Ổn định kinh tế vĩ mô và những vấn đề cần đánh giá kỹ hơn
Sức mua giảm, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn
Chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ bảy khai mạc ngày 20/5 tới, nội dung về tình hình kinh tế, xã hội đã được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra chính thức tại Phiên họp toàn thể lần thứ 14 vừa qua.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2024, tăng trưởng kinh tế dự báo tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Các động lực về đầu tư (gồm đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được quan tâm thúc đẩy mạnh mẽ. Các vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài được tập trung tháo gỡ, chuyển biến tích cực hơn, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp...
“Tình hình chính trị - xã hội, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát đang được kiểm soát, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện là nền tảng quan trọng để thúc đẩy phát triển. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao về kết quả đạt được và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam năm 2024”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định, hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều thách thức. Sức mua giảm, người dân thắt chặt chi tiêu, tốc độ tăng cầu tiêu dùng trong nước quý I/2024 thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và các năm trước dịch 2011-2019. Nhu cầu của thị trường trong nước thấp, tính cạnh tranh cao là khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp chế biến, chế tạo.
Tổng cầu trong nước yếu, chậm hồi phục cũng là một vấn đề mà Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng cần được quan tâm, đánh giá kỹ hơn. “Hoạt động tiêu dùng hàng hóa yếu do thu nhập khả dụng tăng chậm, môi trường kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ chưa nhiều cải thiện, đặc biệt giá vé máy bay tăng cao đang là rào cản đối với du lịch nội địa”, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh.
Phát biểu tại phiên thẩm tra, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV đánh giá, sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn là một trong những khó khăn, thách thức của nền kinh tế trong năm 2023 và các tháng đầu năm 2024. “Trong quý I/2024, có 74.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong khi chỉ có 60.000 doanh nghiệp mới. Số rút lui khỏi thị trường đang tăng lên, trung bình mỗi tháng cả nước giảm hơn 4.000 doanh nghiệp”, ông Lực dẫn chứng.
Vị chuyên gia này cho rằng, có 2 trường hợp khiến doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là: sau 3 - 4 năm chống chịu dịch bệnh, lạm phát, doanh nghiệp không chịu được nữa, buộc chấp nhận rút lui; một số doanh nghiệp thích ứng không tốt.
“Người dân ‘tiền vẫn có nhưng không dám tiêu’ và doanh nghiệp nhiều khi không kịp trở tay với sự thay đổi của chính sách”, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận xét.
Vị chuyên gia này cho rằng, các chính sách điều hành kinh tế thời gian gần đây bị “cuốn theo cảm xúc quá nhiều”. “Phải thấy cái gì cần kiên định. Câu chuyện ổn định kinh tế vĩ mô tới nay chúng ta làm tương đối tốt là nhờ kiên định. Nhưng có một số việc bị lôi vào vòng xoáy xúc cảm, nên đi từ cực đoan này đến cực đoan khác, làm doanh nghiệp không kịp trở tay”, ông Thành nói.
Vì thế, ông Thành góp ý, trong các quyết sách, cần nhìn nhận vấn đề thật bài bản và có sự phối hợp, đồng hành của Quốc hội, Chính phủ.
Vàng, bất động sản đều “nhảy múa”
Một trong những vấn đề rất được quan tâm tại phiên thẩm tra là diễn biến thị trường vàng, như lời của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh là “nhảy múa, tăng giảm không ai kiểm soát nổi”. Cho rằng, quản lý thị trường vàng rõ ràng là có vấn đề, ông Thanh phân tích, tình trạng buôn lậu vàng cho thấy cung vàng thiếu. Bên cạnh đó, diễn biến thị trường vàng ảnh hưởng đến tỷ giá.
“Nhập khẩu vàng thì phải thu gom ngoại tệ mới nhập được. Tỷ giá VND/USD ngày 17/4 nhảy lên 25.400 VND/USD, nhảy lên thậm chí hơn 5% so với đầu năm”, ông Thanh lo ngại và bày tỏ sự sốt ruột khi “Nghị định 24/2012/NĐ-CP chưa thấy sửa gì cả, cũng chưa thấy có biện pháp gì để ổn định thị trường vàng”.
