Quay lại

IMF bi quan về tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Theo tin từ CNBC, định chế có trụ trụ sở tại Washington DC cho biết trong 5 năm nữa, tăng trưởng toàn cầu dự kiến ​​sẽ đạt bình quân khoảng 3% mỗi năm - mức dự báo trung hạn thấp nhất trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF kể từ năm 1990. “Nhìn trong trung hạn, nền kinh tế thế giới hiện không được kỳ vọng sẽ quay trở lại tốc độ tăng trưởng như trước đại dịch”, IMF cho biết trong báo cáo.

IMF nói triển vọng tăng trưởng yếu hơn xuất phát từ việc các nền kinh tế hàng đầu như Trung Quốc và Hàn Quốc đã đạt tới mức sống cao hơn, cũng như tăng trưởng lực lượng lao động toàn cầu chậm lại, và sự phân mảnh về địa chính trị như Brexit và chiến tranh Nga-Ukraine.

Nhìn về ngắn hạn, IMF bớt bi quan hơn, dự báo ​​​​mức tăng trưởng toàn cầu là 2,8% trong năm nay và 3% vào năm 2024, thấp hơn một chút so với ước tính được công bố vào tháng 1. Các con số dự báo mới nhất này giảm 0,1 điểm phần trăm cho cả năm nay và năm tới.

IMF cho biết trong báo cáo: “Triển vọng tăng trưởng yếu ớt phản ánh lập trường chính sách chặt chẽ cần thiết để giảm lạm phát, hậu quả từ sự suy giảm gần đây của điều kiện tài chính, cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, và sự phân mảnh địa kinh tế ngày càng gia tăng”.

Đi vào từng nền kinh tế cụ thể, IMF dự báo nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 1,6% trong năm nay và khu vực đồng Euro tăng trưởng 0,8%. Tuy nhiên, kinh tế Anh được dự báo giảm 0,3%.

Theo IMF, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng 5,2% trong năm 2023, mức tăng của Ấn Độ có thể đạt 5,9%. Nền kinh tế Nga - vốn đã suy giảm hơn 2% vào năm 2022 - được dự báo sẽ tăng trưởng 0,7% trong năm nay.

“Các lực lượng chính đã ảnh hưởng đến thế giới trong năm 2022 - gồm quan điểm thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương để giảm lạm phát, tấm đệm tài chính hạn hẹp cho việc hấp thụ các cú sốc trong bối cảnh mức nợ cao trong lịch sử, giá hàng hóa tăng vọt và sự phân mảnh địa kinh tế do cuộc chiến của Nga ở Ukraine, và việc mở cửa trở lại nền kinh tế của Trung Quốc - dường như sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2023. Nhưng các lực lượng này hiện đang bị lấn át và tương tác với những mối lo ngại mới về ổn định tài chính,” IMF cảnh báo.

IMF cho biết dự báo cơ sở của họ “giả định rằng những căng thẳng trong lĩnh vực tài chính gần đây đã được kiểm soát. Hồi tháng 3 vừa qua, đổ vỡ trong hệ thống ngân hàng đã xảy ra ở Mỹ và Thuỵ Sỹ, gây biến động mạnh trên thị trường tài chính toàn cầu. Ba ngân hàng Mỹ là Silvergate Capital, Silicon Valley Bank và Signature Bank lần lượt đóng cửa, tiếp đó là First Republic Bank phải nhờ tới sự hỗ trợ từ 11 ngân hàng lớn. Tại Thuỵ Sỹ, nhà chức trách đã yêu cầu UBS can thiệp và mua lại đối thủ đang gặp khó khăn là Credit Suisse.

Áp lực trong lĩnh vực ngân hàng đã dịu đi trong những tuần gần đây, nhưng vẫn khiến bức tranh kinh tế tổng thể trở nên tồi tệ hơn dưới góc nhìn của IMF. Định chế này cho biết: “Căng thẳng trong lĩnh vực tài chính có thể khuếch đại và sự lây lan có thể xảy ra, làm suy yếu nền kinh tế thực thông qua sự suy giảm nghiêm trọng các điều kiện tài chính và buộc các ngân hàng trung ương phải xem xét lại đường lối chính sách của họ”.

Cuộc khủng hoảng ngân hàng đã làm lộ ra  những hậu quả tiềm ẩn của chính sách tiền tệ cứng rắn của nhiều nền kinh tế lớn. Lãi suất cao hơn đang gây tổn hại cho các công ty và chính phủ ở những quốc gia có mức nợ cao.

“Nguy cơ hạ cánh cứng, đặc biệt là đối với các nền kinh tế phát triển, đã trở nên lớn hơn nhiều. Các nhà hoạch định chính sách có thể phải đối mặt với những đánh đổi khó khăn để giảm lạm phát và duy trì tăng trưởng đồng thời duy trì sự ổn định tài chính”, IMF cho biết.

Tổ chức này dự kiến ​​lạm phát toàn phần của thế giới sẽ giảm từ 8,7% vào năm 2022 xuống còn 7% trong năm nay do giá năng lượng giảm. Tuy nhiên, lạm phát lõi, loại trừ chi phí năng lượng và lương thực, dự kiến ​​sẽ mất nhiều thời gian hơn để giảm. Trong hầu hết các trường hợp, IMF không kỳ vọng lạm phát toàn phần của thế giới sẽ quay trở lại mức mục tiêu trước năm 2025.

Nguồn: TBKTVN