Trung Quốc tăng đầu tư hạ tầng để thúc đẩy kinh tế
Khoảng 1.800 tỷ USD đổ vào hạ tầng
Khoảng 2/3 các vùng miền của Trung Quốc đã công bố kế hoạch chi tiêu cho các dự án lớn trong năm nay, điển hình là các dự án cơ sở hạ tầng giao thông, sản xuất năng lượng và khu công nghiệp, với mức tổng là hơn 12.200 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1.800 tỷ USD), theo tổng hợp của Bloomberg. Mức chi này tăng 17% so với năm ngoái.
Tuy sự phục hồi chi tiêu của người tiêu dùng sau đại dịch Covid-19 được xác định là động lực tăng trưởng chính của kinh tế Trung Quốc trong năm nay, nhưng triển vọng phục hồi về việc làm và thu nhập có thể diễn ra chậm do những "vết sẹo" kinh tế mà đại dịch để lại.
Một số nhà kinh tế hy vọng việc tăng đầu tư vào sản xuất và cơ sở hạ tầng sẽ tạo lực đẩy đáng kể cho nền kinh tế Trung Quốc, bởi thực tế đã chứng minh Bắc Kinh đã thu được kết quả tích cực từ việc sử dụng đầu tư làm đòn bẩy trong giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho các hộ gia đình, thay vì chi hỗ trợ trực tiếp.
Các phân tích cho thấy chi tiêu của Trung Quốc đang hướng tới các lĩnh vực như sản xuất công nghệ cao và năng lượng, trong đó tập trung vào nâng cao khả năng tự cường về công nghệ và an ninh năng lượng trước sự cạnh tranh ngày càng tăng và căng thẳng chính trị với Mỹ.
Tuy nhiên, động thái trên cũng để ngỏ khả năng nợ của chính phủ và doanh nghiệp Trung Quốc có thể tăng lên, làm tăng lo ngại của các nhà đầu tư về sự ổn định tài chính.
Xây dựng tăng trưởng đột biến
Dữ liệu gần đây cho thấy sự bùng nổ cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc có thể đã bắt đầu. Tháng 3/2023 chứng kiến chỉ số đo lường hoạt động xây dựng tại Trung Quốc tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ, theo Bloomberg.
Ông Jeremy Stevens, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Standard Bank Group, cho biết do các hộ gia đình thận trọng về triển vọng việc làm và thu nhập nên đầu tư vào cơ sở hạ tầng và sản xuất vẫn "rất quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc". Chuyên gia này cho biết đầu tư cố định trong lĩnh vực hạ tầng của Trung Quốc đã tăng từ 5-10% từ đầu năm đến nay.
"Ít nhất trong nửa đầu năm nay, đầu tư vào tài sản cố định sẽ tăng trưởng mạnh mẽ", ông Stevens nhận định.
"Kỳ vọng của chính phủ Trung Quốc là thúc đẩy sự phục hồi và đến một lúc nào đó họ có thể trao quyền kiểm soát cho doanh nghiệp tư nhân và tiêu dùng. Tôi nghĩ đó là kế hoạch", ông Stevens nói thêm.
Thúc đẩy hạ tầng cũng sẽ giúp gia tăng nhu cầu hàng hóa. Trong kịch bản dự kiến tăng trưởng trên 10% trong năm 2023, nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc sẽ tăng 1,4 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhu cầu than sẽ đạt kỷ lục mới, còn nhu cầu đồng và nhôm sẽ tăng theo, theo ước tính gần đây của Công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie.
Mặc dù Trung Quốc muốn cắt giảm sản lượng thép trong năm nay để đáp ứng các mục tiêu về môi trường, nhưng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng vẫn có thể tăng nếu nước này ít phụ thuộc vào thép hơn.
Ông Jeremy Stevens từ Standard Bank Group cho biết xây dựng các khu công nghiệp chiếm khoảng 1/3 chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của Trung Quốc vào năm ngoái và có xu hướng sử dụng ít thép hơn so với các dự án cơ sở hạ tầng khác.
Nhiều địa phương đặt chỉ tiêu lớn bất thường cho các dự án quan trọng, điển hình là tỉnh Hà Nam, miền trung của Trung Quốc có kế hoạch tăng chi tiêu gần 50% lên 2.000 tỷ nhân dân tệ trong năm 2023.
Phần lớn số tiền trên được tỉnh Hà Nam dành cho các dự án "chuyển đổi công nghiệp", trong đó hơn 1.000 tỷ nhân dân tệ dành cho các dự án "sản xuất chế tạo hiện đại", còn các dự án cơ sở hạ tầng truyền thống như đường giao thông và mạng lưới nước, chỉ chiếm 20% chi tiêu.
Chỉ có tỉnh Chiết Giang ở miền đông Trung Quốc tuyên bố cắt giảm chi tiêu trong năm nay, với mức giảm dự kiến là 9% xuống còn 1.000 tỷ nhân dân tệ. Mười trong số 31 khu vực hành chính của Trung Quốc đại lục đã không công khai mục tiêu của họ, có nghĩa là có thể mức tăng chi tiêu theo kế hoạch của nước này dành cho các dự án lớn có thể thấp hơn 17%.
Theo Ming Ming, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty chứng khoán Citic Securities, tốc độ tăng chi tiêu cho các dự án lớn thường vượt quá tốc độ tăng trưởng đầu tư chung, vì được chỉ định là dự án lớn thì chính phủ sẽ phê duyệt nhanh hơn và hỗ trợ tài chính nhiều hơn.
Năm 2023, các tỉnh của Trung Quốc đã được cấp hạn ngạch 3.800 tỷ nhân dân tệ giá trị trái phiếu đặc biệt bán ra dùng chủ yếu cho các dự án cơ sở hạ tầng, ít hơn số lượng họ đã bán ra năm ngoái, nghĩa là họ sẽ cần khai thác các nguồn vốn khác để đạt được mục tiêu thúc đẩy hạ tầng cũng như tăng trưởng.
Chính quyền các vùng ở Trung Quốc bị cấm huy động từ ngân hàng, nên các dự án lớn có thể huy động từ các công ty tư nhân, doanh nghiệp nhà nước nhận tài trợ từ ngân hàng và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo các nhà phân tích tại Tập đoàn vốn quốc tế Trung Quốc (CICC), nguồn vốn từ các ngân hàng chính sách của Trung Quốc, chẳng hạn như Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, có thể sẽ tăng trong năm nay.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang cung cấp vốn giá rẻ để khuyến khích các ngân hàng thương mại cho vay xây dựng các dự án năng lượng.
Theo tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings, chi tiêu xây dựng có khả năng đẩy nợ chính phủ và doanh nghiệp của Trung Quốc lên cao. Điều đó sẽ làm gia tăng căng thẳng tài chính đối với chính quyền các địa phương, mặc dù chính quyền trung ương đang chia sẻ thêm gánh nặng đó bằng cách phát hành thêm nợ.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tổng nợ chính phủ của Trung Quốc, bao gồm cả nợ của các cơ quan tài chính địa phương, sẽ tăng khoảng 12 điểm phần trăm lên 123% GDP trong năm nay, còn nợ doanh nghiệp ước tăng 4 điểm phần trăm lên 117% GDP.
Nguồn: Báo Đầu tư