Thị trường Halal: Khái niệm, tiềm năng và thách thức
Chiều 13/7/2023, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA) phối hợp cùng Tổng lãnh sự quán Malaysia tại TP.HCM tổ chức hội thảo “Thị trường Halal: Khái niệm, tiềm năng và thách thức”. Hội thảo thu hút được 100 DN với hơn 130 khách mời là doanh nhân và đại diện các cơ quan nhà nước, Hội ngành nghề, đơn vị kiểm định, báo đài,... tham dự.
Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, thông tin thị trường thực phẩm Halal dành cho người Hồi giáo trên thế giới hiện phục vụ khoảng 2 tỷ người. Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đã đạt tới 7.000 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến tăng lên mức khoảng 10.000 tỷ USD trước năm 2028. Đáng chú ý, khu vực Đông Nam Á-Nam Á-Nam Thái Bình Dương là thị trường xuất khẩu tiềm năng của sản phẩm Halal, với số dân theo đạo Hồi và sử dụng thực phẩm Halal khoảng 860 triệu người. Đây là địa bàn tiêu thụ thực phẩm Halal lớn nhất thế giới với khoảng 470 tỷ USD, trong đó Đông Nam Á là 230 tỷ USD, Nam Á-Nam Thái Bình Dương là 238 tỷ USD.
Theo ông Nguyễn Tuấn, mặc dù Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu nông, thuỷ sản lớn trên thế giới, lại có vị trí địa lý gần những thị trường tiêu dùng sản phẩm Halal lớn nhưng hoạt động xuất nhập khẩu thực phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Halal mới chỉ là bước đầu khai phá. Mỗi năm, có khoảng 50 công ty được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm với sản lượng chưa nhiều.
Bà Lý Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Chủ tịch FFA nhận định, nhu cầu về sản phẩm Halal tăng mạnh không chỉ vì sự tăng nhanh của dân số Hồi giáo, mà còn phản ánh xu hướng nhiều người không theo đạo Hồi ở những nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU... ngày càng ưa chuộng các sản phẩm Halal, do đáp ứng các tiêu chuẩn cao về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường.
Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông, thủy sản lớn trên thế giới với nhiều mặt hàng tiêu biểu như gạo, cao su, chè, điều, cà phê, hồ tiêu, tôm, cá... là những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người Hồi giáo. Đặc biệt, vị trí địa lý gần những thị trường Halal lớn khi khoảng 62% dân số Hồi giáo tập trung tại châu Á. Ngay tại Đông Nam Á, Indonesia hay Malaysia,... những quốc gia Hồi giáo đông dân này sẽ là những thị trường tiềm năng với doanh nghiệp Việt Nam.
Bà Wong Chia Chiann, Tổng Lãnh sự Malaysia tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết ngành công nghiệp Halal đang là một trong những xu hướng trên thị trường thế giới.
Hiện tại, một số doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu tìm hiểu về thị trường Halal nhưng mức độ tường tận chưa nhiều.
Đối với thực phẩm, tiêu chuẩn Halal yêu cầu “quá trình chuẩn bị thực phẩm halal phải tuân theo các quy tắc Hồi giáo và tính toàn vẹn, an toàn và vệ sinh của sản phẩm được duy trì trong suốt chuỗi cung ứng chứ không đơn thuần chỉ là nguyên liệu đầu vào.
Hạn chế của Việt Nam trong việc thâm nhập thị trường Halal là tỷ lệ người theo đạo Hồi thấp và ít người trong số đó được đào tạo về quy trình chứng nhận Halal. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc Việt Nam không có cơ hội để khai thác thị trường này.
“Trên thực tế, Việt Nam được đánh giá là một địa chỉ đáng tin cậy trong sản xuất lương thực. Thêm vào đó, các thống kê cho thấy hầu hết các nhà xuất khẩu thực phẩm Halal đến từ các quốc gia không theo đạo Hồi, chẳng hạn như Australia, nơi có ít dân số theo đạo Hồi nhưng đã xuất khẩu thịt Halal trị giá hơn 2,36 tỷ USD vào năm 2021. Điều kiện quan trọng nhất là các quốc gia và doanh nghiệp nhận thức rõ tầm quan trọng và khả năng đóng góp của ngành công nghiệp Halal vào doanh thu của quốc gia,” bà Wong Chia Chiann nói.
Chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu sản phẩm Halal từ năm 2010 sang gần 10 quốc gia Hồi giáo, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty nước giải khát Bidrico cho biết, muốn xuất khẩu sang thị trường này, sản phẩm trước tiên phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe để được cấp giấy chứng nhận Halal, với chi phí khoảng hơn 30 triệu đồng. Tiếp đến là tiếp cận thị trường, đây là yếu tố quan trọng...
“Với tiềm năng lớn, xuất khẩu sang thị trường Hồi giáo đóng góp không nhỏ trong tổng doanh thu của công ty” - ông Hiến nói.
Ông HJ.Abu Samad, Giám đốc Công ty TNHH Giám định và Chứng nhận Halal Việt Nam cho biết, tùy ngành hàng, đầu tư của của DN trung bình một chứng nhận Halal hơn 20 triệu đồng, hết một năm tái chứng nhận.
Sau ba năm phải chứng nhận lại từ đầu. Chứng nhận Halal có giá trị trên toàn cầu cộng đồng Hồi giáo.
Theo ông HJ.Abu Samad, thị trường Halal toàn cầu 5.000 tỉ USD/năm. Riêng trong sáu tháng đầu năm giá trị xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Hồi giáo đạt khoảng 4 tỉ USD.
Hiện nay nhiều sản phẩm Việt Nam được cộng đồng các quốc gia Hồi giáo tin dùng như cà phê, trà, đậu, lương thực thực phẩm...
Ông Haji Machdares Samael, Quyền Chủ tịch Ủy ban Hồi giáo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhiều nước có thị trường Halal hoặc xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Halal đã nhanh chóng thành lập các cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách về xây dựng hệ thống tiêu chuẩn Halal và chứng nhận Halal.
Trong khi đó, Việt Nam chưa có cơ quan nhà nước cấp chứng nhận về tiêu chuẩn Halal, thay vào đó là một số tổ chức tư nhân cấp chứng nhận Halal.
Vì nhiều lý do khác nhau, các tổ chức chứng nhận Halal của Việt Nam hiện chưa tiếp cận yêu cầu ngày càng cao của ngành công nghiệp Halal thế giới. Đội ngũ kiểm định viên theo dõi hoạt động sản xuất các mặt hàng Halal còn có những hạn chế nhất định.
Theo ông Haji Machdares Samael, khi các tiêu chuẩn Halal ngày càng hoàn thiện, mở rộng ra nhiều nhóm hàng và siết chặt về chất lượng trong đó có các mặt hàng thủy sản nuôi trồng, trà... sẽ tác động ngày càng sâu sắc đến hàng hóa xuất khẩu và dịch vụ của Việt Nam.
Do có nhiều hệ thống tiêu chuẩn Halal trên thế giới nên các tổ chức chứng nhận Halal của Việt Nam buộc phải làm việc với nhiều tổ chức chứng nhận Halal của các nước để được chấp nhận chứng nhận Halal, khiến cho chi phí cấp chứng nhận tăng lên.
Các chi phí đó cuối cùng do các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Halal phải gánh chịu, từ dó làm giảm tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam.
Về phần mình, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm Halal gặp khó khăn trong đầu tư dây chuyền sản xuất, trang thiết bị riêng biệt, nguồn nguyên liệu an toàn cho đến các khâu đóng gói, vận chuyển, bảo quản... theo tiêu chuẩn Halal.
Điều này nếu không được giải quyết, sẽ hạn chế khả năng doanh nghiệp Việt Nam trong việc giữ và mở rộng thị trường Halal.
Chính vì vậy, bên cạnh việc nhận thức đúng và đầy đủ về thị trường Halal, Việt Nam cần có sự chuẩn bị tốt từ cả phía các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp để vượt qua thách thức, đồng thời không bỏ lỡ cơ hội do thị trường này đem lại.
Nguồn: Phòng Thông tin ITPC