.
Do đó, đất nước này đang tích cực thúc đẩy việc sử dụng xe điện (EV) thay thế cho phương tiện giao thông chạy bằng nhiên liệu hóa thạch thông thường. Sáng kiến taxi điện là một trong nhiều biện pháp mà chính phủ Bhutan đang thực hiện.
Chiến dịch xe điện vào năm 2022, được đồng tài trợ bởi Cơ quan Môi trường Toàn cầu do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, cung cấp cho chủ xe taxi nhiều ưu đãi, bao gồm cả miễn thuế nhập khẩu.
Những chủ xe nộp đơn đủ điều kiện sẽ được hoàn 20% chi phí của chiếc taxi mới họ mua dưới dạng tiền mặt, cùng với khoản vay lãi suất thấp từ Ngân hàng Bhutan cho 70% giá mua. Như vậy, chủ xe chỉ phải trả trước 10%. Theo ước tính, chiến dịch có thể cắt giảm 43.000 tấn khí thải nhà kính trong 9 năm.
Đặt mục tiêu thay thế tất cả các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch bằng những chiếc xe điện Chính phủ Bhutan đã bắt đầu cung cấp điện miễn phí cho nông dân ở vùng nông thôn để giảm bớt sự phụ thuộc vào bếp củi để nấu ăn. Đồng thời xây dựng quan hệ đối tác với hãng xe Nissan để cung cấp ô tô điện
Ngoài giao thông, Bhutan đang tăng cường hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà và ngành công nghiệp với việc đưa ra các quy định và tiêu chuẩn để cải thiện hiệu suất năng lượng của các công trình xây dựng mới và cải tạo các tòa nhà hiện có.
Đáng chú ý, Bhutan đang thúc đẩy vị thế carbon âm tính của mình bằng cách kết hợp các công nghệ mới nổi vào hoạt động quản lý tài sản carbon. Quốc gia Sấm Rồng này đang sử dụng cảm biến từ xa vệ tinh, máy bay không người lái và cảm biến mặt đất để theo dõi chi tiết về hiệu suất che phủ rừng và thủy điện. Học máy và AI được sử dụng để phân tích dữ liệu và nâng cao độ chính xác trong ước tính lưu trữ và giảm carbon.
Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, bao gồm kho dự trữ khí nhà kính quốc gia, sổ đăng ký carbon, cơ chế mã hóa để theo dõi và giao dịch tín chỉ carbon hiệu quả được ưu tiên đầu tư phát triển. Các hệ thống này được thiết kế để tăng cường tính minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia vào thị trường carbon.
Có thể thấy, bằng nhiều cách khác nhau, Bhutan đang nỗ lực tích hợp sổ đăng ký quốc gia của mình với các nền tảng toàn cầu như Climate Action Data Trust (CAD Trust) để hài hòa hóa và tăng cường tính minh bạch trên thị trường carbon quốc tế.
CÂN BẰNG GIỮA KINH TẾ VÀ MÔI TRƯỜNG, XÃ HỘI VĂN HÓA
Bhutan có kế hoạch đạt mục tiêu Netzero và không tạo ra chất thải vào 2030. Điều này có nghĩa là đưa ra một kế hoạch hành động toàn diện, với các mục như tăng cường sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng tái tạo như gió, khí sinh học và năng lượng mặt trời.
Trong bài diễn thuyết Ted năm 2016, thủ tướng Bhutan Tshering Tobgay lúc bấy giờ đã nhấn mạnh quan điểm “ưu tiên hạnh phúc hơn tăng trưởng kinh tế, như là động lực chính thúc đẩy tiến bộ xã hội và môi trường” của quốc gia này.
Không giống như hầu hết các quốc gia sử dụng Chỉ số Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để đo lường sự phát triển, Bhutan sử dụng Chỉ số Hạnh phúc Quốc gia Tổng thể (GNH). Tầm nhìn này nhằm mục đích cải thiện hạnh phúc và phúc lợi của người dân về mặt môi trường, xã hội-văn hóa và kinh tế.
Nêu rõ hơn về cam kết này, cựu Thủ tướng Tobgay nói rằng: "Chúng tôi đã làm việc không biết mệt mỏi để phát triển một quốc gia cân bằng cẩn trọng giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội, tính bền vững của môi trường và bảo tồn văn hóa".
Quốc gia Nam Á ưu tiên hạnh phúc coi tăng trưởng kinh tế như là động lực chính thúc đẩy tiến bộ xã hội và môi trường của quốc gia.
Bởi môi trường đóng một phần không thể thiếu trong hạnh phúc chung của xã hội nên bảo vệ môi trường và xây dựng nền kinh tế xanh, thúc đẩy phát triển bền vững đã trở thành trọng tâm của quá trình ra quyết định và là sứ mệnh đạo đức của mỗi người dân Bhutan.
Kết thúc bằng thông điệp “cùng nhau mơ ước, cùng nhau làm việc để chống lại biến đổi khí hậu, bảo vệ hành tinh”, Cựu Thủ tướng Tobgay gửi gắm: "Tôi nhờ các bạn giúp tôi, mang giấc mơ này vượt ra khỏi biên giới của đất nước chúng tôi đến với tất cả những ai quan tâm đến tương lai của hành tinh chúng ta”.
Bhutan đã biến điều mà chưa quốc gia nào khác có thể đạt được thành hiện thực. Quốc gia “carbon âm tính” này đã cho chúng ta thấy cách giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu bằng lòng trắc ẩn, cam kết và sự sáng tạo để cuối cùng giành chiến thắng.
Nguồn: TBKTVN