Thị trường mới, động lực mới cho doanh nghiệp xuất khẩu
Dưới tựa đề như trên, chuyên mục Góc nhìn - Kênh 9 Đài truyền hình TP.HCM - HTV9 vừa phát chương trình ghi nhận nỗ lực của các doanh nghiệp Thành phố trong việc đẩy mạnh xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2023 đồng thời nêu ý kiến của các doanh nghiệp, quan chức trong đó có phỏng vấn ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC). Bản tin ITPC trân trọng giới thiệu với bạn đọc toàn văn phần trao đổi giữa HTV9 và ông Trần Phú Lữ.
HTV9: Từ những chia sẻ vừa rồi có thể thấy tinh thần vượt khó của doanh nghiệp là yếu tố then chốt. Song để thâm nhập và chiếm lĩnh các thị trường mới thì sự vận động tự thân của doanh nghiệp thôi là chưa đủ. Dù ở quy mô nào, doanh nghiệp muốn khai thác thị trường mới chưa bao giờ là dễ dàng. Chính vì thế, trợ lực từ các cơ quan hữu quan lại càng quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn biến động khôn lường của tình hình kinh tế toàn cầu như hiện nay.
Thưa ông Trần Phú Lữ, suốt thời gian qua, trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, Cộng đồng doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã nỗ lực tìm kiếm những thị trường mới, những thị trường ngách tùy thuộc vào từng mặt hàng. Nói về sự nỗ lực thì chắc chắn không thể không nhắc đến vai trò của ITPC. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả cũng như là sức lan toả của những chương trình, những hoạt động mà ITPC đã tổ chức trong thời gian qua, đặc biệt là từ đầu năm 2023 đến nay?
Ông Trần Phú Lữ: Ngay từ cuối năm 2022, khi nhận thấy là thị trường xuất khẩu dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn thì các chương trình phòng Xúc tiến Thương mại của chúng tôi tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng các thị trường mới, những thị trường tìềm năng. Chúng tôi đã có những chương trình, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ lớn, đặc biệt là ở những thị trường mới, ví dụ như thị trường Trung Đông. Hay là đối với những thị trường truyền thống thì chúng tôi cũng lựa chọn một số chương trình, đặc biệt là các hoạt động kết nối giao thương với các đơn vị đầu mối nhập khẩu hay là các hội chợ chuyên ngành, đi sâu vào những nhóm ngành, lĩnh vực cụ thể mà doanh nghiệp có nhu cầu để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác khách hàng ở những thị trường này.
HTV9: Vậy trong thời gian tới, ITPC cùng các sở ngành Thành phố sẽ tiếp tục có những chương trình để tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Thành phố ra sao?
Ông Trần Phú Lữ: Chúng tôi xác định có hai nhiệm vụ trọng tâm. Một là chúng tôi sẽ tập trung vào các hoạt động hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất ở trong nước thông qua các hoạt động đối thoại, giải quyết trực tiếp những vấn đề khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp. Hoạt động thứ hai là chúng tôi ưu tiên là các hoạt động kết nối giao thương, tìm kiếm đối tác mở rộng thị trường cho các hoạt động xuất khẩu. Không chỉ dừng lại là các kết nối với các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu mà có thể bao gồm cả việc tìm kiếm những kênh phân phối mới ở những thị trường này.
HTV9: Có thể nói, ở thời điểm này chúng ta phải tận dụng từng đơn hàng một và trong bối cảnh đó, ông có những lưu ý gì với cộng đồng doanh nghiệp Thành phố khi đi tìm kiếm thị trường mới và những thị trường ngách?
