TP.HCM: Người dân được mua hàng bình ổn giảm giá tới 80%
Quận 11, TP.HCM là điểm bán hàng bình ổn lưu động đầu tiên trong lễ ra quân chương trình Bán hàng lưu động – Bình ổn thị trường năm 2024 với chủ đề “Kết nối tiêu dùng - Lan tỏa yêu thương”, diễn ra sáng 6/8/2024 tại công viên Dương Đình Nghệ, quận 11.
Với 9 doanh nghiệp tham gia xuyên suốt, với 40 nhóm mặt hàng, gồm 500 loại sản phẩm, tiếp cận khoảng 300.000 người, thu hút 100.000 lượt khách tham quan và 50.000 lượt mua hàng.
Các sản phẩm được bày bán trên chủ yếu của những thương hiệu lớn trong lĩnh vực sản xuất, phân phối, như: Công ty Wilmar Marketing CLV, Công ty Procter & Gambel Việt Nam , Công ty cổ phần Thực phẩm Bình Tây, Công ty Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam, Saigon Co.op, Mega Market Việt Nam.
Chương trình sẽ tổ chức bán hàng lưu động ở 15 điểm trên địa bàn TP.HCM, gồm các khu công nghiệp, khu chế xuất, công viên, địa điểm sinh hoạt văn hóa ở các quận, huyện nội và ngoại thành.
Doanh thu ước tính lên đến hàng chục tỷ đồng, diễn ra trong 30 ngày (từ nay đến 05/9/2024), do Sở Công thương TP.HCM phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động, Ban quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp, UBND TP. Thủ Đức và các quận - huyện tổ chức.
Một trong những tiêu chí của chương trình là "không có cơ hội để giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tăng giá theo lương", lãnh đạo UBND TP.HCM chia sẻ tại lễ ra quân.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM (ngoài cùng bên phải) cho biết người có hoàn cảnh khó khăn khi đến với Chương trình bình ổn thị trường, có thể mua được rất nhiều hàng tiêu dùng thiết yếu với giá ổn định. Ảnh: PA.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết thông qua chương trình bình ổn thị trường này, người lao động được tiếp cận nhiều hàng hóa thiết yếu với giá cả ổn định và góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng.
“Mọi người dân TP.HCM, đặc biệt là người có hoàn cảnh khó khăn khi đến với Chương trình bình ổn thị trường, có thể mua được rất nhiều hàng tiêu dùng thiết yếu với giá ổn định. Gắn với việc tăng lương của Chính phủ để cải thiện đời sống người lao động, công nhân viên chức. Chương trình bình ổn, góp phần đảm bảo giá cả không có cơ hội tăng theo lương”, ông Dũng thông tin.
Ngoài việc được mua hàng giảm giá lên đến 60% - 80%, khách hàng thanh toán qua các ví điện tử như ZaloPay, VNPAY, MoMo còn được nhận mã giảm giá có giá trị lên đến 50.000 đồng/mã.
Bà Trần Kim Nga, Giám đốc Đối ngoại của MM Mega Market, cho biết trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn nên người dân thắt chặt chi tiêu. Doanh nghiệp vẫn giữ giá bình ổn nhất và tập trung hàng tiêu dùng thiết yếu và chạy các chương trình khuyến mãi, tập trung vào các nhãn hàng riêng của doanh nghiệp.
Là người dân biết thông tin và đến mua hàng bình ổn tại Công viên Dương Đình Nghệ (quận 11), bà Phan Thị Nhàn chia sẻ với thu nhập cũng ít, nên khi có cơ hội mua được hàng hóa với giá bình ổn, giá rẻ sẽ rất tiết kiệm cho người dân. Chúng tôi mong có nhiều chương trình bán hàng bình ổn như thế này để đời sống được tốt hơn.
Trong tình hình kinh tế còn khó khăn, nhiều người dân mong muốn thường xuyên có những điểm bán hàng bình ổn thị trường lưu động như này. Ảnh: PA.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, trước đây, các chương trình khuyến mãi tập trung của TP.HCM tập trung vào các kênh thương mại truyền thống, thương mại hiện đại và các kênh trực tuyến.
Một trong những hoạt động chính của chương trình khuyến mãi tập trung là khuyến mãi hàng hiệu, nhằm giúp người dân có thu nhập thấp tiếp cận, sử dụng hàng hóa của các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu với mức giá hỗ trợ nhất.
Hoạt động này cũng góp phần xây dựng thương hiệu mua sắm cho TP.HCM để thu hút khách du lịch, khách quốc tế đến tham quan, vui chơi và mua sắm.
Điểm nhấn của chương trình là ban tổ chức phối hợp chính quyền địa phương, khu công nghiệp trao tặng 300 "Giỏ hàng yêu thương" cho công nhân và phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Nguồn: TBKTVN