Ấn Độ ngày càng chiếm ưu thế trong thị trường mới nổi của MSCI
Các nhà phân tích từ công ty phân tích đầu tư Smartkarma và nền tảng đầu tư chứng khoán IIFL Securities kỳ vọng rằng tỷ trọng của thị trường Ấn Độ trong chỉ số thị trường mới nổi của MSCI sẽ tăng ít nhất 1% sau đợt đánh giá của nhà cung cấp chỉ số này trong tuần này. Điều này sẽ đưa thị trường Ấn Độ gần ngang bằng với Trung Quốc, hiện chiếm 22,33% chỉ số thị trường mới nổi của MSCI.
Ấn Độ hiện chiếm 19,99% chỉ số thị trường mới nổi của MSCI. Việc tăng tỷ trọng trong rổ MSCI sẽ đưa Ấn Độ trở thành sức hút mới cho cổ phiếu thị trường mới nổi, có khả năng thúc đẩy dòng vốn chảy vào quốc gia này.
Các nhà quản lý quỹ cho biết rằng sức nặng ngày càng tăng của thị trường Ấn Độ có thể khiến thước đo thị trường mới nổi hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư toàn cầu vốn đã cảnh giác trước sự ảnh hưởng của Trung Quốc đối với chỉ số này.
"Nó có thể khiến chỉ số thị trường mới nổi cân bằng hơn, nơi các câu chuyện tăng trưởng trung lập như Ấn Độ nhận được sự phân bổ cao hơn" so với các thị trường theo chu kỳ hơn như Trung Quốc và Hàn Quốc, ông Vivek Dhawan, giám đốc danh mục đầu tư tại công ty quản lý đầu tư Candriam Belgian NV cho biết.
Sự thay đổi này có một tác dụng phụ. Những người theo dõi chỉ số thị trường mới nổi của MSCI có thể buộc phải phân bổ tiền vào các cổ phiếu vốn đã đắt đỏ của Ấn Độ vào thời điểm các giao dịch sôi động đang bị ảnh hưởng do tình hình hỗn loạn trên thị trường toàn cầu.
Ấn Độ - từ lâu được coi là "Trung Quốc tiếp theo" - đã nổi lên như một quốc gia được các nhà đầu tư yêu thích, nhờ vào tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, tầng lớp trung lưu đang phát triển và lĩnh vực sản xuất chế tạo đang bùng nổ. Trong khi đó, Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức kinh tế dài hạn và mối quan hệ ngày càng căng thẳng với phương Tây.
"Nhiều nhà đầu tư toàn cầu trước đây không coi Ấn Độ là một danh mục phân bổ độc lập thì giờ đây sẽ nhìn nhận quốc gia này theo hướng tích cực hơn", ông Hiren Dasani, đồng giám đốc vốn thị trường mới nổi và giám đốc danh mục đầu tư vốn chiến lược Ấn Độ tại công ty quản lý tài sản Goldman Sachs Asset Management, cho biết.
Vị thế của Trung Quốc tại các thị trường mới nổi đã giảm trong vài năm qua, trong khi vị thế của Ấn Độ vẫn không ngừng mở rộng. Vào thời kỳ đỉnh cao năm 2020, Trung Quốc chiếm 40% chỉ số thị trường mới nổi của MSCI, nhưng tỷ trọng đó đã giảm trong bối cảnh Bắc Kinh siết chặt quản lý và nỗ lực giảm đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp bất động sản.
Tính đến cuối tháng 7, tỷ trọng của Ấn Độ chỉ kém Trung Quốc 2,34 điểm phần trăm trong chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Brian Freitas, nhà phân tích tại Smartkarma, cho biết: "Với thị trường chứng khoán đang tăng trưởng, lượng cổ phiếu lưu hành tự do tăng lên cho các công ty và các đợt niêm yết lớn mới tại Ấn Độ, khoảng cách về tỷ trọng sẽ tiếp tục thu hẹp vào cuối năm".
Trong khi đó, thị trường Đài Loan đang cạnh tranh quyết liệt với Ấn Độ trong cuộc đua thay thế vị trí hàng đầu của Trung Quốc trong danh mục đầu tư cổ phiếu thị trường mới nổi. Tính đến cuối tháng 7, thị trường Đài Loan chiếm tỷ trọng 18,39% chỉ số thị trường mới nổi của MSCI.
Trong khi Ấn Độ được hưởng lợi từ sự bùng nổ về cơ sở hạ tầng do các dự án hiện đại hóa của Thủ tướng Narendra Modi mang lại, thì sự trỗi dậy của Đài Loan lại được hỗ trợ bởi sự quan tâm toàn cầu đối với các nhà sản xuất chip trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là nơi đặt trụ sở của TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới.
Ông Abhilash Pagaria, trưởng bộ phận phân tích thay thế và định lượng tại công ty quản lý tài sản Nuvama, cho biết trong lần xem xét này, MSCI có khả năng sẽ bổ sung 6 cổ phiếu vào chỉ số quan trọng thị trường Ấn Độ của họ, bao gồm Dixon Technologies - nhà cung ứng của Samsung Electronics - và nhà phát triển bất động sản Oberoi Realty.
Trong khi chứng khoán Trung Quốc đang gặp khó khăn, chỉ số NSE Nifty 50 của Ấn Độ đã tăng 12% kể từ đầu năm đến nay. Chỉ số này đang trên đà của năm thứ chín liên tiếp tăng trưởng.
"Chúng tôi coi thị trường Ấn Độ là một sự đa dạng hóa so với một số điểm yếu của thị trường Trung Quốc", bà Seema Shah, chiến lược gia toàn cầu tại công ty quản lý tài sản Principal Asset Management, cho biết. Nữ chiến lược giao nói thêm: "Rất nhiều tiềm năng mà mọi người đã nói đến trong nhiều năm qua đang có triển vọng trở thành hiện thực".
Nguồn: Báo Đầu tư