Xuất khẩu gạo tăng trưởng mạnh, nhưng thương hiệu vẫn còn “mờ nhạt”
Theo số liệu báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 1/2024, gạo Việt Nam đã được xuất khẩu sang 27 thị trường, với khối lượng trên 512 nghìn tấn, trị giá 362 triệu USD. Sang tháng 2, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 508 nghìn tấn, kim ngạch 342 triệu USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân trong tháng 2/2024 lập mốc kỷ lục 673 USD/tấn.
TRÁI CHIỀU GIÁ GẠO: XUẤT KHẨU TĂNG, TRONG NƯỚC GIẢM
Trong tháng 2/2024, giá xuất khẩu gạo tẻ thường 5% tấm của Việt Nam ở mức 638 USD/tấn, cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan 10 USD/tấn và cao hơn gạo Pakistan 19 USD/tấn.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã nhận được đơn hàng xuất khẩu với khối lượng tăng cao so với các năm trước. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn, cho biết ngay trước Tết Nguyên đán, Công ty cổ phần Nông sản Lộc Trời đã có tin vui khi chính thức trúng thầu đơn hàng 65.000 tấn gạo cho Bulog (Cơ quan hậu cần nhà nước Indonesia).
"Giá gạo xuất khẩu thời gian tới khả năng cao sẽ còn được đẩy lên do nhiều quốc gia bắt đầu tăng nhập khẩu, trong khi Ấn Ðộ vẫn duy trì lệnh cấm xuất khẩu một số loại gạo chính khiến nguồn cung trên toàn cầu chưa có dấu hiệu tăng trở lại".
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam.
Theo thông tin từ Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông), sản lượng gạo toàn cầu năm 2024 có thể đạt mức gần 520 triệu tấn, đồng thời mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn, nên khả năng sẽ thiếu hụt 5 triệu tấn cho các nhu cầu về gạo. Do đó, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo cần bám sát thị trường để thực hiện hiệu quả các đơn hàng đã ký cũng như ký mới cả về giá và chất lượng.
Tuy nhiên, nếu như giá gạo xuất khẩu tăng cao, thì giá gạo trong nước những tháng đầu năm 2024 lại có xu hướng giảm. Cụ thể, trong tháng 2 và những ngày đầu tháng 3, giá lúa tại ruộng ở Đồng bằng sông Cửu Long lại giảm bình quân khoảng 500 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 1.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, xảy ra hiện tượng nhiều thương lái đã bỏ “cọc” do giá lúa liên tục giảm và các doanh nghiệp đang dè dặt khi mua vào. Điều này đang dấy lên dư luận cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hạn chế thu mua lúa Đông Xuân, để đẩy giá xuống.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới. Chỉ thị cũng nêu lên vấn đề: “Hiện nay, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch lúa vụ đông xuân nhưng có hiện tượng doanh nghiệp chờ đợi giá lúa xuống thấp còn người dân mong muốn bán được giá lúa cao như các tháng cuối năm 2023; nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm mất cơ hội xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập của người trồng lúa".
Ông Trần Trương Tấn Tài, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice) cho biết năm 2023, công ty xuất khẩu khoảng 60.000 tấn gạo đặc sản và gạo chất lượng cao, giá xuất khẩu 980 USD/tấn. Tuy giá cao nhưng lợi nhuận lại thấp, bởi giá lúa mua vào tăng cao. Nếu tình trạng này không được giải quyết thì năm 2024 thị trường lúa gạo trong nước sẽ còn tiếp tục bị xáo trộn, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Ðông, cho rằng trước biến động thị trường thì chỉ số thích ứng của doanh nghiệp cực kỳ quan trọng, vì mỗi năm đều có một kịch bản mới và không có bài học kinh nghiệm nào từ năm trước có thể áp dụng hiệu quả cho năm sau. Ðiều cần thiết là doanh nghiệp xuất khẩu cần tăng khả năng thích ứng và độ linh hoạt cao để tận dụng hiệu quả các cơ hội này.
