Quay lại

UOB dự báo GDP quý 1/2024 của Việt Nam có thể đạt 5,5%

Theo ông Suan Teck Kin, Giám đốc điều hành Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu của UOB, số liệu thống kê tháng 2/2024 vừa được công bố cho thấy cả sản lượng công nghiệp và xuất khẩu đều giảm cho với năm trước. Trong đó, xuất khẩu giảm 5% so với cùng kỳ và sản xuất công nghiệp giảm 6,8% so với cùng kỳ. Điều này trái ngược so với mức tăng lần lượt 42% và 18,3% trong tháng 1/2024.

Dẫu vậy, ông Suan Teck Kin cho rằng đây không phải là một so sánh tương đồng do Tết rơi vào tháng 2/2204 trong khi Tết năm 2023 rơi vào tháng 1/2023. “Việc giảm ngày làm việc do nghỉ Tết sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh, đặc biệt là những ngày nghỉ lễ dài do các nhà máy cần một thời gian ổn định sản xuất để trở lại hoạt động bình thường”, đại diện UOB nhận định.

Phân tích dữ liệu tổng hợp từ tháng 1 đến tháng 2/2024 cho thấy, giá trị xuất khẩu 2 tháng đầu năm lên tới 58 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2024. Tương tự đối với nhập khẩu, giá trị tổng hợp là 54,4 tỷ USD vào năm 2024, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với dữ liệu sản xuất, theo UOB, dù không có số liệu tuyệt đối tính theo USD nhưng nhìn vào kết quả tương đối tính theo phần trăm có thể thấy xu hướng đang tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp là 5,7%, tốt hơn đáng kể so với mức -2,2% trong 2 tháng đầu năm 2023. Đáng chú ý, trong các phân khúc quan trọng của ngành linh kiện điện tử, mức tăng là 10,1% so với 0,7% cùng kỳ giai đoạn tháng 1-tháng 2/2023.

Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của Việt Nam cũng khá tích cực khi cả chỉ số tháng 1 và tháng 2 năm 2024 đều trên 50, so với mức trung bình 49,3 trong tháng 1 và tháng 2 năm 2023.

Một số dự báo của Ngân hàng UOB.

Một số dự báo của Ngân hàng UOB.

“Những dữ liệu này cho thấy động lực chung trong lĩnh vực sản xuất và thương mại bên ngoài đang có những dấu hiệu tích cực và chúng tôi kỳ vọng tốc độ này sẽ duy trì, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2024 khi sự phục hồi trong lĩnh vực bán dẫn vững chắc hơn và các ngân hàng trung ương toàn cầu bắt đầu vận hành chính sách lãi suất phù hợp hơn”, ông Suan Teck Kin nhận định.

Với triển vọng này, UOB dự báo duy trì dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,0% cho năm 2024, nằm trong mục tiêu chính thức là 6,0-6,5%. Riêng quý 1/2024, tốc độ tăng trưởng GDP sẽ giảm xuống còn 5,5% so với cùng kỳ do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (so với 3,3% trong quý 1/2023).

Cùng với đó, UOB cho rằng lạm phát sẽ tiếp tục tăng với dự báo CPI sẽ tăng lên mức 3,8% vào năm 2024, từ mức 3,25% vào năm 2023.

Về chính sách lãi suất, UOB dự đoán sau giai đoạn cắt giảm lãi suất liên tục trong năm 2023 và tốc độ hoạt động kinh tế đang phục hồi, khả năng cắt giảm lãi suất hơn nữa đã giảm đi. Vì vậy, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,50% như hiện nay.

Về tỷ giá, bất chấp sự suy yếu trong ngắn hạn của đồng VNĐ, kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng GDP mạnh hơn ở Việt Nam (dự báo năm 2024 là 6,0% so với 5,05% vào năm 2023) và đà phục hồi trong lĩnh vực sản xuất và ngoại thương sẽ là những yếu tố tích cực có thể giúp ổn định đồng VNĐ. Sự phục hồi tiếp theo của CNY – mà VNĐ thường có cùng xu hướng – cùng với sự suy yếu của USD trước đợt cắt giảm lãi suất của Fed vào tháng 6 sẽ mang lại sự phục hồi nhẹ cho VNĐ. Theo đó, tỷ giá USD/VNĐ sẽ là 24.400 VNĐ trong quý 2/2024, 24.200 VNĐ trong quý 3/2024, 24.000 VNĐ trong quý 4/2024 và 23.800 VNĐ trong quý 1/2025.

Nguồn: TBKTVN