Quay lại

Xuất siêu năm thứ 8 và kỳ vọng trong năm thứ 9

Trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, xuất/nhập siêu luôn là vấn đề đáng quan tâm. Đó không chỉ là vị thế về kinh tế, tác động đến vị thế chính trị, mà còn do tác động của tổng cầu ở trong nước và tác động đến tăng trưởng kinh tế, đến cán cân thương mại – một quan hệ kinh tế vĩ mô quan trọng, tác động đến cán cân tổng hợp, dự trữ ngoại hối, thị trường ngoại hối và lạm phát…

NĂM THỨ 8 LIÊN TIẾP XUẤT SIÊU

Vị thế xuất siêu hàng hóa từ năm 2016 đến nay thể hiện ở hình 1.

Xuất siêu hàng hoá năm 2023 là năm thứ 8 liên tiếp. Đây là thời kỳ xuất siêu dài nhất trong nhiều năm qua. Nếu trước đây hầu hết là nhập siêu, có xuất siêu thì cũng rất ít và dài nhất cũng chỉ 2-3 năm, với mức xuất siêu rất nhỏ nhoi.

Không chỉ liên tiếp kéo dài, mà mức xuất siêu năm 2023 lớn nhất từ trước đến nay, vượt kỷ lục đạt được năm 2020, cao gấp hơn 2 lần mức xuất siêu của năm trước. Đây là mức bất ngờ không chỉ với các nhà hoạch định vĩ mô, mà còn là bất ngờ đối với các chuyên gia.

Xuất siêu hàng hóa từ năm 2016 đến nay.

Xuất siêu hàng hóa từ năm 2016 đến nay.

Theo thời gian, xuất siêu liên tục qua các tháng, trong đó có một số tháng mức xuất siêu trên 2-3 tỷ USD, đặc biệt tháng 3 lên tới trên 4,8 tỷ USD, cao nhất trong các tháng từ trước đến nay.

Xuất siêu hoàn toàn do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Khu vực kinh tế trong nước vẫn còn nhập siêu lớn (21.735 triệu USD). Trong 88 thị trường chủ yếu, có 53 thị trường mà Việt Nam ở vị thế xuất siêu, trong đó có 19 thị trường xuất siêu hơn 1 tỷ USD (hình 2)

Theo đó, có 15 thị trường đạt trên 2 tỷ USD; có 8 thị trường đạt trên 3 tỷ USD; có 5 thị trường đạt trên 4 tỷ USD, có 4 thị trường đạt trên 5 tỷ USD, đặc biệt là Hoa Kỳ vượt xa thị trường đứng thứ hai. Phần lớn các thị trường là các nền kinh tế phát triển. Điều đó chứng tỏ giá hàng xuất khẩu rẻ, nhờ giá nhân công rẻ.

Đây đều là các thị trường có lượng vốn đầu tư nước ngoài lớn ở Việt Nam, nằm trong “câu lạc bộ” các địa bàn Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn, đồng thời cũng nằm trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương hoặc đa phương thế hệ mới.

Xuất siêu do xuất khẩu đạt quy mô lớn hơn nhập khẩu (354,7 tỷ USD so với 326,4 tỷ USD). Trong 45 mặt hàng chủ yếu xuất khẩu, có 36 mặt hàng có kim ngạch đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có 7 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD (hình 3).

Đây đều là những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh về số lượng lao động đông đảo, giá cả rẻ, sử dụng kỹ thuật – công nghệ của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo địa bàn (nguồn hàng), trong 63 tỉnh/thành phố có 39 địa bàn đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 10 địa bàn đạt trên 10 tỷ USD (hình 4)

Đây đều là những địa bàn có lượng vốn đầu tư nước ngoài lớn, có nhiều khu công nghiệp, nhiều doanh nghiệp công nghiệp.

Trong 88 thị trường chủ yếu mà Việt Nam xuất khẩu, có 32 thị trường đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có 14 thị trường đạt trên 5 tỷ USD, đặc biệt có 5 thị trường đạt trên 10 tỷ USD, đó là: Hoa Kỳ: 97.020 triệu USD; Trung Quốc: 61.208 triệu USD; Hàn Quốc: 23.499 triệu USD; Nhật Bản: 23.315 triệu USD; Hà Lan:10.242 triệu USD. Đây là các thị trường có vốn đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam, nằm trong các quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, trong các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Nhập khẩu giảm nhiều hơn xuất khẩu (giảm 9,2% so với giảm 4,6%). Điều này xảy ra không phải do đơn giá nhập khẩu tăng cao, trái lại còn giảm so với năm trước (tuy tỷ giá VND/USD tăng cao hơn); mà do nhu cầu sản xuất, xuất khẩu giảm khi nhập khẩu giảm sẽ làm cho sản xuất, xuất khẩu trong chu kỳ sau bị ảnh hưởng. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu giảm sâu hơn khu vực kinh tế trong nước (-10,3% so với -9,2%). Có tới 41/53 mặt hàng  giảm, trong đó có một số mặt hàng có mức giảm sâu (trên 1 tỷ USD), như: sản phẩm hoá chất, chất dẻo; nguyên phụ liệu dệt may giày dép; sắt thép các loại, kim loại thường; điện thoại và linh kiện; ôtô, linh kiện phụ tùng ô tô…

Xuất siêu lớn cũng là vấn đề. Một, xuất siêu trong điều kiện tổng kim ngạch xuất khẩu bị giảm (chứ không phải do xuất khẩu tăng); nhưng nhập khẩu giảm sâu hơn xuất khẩu. Xuất khẩu giảm sâu sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu trong chu kỳ sau.

Hai, xuất siêu hoàn toàn do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, còn khu vực kinh tế trong nước vẫn nhập siêu lớn.

Bên cạnh những thị trường Việt Nam xuất siêu lớn, thì Việt Nam cũng nhập siêu từ một số thị trường, trong đó có những thị trường với mức nhập siêu lớn trên 1 tỷ USD, như: Trung Quốc, Hàn Quốc…

KỲ VỌNG NĂM THỨ 9 TIẾP TỤC XUẤT SIÊU VÀ GIẢI PHÁP 

Kỳ vọng này xuất phát từ nhiều căn cứ. Đà xuất siêu liên tục trong 8 năm trước có thể được tiếp tục trong năm 2024. Năm 2024 là năm tăng tốc, có mục tiêu tăng trưởng cao hơn mức thực hiện trong năm 2023; với mục tiêu tăng trưởng cao hơn khi hai khoản lớn nhất của tổng cầu trong nước (là tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng) vẫn còn yếu, thì xuất siêu sẽ hỗ trợ tăng trưởng xét về sử dụng GDP...

Nguồn: TBKTVN