TẬP TRUNG XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU CHO GẠO VIỆT
Trong chỉ thị số 10/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức thu hoạch lúa vụ đông xuân theo đúng thời vụ, giảm thiểu đến mức thấp nhất tổn thất sau thu hoạch.
Đồng thời, phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng theo dõi sát tình hình, kịp thời cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về diễn biến thị trường lúa, gạo để người dân, doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, đảm bảo nguồn cung phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu,
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù diện tích lúa trên cả nước đang có xu hướng giảm nhưng năm 2024, ngành trồng trọt vẫn đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng 7,1 triệu ha, dự kiến sản lượng lúa đạt hơn 43 triệu tấn, cung cấp khoảng 8 triệu tấn gạo cho xuất khẩu.
"Năm 2024 là năm thị trường gạo thế giới được dự báo sẽ có nhiều biến động cả về sản lượng, nhu cầu và các chính sách liên quan từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu. Do vậy, đổi mới sản xuất và linh hoạt điều hành xuất khẩu gạo sẽ là điều kiện quan trọng để ngành lúa gạo Việt Nam đạt tăng trưởng như kỳ vọng".
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Xuất khẩu gạo năm 2023 đạt 4,7 tỷ USD, tăng 35,3% về giá trị so với năm 2022. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định năm 2024, dự kiến xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục khởi sắc, hướng tới cột mốc kim ngạch 5 tỷ USD.
Trong bối cảnh thị hiếu tiêu dùng đang hướng tập trung vào các sản phẩm có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, sản phẩm hữu cơ, an toàn vệ sinh thực phẩm… thì việc bảo đảm nguồn cung gạo chất lượng là yếu tố tiên quyết cho hiệu quả xuất khẩu. Do đó, các khâu sản xuất lúa như giống, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản… cần được triển khai thực hành nông nghiệp tốt, sinh thái và trách nhiệm.
Mặc dù đứng trong Top đầu các nước về sản lượng xuất khẩu gạo, nhưng một vấn đề được Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường nêu lên là: Hình ảnh thương hiệu gạo của Việt Nam vẫn "nhạt nhòa". Đây là những bất cập cần hóa giải để nâng cao giá trị xuất khẩu, tạo đầu ra bền vững cho ngành hàng nông sản của Việt Nam.
Thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là ASEAN, chiếm tới 61% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Trong tháng 1/2024, Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 53,6% trong tổng lượng và chiếm 39% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước.
Theo ông Phùng Văn Thành, Tham tán thương mại Việt Nam tại Philippines, thương hiệu gạo Việt vẫn chưa được nhà nhập khẩu tại thị trường này làm nổi bật so với các nhãn hàng cùng loại của Nhật Bản và Thái Lan. Vì vậy, các dòng chữ ghi xuất xứ in trên bao bì luôn nhỏ hơn và phải thật tinh mắt mới nhận biết được.
Từ thực tế đó, ông Thành khuyến nghị ngoài đẩy mạnh về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo, cần nâng cao chất lượng, nâng cao uy tín của doanh nghiệp, thì doanh nghiệp cũng như nhà quản lý cần tập trung việc xây dựng thương hiệu.
Đồng tình, ông Phạm Thế Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia, cho biết nhận diện thương hiệu gạo Việt Nam tại thị trường Indonesia cũng chưa thực sự rõ nét. Vì vậy, đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần quan tâm hơn nữa xây dựng thương hiệu có chiến lược quảng bá bài bản về thương hiệu, các loại gạo chất lượng cao cấp của Việt Nam.
Đặc biệt, đảm bảo chất lượng gạo, đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm dịch, đảm bảo thời gian giao hàng đúng hạn cũng như thỏa thuận hợp đồng đã ký kết, vì số lượng các thương nhân có giấy phép nhập khẩu của Indonesia rất hạn chế.
Nguồn: TBKTVN