Quay lại

Chứng khoán Mỹ tăng bùng nổ sau báo cáo PPI, giá dầu tụt 2%

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (13/8), tiến gần tới mức kỷ lục thiết lập vào tháng trước, sau khi nhà đầu tư nhận được một trong hai báo cáo lạm phát quan trọng công bố trong tuần này. Giá dầu thô đứt chuỗi phiên tăng do mối lo về nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu lấn át mối lo về sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Trung Đông.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 408 điểm, tương đương tăng 1,04%, đạt 39.765,64 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 2,43%, đạt 17.187,61 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,68%, đạt 5.434,43 điểm.

Ở mức điểm hiện tại, S&P 500 chỉ còn thấp hơn chưa đầy 5% so với mức cao nhất mọi thời đại ghi nhận trong tháng 7.

Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá nhà sản xuất (PPI), một thước đo giá bán buôn, tăng 0,1% trong tháng 7 so với tháng trước. Mức tăng này thấp hơn dự báo tăng 0,2% mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones, đồng thời bằng với mức tăng của tháng 6.

Số liệu PPI mang tới cho nhà đầu tư niềm tin lớn hơn về sự tiếp tục của tiến trình giảm lạm phát trong nền kinh tế Mỹ. Thị trường đang kỳ vọng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mà Bộ Lao động Mỹ dự kiến công bố vào ngày thứ Tư sẽ cho thấy mức tăng 0,2% trong tháng 7 so với tháng 6, sau khi chỉ số này bất ngờ giảm 0,1% trong tháng 6.

Lạm phát dịu đi như dự báo có thể mang lại cho thị trường - vốn đang có cảm giác bất định sau những biến động vào tuần trước - một hướng đi cụ thể hơn.

“Dữ liệu PPI ngày hôm nay là bằng chứng rõ nét hơn cho thấy sự đảo chiều của lạm phát, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ. Những nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu trong thời gian gần đây vì cho rằng giá cổ phiếu sẽ giảm có lẽ đang cảm thấy hối tiếc. Tình hình lạm phát không hề xấu như họ có thể đã nghĩ”, chiến lược gia trưởng David Russell của công ty TradeStation nhận định.

Nếu so với mức điểm đóng cửa của phiên bán tháo diễn ra vào hôm 6/8, S&P 500 hiện đã tăng 4,2%. Nỗi sợ hãi của nhà đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall cũng lắng xuống, với chỉ số VIX đo lường tâm trạng này dao động dưới mức 20 điểm trong phiên ngày thứ Ba, sau khi tăng vọt lên 65 điểm vào tuần trước.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,61 USD/thùng, tương đương giảm 1,96%, chốt ở mức 80,69 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,71 USD/thùng, tương đương giảm 2,14%, còn 78,35 USD/thùng.

Dầu giảm giá khi các nhà giao dịch không còn lo ngại nhiều về nguy cơ chiến tranh lan rộng ở Trung Đông, do Iran chưa hiện thực hóa lời đe dọa trả đũa Israel về vụ ám sát một thủ lĩnh phiến quân Hamas ở Tehran.

Trước phiên giảm này, giá dầu đã tăng liền 5 phiên do lo ngại về căng thẳng địa chính trị leo thang ở Trung Đông, một khu vực sản xuất dầu chủ lực của thế giới.

“Thị trường vốn đã kỳ vọng sẽ có một cuộc tấn công của Iran nhằm vào Israel trong vòng 24-48 giờ đồng hồ. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Vì vậy, phần bù rủi ro đối với giá dầu đang giảm bớt”, nhà phân tích cấp cao Phil Flynn của công ty Price Futures Group nhận định.

Trong báo cáo hàng tháng công bố ngày thứ Ba, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) giữ nguyên dự báo nhu cầu tiêu thụ toàn cầu năm 2024, nhưng giảm dự báo nhu cầu trong năm 2025 trên cơ sở cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc sẽ yếu do tăng trưởng kinh tế ảm đạm.

Theo báo cáo trên, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu được dự báo tăng 950.000 thùng/ngày trong năm 2025, giảm 30.000 thùng/ngày so với mức tăng đưa ra trong lần dự báo trước. Tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu của năm 2024 giữ nguyên ở mức 970.000 thùng/ngày.

Báo cáo hàng tháng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) vào hôm thứ Hai tuần này dự báo nhu cầu dầu của thế giới sẽ tăng 2,11 triệu thùng/ngày trong năm nay, thấp hơn mức dự báo tăng 2,25 triệu thùng/ngày mà tổ chức này đưa ra vào tháng trước. OPEC cũng hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2025 còn 1,78 triệu thùng/ngày, từ mức 1,85 triệu thùng/ngày đưa ra vào tháng trước.

Dù giảm dự báo nhu cầu dầu, liên minh OPEC+ giữa OPEC và một số đồng minh gồm Nga dự kiến sẽ dần thu hẹp một chương trình cắt giảm sản lượng khai thác dầu từ tháng 10 năm nay. Theo đó, kế hoạch giảm sản lượng 2,2 triệu thùng/ngày này sẽ kết thúc sau 1 năm.

Báo cáo của OPEC cũng cho thấy sản lượng thực tế của liên minh này đang tăng thay vì giảm. Trong tháng 7, OPEC+ khai thác 40,9 triệu thùng dầu mỗi ngày, tăng 117.000 thùng/ngày so với tháng 6.

OPEC dự báo nhu cầu của thế giới đối với dầu của OPEC+ sẽ đạt 43,8 triệu thùng/ngày trong quý 4 năm nay. Về lý thuyết, dự báo này đồng nghĩa rằng liên minh có dư địa để tăng sản lượng khai thác dầu lên mức cao hơn.

Nguồn: TBKTVN