Doanh nghiệp Đức cam kết đẩy mạnh phát triển năng lượng xanh tại Việt Nam
Hiệp hội các Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA) ngày 15/7 đã công bố những bước tiến đạt được trong quý II năm 2024, nhấn mạnh sự mở rộng hoạt động của các doanh nghiệp Đức và vai trò then chốt của năng lượng xanh trong phát triển kinh tế Việt Nam.
Theo GBA, xu hướng dịch chuyển hành động bền vững đang diễn ra trên toàn cầu, năng lượng xanh ngày càng được coi trọng.
CAM KẾT THAM GIA QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI XANH CỦA VIỆT NAM
Cam kết gần đây của các thành viên GBA là về “Xanh hóa vốn đầu tư FDI vào Thành phố Hồ Chí Minh” nhằm thu hút vốn FDI thân thiện với môi trường và thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng. Thông qua việc khuyến khích các doanh nghiệp Đức đầu tư vào các giải pháp năng lượng xanh, GBA mong muốn giảm “dấu chân carbon” của Việt Nam, cũng như góp phần vào các nỗ lực toàn cầu về chống biến đổi khí hậu.
Các thành viên của GBA tích cực tham gia vào hoạt động tối ưu hóa sản xuất năng lượng xanh, nâng cao hiệu quả của khu vực FDI, phát triển các dự án năng lượng tái tạo, đảm bảo an ninh năng lượng và bền vững lâu dài. Những dự án tiềm năng này nhằn giúp thay đổi cảnh quan năng lượng của Việt Nam mà GBA đang hướng tới bao gồm các lĩnh vực: năng lượng mặt trời, phong điện và điện sinh khối.
Trước đó, các doanh nghiệp Đức đã tích cực tham gia vào hoạt động tối ưu hóa năng lượng xanh trong nhiều năm. Có thể kể đến như Bosch và nhà cung cấp thiết bị y tế B. Braun đã mở rộng cơ sở của họ bằng cách áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng và lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà. Ngoài ra, các công ty FDI mới như Viessmann đã chọn các cơ sở có nguồn cung cấp điện mặt trời PV.
“Các thành viên của chúng tôi đã tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam trong nhiều năm và chúng tôi tự hào khi họ đặt nền tảng vững chắc bằng cách đưa hành động bền vững vào chiến lược của mình ngay từ giai đoạn đầu,” ông Alexander Ziehe, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Đức (GBA), chia sẻ với VnEconomy.
Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Đức cũng cho biết thêm, các công ty Đức có hiểu biết và kinh nghiệm trong việc hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu Phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
“Doanh nghiệp Đức chú ý đến những diễn biến gần đây trong các chính sách có lợi và sẽ tiếp tục tìm hiểu các cơ hội đầu tư trong lĩnh vực năng lượng”, ông Ziehe nhấn mạnh.
TIỀM NĂNG CHO HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP ĐỨC
Trong những năm qua, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ vào quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài trong kế hoạch đầu tư vào đất nước này.
“Cộng đồng của chúng tôi đặc biệt hoan nghênh việc phê duyệt Thỏa thuận mua bán điện trực tiếp (DPPA) gần đây,” ông Ziehe chia sẻ.
Nhu cầu về an ninh năng lượng và đa dạng hóa năng lượng thể hiện rõ qua những thách thức mà các thành viên của GBA phải đối mặt trong các đợt mất điện gần đây ở miền Bắc Việt Nam, dẫn đến gián đoạn sản xuất và tổn thất tài chính.
Do đó, việc tăng nguồn điện, trao quyền cho sản xuất năng lượng tự cung tự cấp và đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ nâng cao sức hấp dẫn của Việt Nam đối với doanh nghiệp".
Theo ông Ziehe, Đức có chuyên môn sâu trong các lĩnh vực như công nghệ lưới điện, ngoài khơi và gió trên bờ. Các công ty này đã quan sát Việt Nam trong nhiều năm và sẽ được hưởng lợi từ các cải cách như phê duyệt DPPA.
Với cơ hội tạo ra các mô hình kinh doanh khả thi, các nhà đầu tư sẽ chuyển chuyên môn của mình thành các cơ hội tại địa phương. Các tập đoàn đa quốc gia (MNC) phải tuân thủ các tiêu chuẩn báo cáo toàn cầu về năng lượng xanh và sẽ có thể hỗ trợ các tiêu chuẩn này hơn nữa thông qua các cải cách đang diễn ra trong lĩnh vực năng lượng.
Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Đức cũng chia sẻ rằng trước đây, đầu tư trực tiếp (FDI) từ Đức chủ yếu tập trung vào Singapore, Thái Lan và Malaysia.
Các quốc gia này đều có các nhóm ngành công nghiệp Đức đã được thiết lập lâu đời, như ngành ô tô ở Thái Lan, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Singapore. Tuy nhiên, những năm gần đây, xu hướng này đang dần thay đổi khi Việt Nam được coi là một điểm đến đầu tư ngày càng hấp dẫn.
Ông Alexander Ziehe, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Đức (GBA)
"Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các công ty Đức. Nhiều chuyên gia người Đức của chúng tôi tư vấn cho các công ty về quá trình chuyển đổi năng lượng và quản lý chất thải. Các khoản đầu tư gần đây phản ánh sự cân nhắc kỹ lưỡng của các công ty nổi tiếng của chúng tôi.
Doanh nghiệp Đức chú ý đến những diễn biến gần đây trong các chính sách có lợi và sẽ tiếp tục tìm hiểu các cơ hội đầu tư trong lĩnh vực năng lượng".
Báo cáo cũng chỉ ra rằng các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đang điều chỉnh triển vọng của họ, với chỉ số ổn định ở mức 51,3 điểm trong quý 2 năm 2024.
Mặc dù điều này thể hiện mức giảm nhẹ (từ 52,8 trong quý 1/2024), tuy nhiên mức tăng trưởng GDP mạnh mẽ 6,42% của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 và gần 70% cho thấy tín hiệu lạc quan trong dài hạn và khẳng định niềm tin mạnh mẽ rằng các chỉ số tích cực có thể thành hiện thực trong tương lai.
Theo báo cáo Chỉ số niềm tin kinh doanh của Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) trong quý 2/2024, với gần 70% lãnh đạo doanh nghiệp giới thiệu Việt Nam vẫn giữ được vị thế là điểm đến đầu tư cho các công ty Châu Âu nói chung.
Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm với thách thức. Đối với các doanh nghiệp Đức, việc thiếu cơ sở hạ tầng hiện đại cho điện và cảng biển ở miền Bắc, mật độ dân số cao ở miền Nam đã hạn chế việc mở rộng kinh doanh, theo Chủ tịch của GBA.
Bên cạnh đó, sự phức tạp trong các thủ tục hành chính và cơ sở hạ tầng tài chính cũng là nguyên nhân làm chậm trễ nhiều dự án và làm tăng đáng kể chi phí.
Cuối cùng, việc thiếu đào tạo, chưa đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế thường dẫn đến lỗ hổng khi thực hiện các dự án trên thực tế.
“Do đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Đức hợp tác chặt chẽ với cộng đồng của chúng tôi để hiểu các vướng mắc về pháp lý cũng như trong các hoạt động kinh doanh hàng ngày, từ đó chúng tôi sẽ đại diện cho họ phản hồi tới các cơ quan chức năng để có hướng dẫn cũng như giải pháp cải thiện, tháo gỡ," ông Ziehe chia sẻ.
Nguồn: TBKTVN