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, thị trường vàng cần phải được quản lý tốt hơn. Cụ thể, tất cả các điểm kinh doanh vàng phải đăng ký khối lượng giao dịch và khối lượng này phải được quản lý chặt chẽ. Làm được như vậy sẽ triệt tiêu lợi ích, động cơ không trong sáng với thị trường vàng.
Bên cạnh thị trường vàng, các ý kiến tham gia thẩm tra còn cho rằng, cần giải quyết căn cơ một số vấn đề của thị trường bất động sản. “Thị trường bất động sản mà chúng tôi chuẩn bị giám sát, méo mó lắm, mất cân đối cung cầu. Phân khúc nhà cao cấp với trung cấp thì thừa không bán được, đô thị mới và nhà ma rất nhiều, nhưng nhà phù hợp cho đông đảo người dân thì không có”, ông Vũ Hồng Thanh nêu.
Tập hợp ý kiến tham gia của các cơ quan của Quốc hội và các thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, dự thảo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khái quát, thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, nhất là về quy định, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội. Tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng. Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền.
“Trong khi đó, những tháng đầu năm 2024, giá các căn hộ chung cư vị trí trung tâm hay vùng ven của Hà Nội đều ghi nhận mức tăng đột biến. Thậm chí, giá căn hộ nhà ở xã hội đã qua sử dụng nhiều năm vẫn tăng ngoài khả năng chi trả của người lao động có nhu cầu mua nhà ở”, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh.
Theo cơ quan thẩm tra, nguyên nhân cơ bản là nguồn cung căn hộ tại Hà Nội đang thực sự khan hiếm. Số lượng dự án ngày càng hạn chế trong những năm gần đây, trong khi nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là các gia đình trẻ còn rất lớn. Cơ cấu sản phẩm trên thị trường lại thiếu cân đối khiến giá nhà chung cư ở phân khúc sơ cấp và thứ cấp bị đẩy lên cao. Hệ quả là người có nhu cầu thực về nhà ở mất đi khả năng tiếp cận. Bên cạnh đó, trong bối cảnh lãi suất tiền gửi thấp, đầu cơ gia tăng khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn.
“Có ý kiến cho rằng, ngay cả đối với nhà ở xã hội, đang diễn ra thực trạng người có nhu cầu không thể mua nổi do tình trạng đầu cơ, chênh giá rất lớn giữa giá bán chủ đầu tư đăng ký với Nhà nước và giá bán thực tế. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua, xác định vướng mắc bất cập vi phạm tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phản ánh.
Xét ở khía cạnh hiệu quả kinh tế, xã hội, cơ quan thẩm tra cho rằng, tình trạng đầu cơ đất đai dẫn đến một số hệ lụy, như người có nhu cầu thực (để ở, để sản xuất, kinh doanh) không thể tiếp cận đất đai, trong khi đất đai bị bỏ hoang (do bị đầu cơ). Nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị “chôn” vào đất, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
“Người có nhu cầu mua nhà ở, đất ở thực sự đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ, khiến tình trạng gia tăng khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội ngày càng trầm trọng. Đây là những vấn đề có thể để lại hậu quả xấu đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, thậm chí dẫn đến bất ổn xã hội. Đề nghị Chính phủ đánh giá thực trạng, xác định nguyên nhân và đề ra giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng nêu trên”, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu quan điểm.
Thúc đẩy và làm mới các động lực tăng trưởng
Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung nêu rõ, tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thúc đẩy và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các bộ, ngành, địa phương. Kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, sân bay, cảng biển, đường cao tốc, liên vùng, liên tỉnh, năng lượng. Xây dựng, triển khai hiệu quả các gói tín dụng hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; hoàn thiện các quy định và tăng cường quản lý thị trường vàng.
Nguồn: Báo Đầu tư