Ông Trần Phú Lữ: Thật ra để khai thác những thị trường mới tiềm năng hay thị trường ngách thì doanh nghiệp cũng cần phải có chiến lược cụ thể. Trước hết là phải có sự nghiên cứu về nhu cầu thị hiếu để có thể xây dựng những dòng sản phẩm phù hợp với từng thị trường, với từng đối tượng khách hàng. Điều thứ hai, tôi nghĩ rằng doanh nghiệp phải tăng cường thêm các hoạt động xúc tiến thương mại để làm sao nâng cao sự nhận biết của các khách hàng đối với nhóm sản phẩm. Bởi vì không chỉ chúng ta có mong muốn khai thác thị trường này mà các nước khác như Trung Quốc hay những nước xung quanh trong khu vực ASEAN cũng vậy, có sự tương đồng và họ cũng có những dòng sản phẩm giá cạnh tranh. Vấn đề là chúng ta phải làm sao nâng cao sự nhận biết của khách hàng đối với sản phẩm Việt. Nếu chúng ta tự tin vào chất lượng sản phẩm, vào giá thành đủ sức cạnh tranh thì tôi tin chắc rằng đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam có thể phát huy khai thác những thị trường mới mà lâu nay chúng ta chưa có sự tập trung để khai thác trong khi tiềm năng rất lớn.
HTV9: Theo ông, hiện nay khó khăn mà các doanh nghiệp phải đối mặt là gì?
Ông Trần Phú Lữ: Thật ra tôi cho rằng hiện nay sản phẩm của doanh nghiệp Việt được đánh giá có chất lượng, đủ tự tin để cạnh tranh so với các sản phẩm khác trên thị trường. Lâu nay doanh nghiệp của mình tập trung vào những thị trường, những phân khúc trung và cao. Doanh nghiệp Việt Nam thích đi Mỹ, đi Châu Âu bây giờ quay sang các thị trường khác, kể cả Trung Đông cũng không hoàn toàn là thị trường cao cấp. Thị trường Trung Đông trong thực tế cũng có phần là một “cổng”, là thị trường trung gian nên dĩ nhiên họ yêu cầu đầu tiên là giá cả phải thật sự cạnh tranh, chất lượng sẽ phụ thuộc vào những thị trường mà họ xuất lại. Điều mà tôi muốn nói là doanh nghiệp Việt Nam chưa tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến. Sản phẩm mình là tốt rồi nhưng để người ta biết sản phẩm của mình thì phải gia tăng xúc tiến. Doanh nghiệp mình chủ yếu là nhỏ và vừa nên thật ra nguồn lực cho công tác xúc tiến cũng hạn chế. Nhưng tôi nghĩ rằng, nguồn lực ít thì chúng ta phải lựa chọn, chắt lọc chọn ra những hoạt động xúc tiến hay những thị trường cụ thể để tham gia. ITPC đang có những chương trình hỗ trợ đáp ứng nhu cầu này. Tôi nghĩ, doanh nghiệp phải làm sao để khách hàng nhận diện rằng sản phẩm Việt Nam cũng không thua kém sản phẩm của các nước khác. Nói riêng về nông sản, trong một so sánh cụ thể, ta không thua sản phẩm ngoại nhưng vấn đề là các doanh nghiệp ngoại quốc chịu khó hơn chúng ta khi tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại.
HTV9: Họ đi xúc tiến nhiều hơn mình?
Ông Trần Phú Lữ: Họ đi nhiều hơn mình, đi một cách rầm rộ chứ không như mình. Mình còn có chuyện nhân sự tham gia hoạt động xúc tiến rất hạn chế. Ví dụ như đi hội chợ quốc tế, họ cần kỹ năng, cần khả năng để nhận dạng các đối tác, khách hàng. Thật ra đi hội chợ kể cả hội chợ quốc tế, không phải mọi đối tượng ta tiếp xúc đều là khách hàng tiềm năng nhưng đó là cơ hội để mình xem xét các đối thủ của mình đang xây dựng những dòng sản phẩm gì, nó có tương đồng với mình về chất lượng. về giá cả hay không. Như vậy thì mình mới có thông tin để điều chỉnh chiến lược sản phẩm của mình. Đã là thị trường ngách thì lại càng đi vào nhóm khách hàng cụ thể hơn nữa. Ví dụ, với sản phẩm trái cây sấy bây giờ phải chia thành nhiều loại hương vị khác nhau để kết hợp thêm khi ra thị trường quốc tế. Ở một số nước, có những thị trường không ưa chuộng một hương vị chung mà phải có hương vị riêng đáp ứng nhu cầu từng nhóm khách hàng cụ thể, những thị trường cụ thể.
Nguồn: Phòng Thông tin ITPC